• Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện văn hóa

Chuyện trường em

08/01/2021 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 08/01/2021 | 13:30

STO - 1- Thời tôi đi học, học sinh rất ít đi học thêm. Nếu có, chỉ học thêm môn toán hay sinh ngữ, còn những môn khác ít thấy! Nếu là học sinh khá, chỉ học trong lớp là đủ. Có bạn, quanh năm suốt tháng không biết học thêm là gì.

Một anh bạn có hai đứa cháu nội, cha mẹ bận đi làm nên anh lãnh nhiệm vụ đưa đón cháu mỗi ngày. Tuy công việc không nặng nhọc nhưng chiếm hết thời gian, muốn đi đâu cũng khó. Hai cháu hết học ở trường rồi tới học thêm, nên ngày mấy bận phải làm “tài xế” chở khách đặc biệt! Tôi nhớ lại, thời tôi đi học phải tự đến trường không có chuyện đưa đón gì cả. Bạn ở cùng xóm, đi chung về chung, anh em trông nom lẫn nhau. Ngày ấy đường phố ít xe cộ, không thấy chạy xe lạng lách hay các tệ nạn khác nên cha mẹ rất yên tâm. Còn bây giờ, không ai dám cho con đi học một mình. Điều đó cũng phải vì mỗi thời mỗi khác. Học sinh mỗi bước đều lên xe nên ít vận động hơn lớp học sinh ngày trước.

2- Một anh bạn giáo viên môn văn có lần than: “Học sinh bây giờ chữ nghĩa kém quá. Ngay cả tiếng Việt còn viết những câu sai văn phạm, sai cả nghĩa của từ ngữ, học hành như thế nào không thể hiểu được. Anh nhớ lại, lúc mình học xong chương trình đệ nhứt cấp, ngữ pháp khá lắm rồi, đâu như mấy em học sinh sắp sửa là sinh viên nhưng chữ như cua bò, câu cú viết lung tung!

Không ít học sinh lơ là với tiếng mẹ đẻ. Họ chỉ lo trau dồi ngoại ngữ vì nghĩ rằng đó là chìa khóa để thành công trên đường học vấn. Nhiều em nói và viết tiếng Việt lại pha tiếng nước ngoài quá lộn xộn chẳng theo quy tắc nào cả. Có những bạn trẻ chưa rời xa đất nước nhưng đã tự làm mất gốc trên chính quê hương mình. 

3- Đứa cháu tôi đang dạy học tại một trường tiểu học ở vùng nông thôn xa. Cháu yêu nghề và rất mến những người học trò nhỏ trong đó có nhiều em có gia đình khó khăn. Cháu cho biết trong lớp có chừng chục em có ba mẹ đi làm ăn ở phương xa, con cái gửi lại cho ông bà chăm sóc. Hàng tháng cha mẹ gửi về số tiền ít ỏi để chi tiêu. Họ cũng không có tiền để gửi nhiều bởi còn nhiều chi phí tại chỗ. “Một cảnh, hai quê” tình cảnh đó thật khổ chớ có vui sướng gì đâu!

Thầy biết hoàn cảnh của trò vậy thấy thương quá! Điều lo nhất của cháu, phần đông ông bà chỉ dòm chừng các cháu là chính, bởi ông bà chữ nghĩa rất ít làm sao kèm cặp việc học của các cháu nên các em thường rơi vào nhóm học sinh kém của lớp. Thỉnh thoảng, sĩ số học sinh trong lớp giảm vì có em được cha mẹ đưa lên nơi làm việc của cha mẹ sinh sống. Người thầy không có gì buồn hơn khi bước vào lớp học, chỗ ngồi học trò lại trống vắng bởi có em phải rời trường vì hoàn cảnh gia đình. Cha mẹ các em thường là lao động phổ thông nên lương không cao vừa không ổn định. Một khi cha mẹ bị mất việc, khả năng học hành của các em nửa đường gãy gánh rất dễ xảy ra!

TUẤN BA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: