• Văn hóa - Thể thao

Tản văn

Cô giáo của con tôi

18/11/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 18/11/2020 | 13:30

STO - Khi nhận giấy mời họp phụ huynh đầu năm, vợ chồng tôi đã tính đến chuyện tiền bạc rồi. Nhưng sau khi chào và cảm ơn phụ huynh, cô giáo đi ngay vào chủ đề dạy và học. Điều này ngoài dự đoán của không chỉ riêng tôi mà hẳn là nhiều phụ huynh khác cũng vậy.

Cô không khen chê những mặt tốt, chưa tốt của từng học sinh công khai mà cô phát cho mỗi phụ huynh một bản chi tiết nhận xét từng em, rất rõ ràng, tỉ mỉ, chu đáo chứ không phải chung chung. Nhiều tính cách của con mà cô nhận xét khiến tôi khá bất ngờ. Cô bảo rằng năm nay cô sẽ không nhận xét công khai giống mọi năm nữa vì dễ khiến những khuyết điểm làm các em cảm thấy tự ti. Thế nên sự tiến bộ của từng em sẽ được đánh giá dựa trên sự cố gắng chứ không so sánh với các bạn trong lớp.

Thật đáng ngạc nhiên khi cô giáo “nằm lòng” tính cách từng học sinh trong lớp. Cô giáo của con tôi không chỉ không vận động phụ huynh cho con đi học thêm mà ngược lại: “Nếu thương con thì xin anh chị đừng cho con đi học thêm”. Buổi tối, thấy con trai học có vẻ nhàn, tôi hỏi thì con bảo cô không giao nhiều bài tập. Gọi điện hỏi thì cô giáo khẳng định đúng là có chuyện đó vì cô muốn để buổi tối các em được nghỉ ngơi, giải trí, chơi với bố mẹ nhiều hơn. Nghe cô nói vậy, tôi mừng như “bắt được vàng”. Những thư đi thư lại giữa cô giáo và phụ huynh giúp tôi hiểu và thông cảm cho sự vất vả của cô giáo hơn.

Bấy lâu nay tôi vẫn muốn định hướng sắp tới cho con thi vào một trường chuyên ở tỉnh lỵ dù biết rõ lực học của con không xuất sắc. Cô khuyên phụ huynh chúng tôi đừng vì ham trường chuyên mà ép con học quá sức, phải chạy đua rồi làm khổ con. Vào trường chuyên với những em có lực học “thường thường bậc trung” như con tôi chưa hẳn đã tốt. Cô còn nói rằng nếu cha mẹ cứ ép buộc con phải vào bằng được trường chuyên sẽ gây lo lắng cho các em. Các em sẽ căng thẳng, chật vật “học lấy học để” cốt chạy theo “sở thích” của cha mẹ là chính, nhiều khi phải gồng mình lên để không bị thua kém bạn bè. Nghe cô nói, tôi như tỉnh ngộ. Tôi không còn ý định chạy theo “phong trào” chuộng trường chuyên nữa mà để con được là chính mình. Thi thoảng đọc sổ liên lạc điện tử, thấy cô giáo cất công đánh giá sự tiến bộ, cố gắng của con, tôi yên tâm lắm.

Không biết ai nghĩ ra sáng kiến dưới phần ghi bài vở cần chuẩn bị cho buổi học sau học sinh có thể viết thêm những lời tâm tình với thầy cô, rồi sau đó được thầy cô hồi âm. Sáng kiến đó rất hay, làm cho mối quan hệ cô trò ngày càng gần hơn. Học sinh không ngần ngại bộc bạch suy nghĩ của mình, còn thầy cô có thêm cơ hội hiểu học trò. Tôi không hiểu với một lớp học gần 50 học sinh, cô lấy đâu ra thời gian để chia sẻ, nhưng rõ ràng con tôi rất vui khi đọc được lời nhắn gửi của cô. Cháu thật sự coi lớp học là ngôi nhà thân thiện của mình, không còn cảm giác stress như hồi đầu năm khi chuyển sang lớp mới. Tôi tin rằng mỗi khi nhìn nét chữ của cô giáo, con tôi sẽ hình dung ra nét mặt của cô, giọng nói của cô, tình cảm của cô. Ðiều đó sẽ làm giàu thêm tâm hồn, tình cảm và động lực phấn đấu của cháu. Và những dòng chữ như thế sẽ theo cháu suốt một hành trình dài trong đời.

LÊ MINH CHÂU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: