• Văn hóa - Thể thao

Đoàn Rô băm Bưng Chông - nỗ lực gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc

17/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 17/06/2019 | 06:00

STO - Nếu đã một lần may mắn được thưởng thức các vở diễn Rô băm nội dung trích từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana, Preah Chinh Na Vông, Ra Ta Na Vông được trình diễn bởi đoàn Rô băm tại ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Trần Đề) người xem sẽ như bị cuốn theo các điệu múa sinh động, mềm mại.

Trong tháng 5-2019, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Trần Đề tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật sân khấu Rô băm” của người Khmer huyện Trần Đề. Đó là niềm tự hào của các nghệ nhân Rô băm, người dân địa phương nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung và góp phần thiết thực trong giữ gìn sự phong phú, đa dạng các loại hình văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây còn là điều minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa địa phương trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, cũng là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này qua các vở diễn của các nghệ nhân Rô băm.

Đoàn Rô Băm Bưng Chông với một tiết mục phục vụ công chúng.

Nghệ thuật sân khấu Rô băm là loại hình nghệ thuật cổ điển của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần và gắn liền với nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ của bà con Khmer; là nơi truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo công chúng, trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả đến cộng đồng người Khmer, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những lễ, hội của người Khmer. Hiện nay, loại hình nghệ thuật sân khấu Rô băm chỉ còn tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó Sóc Trăng có một đoàn Rô băm tại ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Trần Đề). Đoàn Rô băm có tuổi đời trên 100 năm, đã trải qua 6 đời. Hiện tại, bà Lâm Thị Hương là Trưởng Đoàn Rô băm Bưng Chông. Gọi là “đoàn” nhưng diễn viên thường tản mát, làm thuê khắp nơi, chỉ khi nào có “hợp đồng” biểu diễn (vào các dịp lễ hội cổ truyền, sân khấu Rô băm được dựng ngay trong sân chùa) mới tập trung lại. Do còn hạn chế về số lượng diễn viên nên các thành viên trong gia đình chủ yếu biểu diễn các trích đoạn, phân cảnh tiêu biểu. Thời hoàng kim của Rô băm đã qua, bây giờ diễn Rô băm không đủ sống, ít nơi mời diễn, gia đình thường tự biểu diễn cho nhau xem. Nhờ vậy mà Rô băm đã không thất truyền, lại còn đào tạo được thế hệ kế cận và các diễn viên của đoàn luôn nỗ lực gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này qua các vở diễn. Anh La Si Nươl - Đoàn Rô băm Bưng Chông chia sẻ: “Hiện nay vấn đề khó khăn nhất là không có nơi để diễn nhưng chúng tôi vẫn duy trì tập luyện và diễn hết mình phục vụ công chúng mỗi khi có dịp giới thiệu Rô băm với mọi người”.

Đến năm 2007, Đoàn Rô băm Bưng Chông được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chọn mời tham gia trình diễn tại lễ hội đời sống dân gian tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các nghệ nhân đoàn Rô băm tại Bưng Chông còn tham gia truyền nghề cho hàng chục diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh. Đặc biệt, một sự kiện trọng đại diễn ra vào tháng 5-2019 vừa qua đã tạo nên động lực to lớn cho các nghệ nhân của đoàn khi “Nghệ thuật sân khấu Rô băm” của người Khmer huyện Trần Đề được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà Lâm Thị Hương - Trưởng Đoàn Rô băm Bưng Chông bộc bạch: “Thực sự rất vui mừng và phấn khởi khi nghệ thuật Rô băm của cha ông mình truyền lại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Chúng tôi càng thêm yêu và tập luyện, biểu diễn hết mình để giữ Rô băm cho thế hệ mai sau. Mong rằng sân khấu Rô băm sẽ luôn được bảo tồn và phát triển”.

Ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: “Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật sân khấu Rô băm” cộng đồng và chính quyền địa phương tiếp tục duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật Rô băm; sớm xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật sân khấu Rô băm của người Khmer”, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi “Nghệ thuật sân khấu Rô băm” trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND xã Tài Văn nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện Trần Đề chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân. Riêng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương tổ chức truyền dạy, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, cũng như giới thiệu loại hình nghệ thuật này đến với du khách”.

DNT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: