• Văn hóa - Thể thao

Đẩy mạnh thực hiện Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh

10/09/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 10/09/2018 | 06:00

STO - Sóc Trăng là vùng đất có lịch sử lâu đời, với những ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo và nhiều di tích lịch sử cách mạng có giá trị. Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm nhằm hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu và giáo dục truyền thống…

 

Chùa Sro Lôn là một trong các di tích loại hình đình, chùa được xã hội hóa khá tốt, góp phần thu hút du khách đến Sóc Trăng tham quan.

Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Để bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, ở 7 loại hình gồm: tiếng nói chữ viết, ngữ văn truyền miệng, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống. Từ kết quả kiểm kê, khảo sát di sản văn hóa phi vật thể, năm 2016, Sở đã xuất bản 1.000 cuốn sách văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Sóc Trăng để tuyên truyền di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh và phục vụ cho công tác nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân.

Đối với loại hình văn hóa vật thể, tính đến thời điểm hiện tại, Sóc Trăng có 42 di tích đã được xếp hạng (8 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh), trong đó có 4 di tích của người Hoa, 10 di tích của người Khmer. Bên cạnh đề nghị xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa, trên cơ sở kết quả kiểm kê, khảo sát di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thực hiện 13 đề tài di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Hoa văn truyền thống tiêu biểu trong trang trí chùa Khmer; Quy trình chế biến một số thức ăn đặc sản ở Sóc Trăng; Phong tục cưới người Khmer; Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam bộ… Trong các đề tài di sản văn hóa phi vật thể trên thì loại hình “Nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” đã được lập hồ sơ khoa học và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với văn hóa lễ hội, hiện nay, tỉnh có 30 lễ hội được bảo tồn với các loại hình chủ yếu như: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội văn hóa du lịch và lễ hội ngành, nghề. Hàng năm, các địa phương trong tỉnh duy trì tổ chức và bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội, trong đó, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo là lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất. Bên cạnh đó, việc tôn vinh đối với các nghệ nhân nắm giữ và có phổ biến các nghệ thuật truyền thống được bảo đảm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 8 cá nhân được Nhà nước phong tặng nghệ sĩ ưu tú, 7 cá nhân được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú.

Còn nhiều khó khăn trong bảo vệ, trùng tu di sản văn hóa

Trong những năm qua, việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện từ nhiều nguồn lực như kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, ngân sách tỉnh và kinh phí xã hội hóa. Trong đó, các di tích loại hình đình, chùa được xã hội hóa khá tốt. Điển hình như di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu) trước đây bị xâm hại cảnh quan do người dân mua bán trước cổng chùa, UBND huyện Mỹ Xuyên, xã Đại Tâm phối hợp với các ngành chức năng có liên quan đã tiến hành vận động các hộ mua bán xung quanh khu vực chùa Sro Lôn (Mỹ Xuyên) để di dời vào khu vực mua bán tập trung. Đồng thời, kêu gọi và tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Quốc tế Satraco đầu tư khu mua bán tập trung, du khách đến tham quan có bãi đậu xe trật tự, mang lại sự tôn nghiêm cho nhà chùa, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Đại đức Kim Hoàng Hưng - Trụ trì chùa Sro Lôn cho biết: "Sau khi vận động, hỗ trợ bà con mua bán trước cổng chùa có nơi mua bán trật tự bên hông nhà chùa, các ngành và chính quyền địa phương còn quan tâm cải tạo lại khuôn viên, sơn lại sala và chánh điện, tạo sự thông thoáng và vẻ tôn nghiêm cho chùa, được khách đến tham quan khen ngợi. Sắp tới, nhà chùa mua thêm đất mở rộng 2ha khuôn viên phía sau chùa để tạo cảnh quan đẹp, thoáng mát, góp phần thu hút du khách đến tham quan, chiêm bái”.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh - Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi ở xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên) bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đa số các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng đều được phát huy tác dụng. Đối với các di tích cách mạng, định kỳ vào ngày lễ, kỷ niệm, các tổ chức đoàn thể, các trường học trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, về nguồn, nghiên cứu, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên tham gia. Các di tích loại hình đình, chùa gắn liền với hoạt động tín ngưỡng dân gian được quan tâm thực hiện tốt công tác xã hội hóa nên các công trình di tích này luôn được bảo quản tốt, diện mạo ngày càng khang trang, thu hút khá đông khách đến tham quan trong những dịp lễ hội.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Văn Đâu, nguồn kinh phí tu bổ tôn tạo đối với các di tích đã được xếp hạng còn hạn chế so với yêu cầu thực tế, nên chưa đầu tư kịp thời, đúng mức cho công tác bảo quản tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp. Trong thời gian qua, việc đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đa số thực hiện đối với các di tích cấp quốc gia, còn đối với các di tích cấp tỉnh chỉ thực hiện đầu tư tôn tạo được một số di tích lịch sử cách mạng. Còn lại hầu hết các di tích loại hình đình, chùa đều do ban quản trị và các hội đoàn tự quản lý và tu bổ bằng nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu có nguy cơ bị mai một nhưng chưa được đầu tư kinh phí để bảo tồn và phát huy. Ở một số di tích loại hình đình, chùa mặc dù đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan nhưng do sự hiểu biết có hạn nên khi thực hiện tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ (hoặc chậm thực hiện) các thủ tục xin tu bổ di tích, tự ý trùng tu tôn tạo làm biến dạng và sai lệch các yếu tố gốc ban đầu… 

Ông Phạm Văn Đâu cho biết: “Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Luật Di sản văn hóa; tổ chức nhiều hội thảo, lớp tập huấn quản lý di tích cho những đối tượng hoạt động tại các di tích để cùng chung tay với Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh đầu tư kinh phí để chỉnh lý trưng bày lại Nhà Trưng bày văn hóa Khmer, thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh”.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: