• Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ gia đình nghệ nhân làm đẹp các ngôi chùa Khmer

28/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 28/04/2018 | 06:00

STO - Khi nói về giới nghệ nhân vẽ hay điêu khắc người Khmer trẻ, tài hoa ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, phải kể đến gia đình chị Sơn Sà The ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng). Đây là gia đình nghệ nhân được các vị sư sãi, Achar của các chùa Nam Tông Khmer trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều nhất thông qua các tác phẩm vẽ về câu chuyện của Đức Phật hay những bức ảnh, hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) - một trong những ngôi chùa Khmer là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các tác phẩm về câu chuyện Đức Phật do nữ nghệ nhân Sơn Sà The tạo nên, rất nhiều bức họa sống động với hoa văn họa tiết công phu. Hôm chúng tôi đến, vợ chồng nghệ nhân Sơn Sà The đang phác họa những bức tranh trên tường trong ngôi sala (giảng đường). Nghệ nhân Sơn Sà The chia sẻ: “Nghề này phải có “máu” đam mê và đòi hỏi thợ vẽ phải am hiểu về câu chuyện, có một số bức tranh phải vẽ theo ý tưởng của sư trụ trì và ban quản trị chùa”.

Nghệ nhân Sơn Sà The đang chú tâm vào tác phẩm của mình.

Chị Sơn Sà The là nghệ nhân đời thứ 3, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật vẽ, điêu khắc. Khi mới 14 tuổi, chị được ông ngoại là Lý Nghét (một nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long) và mẹ là Lý Lệ Sông (cũng là nghệ nhân tài hoa) truyền đạt những kiến thức nghệ thuật từ cơ bản đến nâng cao. Với năng khiếu trời phú và đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, chị đã trở thành nghệ nhân điêu khắc chuyên nghiệp, được nhiều chùa Khmer ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh mời tới thực hiện những tác phẩm vẽ dựa theo truyền thuyết trong kinh Phật.

Chị Sà The cho biết: “Thành công như ngày hôm nay là nhờ ông ngoại chỉ dẫn về cách thức pha chế nước sơn, cách bố trí khuôn hình, cách vẽ và dạy cách ráp hình làm sao cho cân đối, thẩm mỹ, bắt mắt. Đến khi ông ngoại mất, còn để lại gia sản quý giá nhất là quyển sổ ghi chép đủ các loại mẫu hoa văn và quy cách, kỹ thuật vẽ hoa văn nghệ thuật của dân tộc. Bản thân tôi cũng không ngừng miệt mài, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu thêm từ mẹ, từ chú (nghệ nhân Lý Lết) trong dòng họ của mình, từ đó tay nghề ngày một nâng cao”.

Anh Lâm Phiên đang hoàn thiện tác phẩm của mình.

Năm 1995, chị kết duyên cùng với anh Lâm Phiên ở thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) cũng là một người đam mê nghệ thuật điêu khắc. Với bàn tay khéo léo, những tác phẩm do hai vợ chồng chị thực hiện luôn đúng với kinh sử, được các vị sư sãi, ban quản trị và bà con phật tử khen ngợi. Trong số đó, có những ngôi chùa Khmer đã thực hiện những tác phẩm về tiền sử của Đức Phật, từ Đức Phật chào đời đến nhập niết bàn như chùa Pavêsoldo, Sovanasam; vẽ hoa văn, hình Naga (rồng) trên chiếc ghe ngo… ở các ngôi chùa như: Tum Núp, Trà Quýt Mới, Pro Lean (Châu Thành); Đay Ta Sús (Mỹ Tú); Săng Ke (Long Phú); Sro Lôn (Mỹ Xuyên); Pôthisattharam (TP. Sóc Trăng)… và một số chùa của các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lâm Phiên chia sẻ: “Một số sư mời thực hiện những tác phẩm nghệ thuật vẽ hoa văn, điêu khắc trong chùa, vợ chồng tôi đều đảm nhận. Bởi vợ tôi chuyên về vẽ, còn tôi chuyên về điêu khắc phù điêu, chạm trổ những hình tượng Phật, linh thú. Hiện nay, ngoài đi làm tại các chùa, vợ chồng tôi còn tranh thủ khắc những hình tượng tại nhà để các chùa có nhu cầu trang trí thêm, như: các vị thần tiên chúc phúc, kỳ lân, sư tử, nàng kaynor, chim thần krud…”.

Theo nghệ nhân Sơn Sà The, đối với nghệ thuật vẽ nói chung và lĩnh vực điêu khắc nói riêng, chỉ dựa vào chút năng khiếu thôi thì chưa đủ, muốn theo đuổi và gắn bó với nghề lâu dài, bền vững, đòi hỏi phải thật sự đam mê, công phu trong học hỏi và sáng tạo.

Đại đức Kim Hoàng Hưng - Trụ trì chùa Sro Lôn nhận xét: “Qua bàn tay khéo léo của vợ chồng chị Sà The, những tác phẩm vẽ trên tường, cũng như những tác phẩm điêu khắc tại chùa Sro Lôn và một số chùa Khmer khác, du khách đến chiêm ngưỡng đều đánh giá cao về mặt nghệ thuật”.

Còn đại đức Thạch Sal - Trụ trì chùa Pôthisattharam (Sóc Vồ) cho rằng: “Những tác phẩm trên ngôi chánh điện mới do gia đình nghệ nhân Sà The thực hiện, được bà con gần xa đến tham dự lễ khánh thành kiết giới sây ma đánh giá rất cao”.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: