• Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ gia đình đam mê môn đua ghe ngo

26/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 26/10/2018 | 06:00

STO - Mỗi khi gần đến mùa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, những người đam mê môn thể thao đua ghe ngo luôn nôn nao để tham gia tập luyện. Trong số đó, có gia đình cô Kim Thị Út, ngụ ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng (Long Phú) gắn liền với môn thể thao dân tộc qua 3 thế hệ.

Dù hoàn cảnh gia đình không khá giả, nhưng mỗi khi đến mùa bơi đua, các thành viên trong gia đình cô Út lại sắp xếp thời gian đi tập luyện. Trao đổi với chúng tôi, cô Kim Thị Út kể: “Đến với môn thể thao đua ghe này, thực ra nhờ ông xã nhiệt tình ủng hộ. Dù đi tập cho đội ghe ngo nào ông xã cũng luôn theo sát cùng với tôi để cổ vũ. Năm 2000, tôi được huyện Long Phú chọn vào đội tuyển của huyện và được đi tham dự nhiều giải thuyền bầu, thuyền rồng đảm trách cầm lái và cùng đồng đội mang nhiều vinh quang tại các giải đua trong và ngoài tỉnh”.

Cô Kim Thị Út và anh Sơn Thanh Vũ khoe 2 chiếc ghe ngo mini tự tay làm.

Đến năm 2003, khi ấy giải đua ghe ngo nữ được đưa vào thi đấu trong dịp lễ hội Oóc om bóc, cô Út tiếp tục tham gia thi đấu cho một số đội ghe ngo trong tỉnh, như đội ghe ngo chùa Tứk Prăy, Bâng Kro Chắp Chắs (Long Phú), Kós Tung (Cù Lao Dung), Đăy Ompu (Trần Đề), Kar Ron (Hậu Giang)… với vị trí đội cầm lái. Cô Út kể: “Đàn ông tham gia thi đấu được, tôi cũng quyết tâm cho bằng được. Bởi gia đình tôi có truyền thống bơi đua này từ rất lâu. Cha của tôi là ông Kim És từng một thời tham gia bơi cho đội ghe ngo chùa Bâng Kro Chắp Chắs (Châu Khánh), anh trai Kim Phước Điệp, rồi đến thế hệ con cái tôi, như: Sơn Thị Ngọc Hậu, Sơn Thị Ngọc Tú và cậu con trai Sơn Thanh Vũ đều tham gia bơi cho một số đội ghe ngo trong huyện. Đó là một niềm vui đối với gia đình tôi. Trong số đó, Sơn Thanh Vũ là người đam mê nhất, vừa tham gia tập và thi đấu cho đội ghe ngo chùa Bâng Kro Chắp Thmây, còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm mô hình ghe ngo mini - là món quà lưu niệm độc đáo, khắc họa môn thể thao truyền thống của dân tộc”.

Anh Thanh Vũ chia sẻ niềm đam mê của mình: “Hồi còn nhỏ, tôi thấy môn đua ghe ngo lại rất thích thú. Lúc 12 tuổi, thấy chú hàng xóm biết làm mô hình ghe ngo mini, thích quá. Để có được một chiếc ghe ngo, ngày nào tôi cũng phải đi chăm sóc con cho ổng để được tặng một chiếc ghe ngo làm quà lưu niệm. Từ đó, tôi có tâm nguyện và quyết tâm tìm tòi, đục đẽo những gốc cây có hình dáng cong giống chiếc ghe ngo. Khi làm xong, tôi tự sơn phết, vẽ hoa văn cho dù chưa được sắc sảo lắm, nhưng sau những năm, tháng kiên trì tự học và khoảng chục năm nay, sản phẩm của tôi được bạn bè và một số du khách gần xa tìm đến mua, với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng (tùy theo kích cỡ)”. 

Theo anh Vũ, làm ghe ngo mini với mục đích là thỏa niềm đam mê. Lúc đầu phải tốn nhiều thời gian, công sức và cả nguyên liệu, nhưng kết quả chưa như mong đợi, bởi mô hình ghe ngo không chỉ cần sự tỉ mỉ, chăm chút trong việc tạo hình, tạo dáng mà còn đòi hỏi sự am hiểu về hoa văn, họa tiết trang trí. Nhưng anh vẫn kiên trì mày mò, quyết tâm thực hiện. Anh Vũ chia sẻ: “Hàng năm, mỗi khi đến giải đua ghe ngo của Long Phú hay giải đua tỉnh, tôi thấy có chiếc ghe ngo vẽ đẹp là tôi có ý tưởng sẽ làm những chiếc ghe ngo cho giống. Hiện nay, khó khăn nhất là tìm nguyên liệu như cây bình bát. Nó vừa nhẹ, đục đẽo cũng dễ dàng hơn một số loại cây khác”.

Theo anh Vũ, để có được mô hình ghe ngo, trước tiên phải đảm bảo kích thước, độ dài. Chiếc ghe ngo mini của anh thường có độ dài từ 80cm đến 150cm. Khâu quan trọng là phần vẽ họa tiết, phối màu sắc, đảm bảo được sự sắc sảo, tinh tế, tôn lên nét đặc trưng, sinh động của từng chiếc ghe ngo. Một chiếc mất khoảng 1 tuần lễ. Từ sự phát triển mô hình ghe ngo mini trong các bổn đạo, mấy năm gần đây, Ban Quản trị chùa Bâng Kro Chắp Thmây (Tân Hưng) thường xuyên tổ chức giải đua ghe ngo mini chào mừng Tết Chôl Chnăm Thmây, với sự góp mặt hơn 20 chiếc ghe. Anh Vũ cho biết: “Ghe ngo của tôi đã giành được 2 giải nhì và ba. Đó là một niềm vui và khích lệ tinh thần”.

Đối với môn thể thao đua ghe ngo, một khi “nghiệp bơi” đã thấm vào “máu” của gia đình, thì mỗi lần đến gần mùa giải, tâm trạng của họ cũng háo hức đợi chờ từng ngày, từng giờ. Không chỉ riêng gia đình cô Kim Thị Út, mà một số gia đình khác họ cũng đều cùng nhau góp sức tập luyện, cùng dắt nhau đi thi đấu, vì danh dự của nhà chùa và địa phương. Chính vì thế, lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo sắp tới, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc, vừa là dịp để các vận động viên thể hiện tài năng, thi đấu giao lưu học hỏi kinh nghiệm trên tinh thần “Thể thao - Trung thực - Cao thượng”.

T.P

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: