• Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ nghệ nhân “tạo hình” cho những chiếc ghe ngo

05/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 05/09/2017 | 06:00

STO - Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp rằm tháng 10 (âm lịch), đông đảo người dân trong nước và du khách nước ngoài lại có dịp đến Sóc Trăng theo dõi lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer, được chứng kiến những trận đua kịch tính và chiêm ngưỡng những chiếc ghe ngo với hoa văn rực rỡ, sắc màu sống động, lao vun vút trên mặt nước. Để có được những chiếc ghe ngo tuyệt đẹp như thế, phải kể đến bàn tay khéo léo và sự góp công không nhỏ từ nghệ nhân Khmer Danh Vũ.

Vào mùa này, muốn hẹn gặp nghệ nhân không phải là chuyện dễ, bởi anh Danh Vũ thường đi đóng ghe ngo mới cho một số chùa trong tỉnh để chuẩn bị đón lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III - khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sắp tới. Rất may, chúng tôi có dịp gặp anh tại chùa Chrôi Tưm Chắs, Phường 10 (TP. Sóc Trăng). Anh chính là nghệ nhân đời thứ tư của dòng họ trong hành trình giữ gìn và “tạo hồn” Naga Khmer ở khu vực ĐBSCL.

Anh Danh Vũ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đóng ghe ngo ở tỉnh Kiên Giang - nơi có phong trào đua ghe ngo tương đối phát triển, nên anh được thừa hưởng những kỹ thuật đóng ghe ngo. Từ đời ông cố của anh, tính đến nay, đã có 4 thế hệ của gia đình anh theo nghề này. Đời trước truyền lại đời sau và cứ tiếp tục nâng tầm cho nghề “bí truyền” của dòng họ.

Anh Danh Vũ tâm sự: “Để trở thành một người có tiếng về đóng ghe ngo không phải là chuyện đơn giản. Đó là những lúc tưởng chừng như cái nghề truyền thống đã trải qua 3 đời của dòng họ phải “tắt lịm”, nhưng vì cơm áo gạo tiền, khiến tôi còn gắn bó với cái nghề truyền thống mà cha ông đã cố công truyền lại”.

Năm 1997, theo tiếng gọi của tình yêu, anh đã kết duyên cùng với cô gái Khmer tại TP. Sóc Trăng. Cơ duyên bắt đầu vào năm 2002 khi chùa Wath Pích (Vĩnh Châu) có nhu cầu đóng ghe nhưng lại không thuê được thợ đóng. Biết anh là người trong “đạo”, nên nhà chùa đã mời anh đóng ghe mới để kịp hạ thủy trong mùa lễ hội Oóc om bóc. Anh Vũ nhớ lại: “Trong thời gian đóng chiếc ghe đầu tiên, không đêm nào tôi có được giấc ngủ ngon, lúc nào cũng hồi hộp vì không biết cân đo, đong đếm thế nào cho chuẩn, không biết lấy tiền đâu ra đền cho nhà chùa nếu đóng sai… Trời không phụ lòng người, chiếc ghe đầu tiên anh đóng đã hạ thủy an toàn, thậm chí nó còn lướt rất nhanh và nhẹ. Chính những ưu điểm đó của chiếc ghe chùa Wath Pích, Ban Quản trị chùa Ta Kúch (Châu Thành) tiếp tục mời tôi về đóng chiếc thứ hai”.

Nghệ nhân Danh Vũ đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng của chiếc ghe ngo.

Sau những năm tháng mày mò, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, anh Danh Vũ liên tục được các chùa Khmer và một số ngành, địa phương mời đi đóng ghe ngo mới trong và ngoài tỉnh, như: chùa Som Rong, Ta Đuốc Chắs, Ta Đuốc Thmây ở huyện Giồng Riềng, chùa Khveng Tua Tưng ở huyện Châu Thành (Kiên Giang); chùa Đơm Om Pil (TX. Vĩnh Châu); chùa Bâng Tone Sa, Prếk Ompu (Trần Đề)… Từ đó, anh chính thức trở thành nghệ nhân đời thứ tư của dòng họ khi chưa đầy 30 tuổi.

Theo anh Danh Vũ, vào thập niên 80, nghệ nhân Danh Nghiêm (ông nội của anh) đã nảy sinh sáng kiến trong lúc sửa chữa ghe ngo của chùa Ta Đuốc Chắs (Giồng Riềng). Do kinh phí hạn hẹp nên nhà chùa không thể đóng được chiếc ghe mới mà chỉ có thể sửa chữa. Trong lúc “bí” quá, cách mới đã được làm thử, vẫn giữ nguyên bộ khung của chiếc ghe cũ, đục đẽo bớt đi những phần đã xuống cấp và thay vào bằng những miếng ván ghép mới hơn và mỏng hơn, không ngờ, sau khi hạ thủy trong lễ Oóc om bóc năm 1985 của tỉnh Kiên Giang, chiếc ghe mới đã khẳng định được sự vượt trội về tốc độ so với chiếc ghe ngo độc mộc truyền thống. Đến năm 1986, chiếc ghe cải tiến này đã đoạt ngôi quán quân trong lễ hội Oóc om bóc tại Sóc Trăng.

Như thế thấy được trong quá trình hàng trăm năm tồn tại của chiếc ghe ngo độc mộc, ưu điểm vượt trội của chiếc ghe ghép ván đã đáp ứng được sức người, sức của và nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong thời hiện đại. Đến những năm 90, nghề truyền thống này được cha truyền con nối cho nghệ nhân Danh És (cha của anh Vũ) và tiếp tục mang hành trang “nghiệp” đóng ghe ngo đi khắp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Sự đam mê, lòng nhiệt huyết đã tạo nên “linh hồn” của Naga (con rồng) tung bay trên “đường đua xanh” mùa lễ hội. Không chỉ thế, anh còn phát triển nó lên một tầm cao mới khi kỹ thuật đóng ghe ngày càng được rút ngắn, tốc độ của chiếc ghe ngày càng nhanh hơn. Nếu những năm 90 để đóng hoàn thành chiếc ghe ngo mất hơn 1 tháng, tốc độ đường 1.200m, một chiếc ghe phải mất 4 phút 30 giây, thì đến năm 2003, anh cải tiến giảm xuống dần còn 3 phút 30 giây và đến năm nay chỉ mất hơn 2 phút (kỷ lục của chiếc ghe Thnol Thmây, Pong Tứk Chắs, Ông Kho của huyện Thạnh Trị đạt được trong mùa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo vừa qua). Khi hỏi về sản phẩm ra “lò” từ năm 2002 đến nay, anh Danh Vũ không nhớ rõ và chỉ cười tươi: “Tôi đóng được khoảng gần 100 chiếc ghe ngo mới ở các tỉnh, thành như: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ. Hầu như những chiếc ghe do tôi đóng đều nằm trong 8 hạt giống mạnh tại các kỳ giải đua của tỉnh và khu vực”.

Chỉ tính riêng trong năm 2017 này, anh cùng cộng sự của mình đã sửa chữa và đóng mới gần 10 chiếc. Để cải thiện thứ hạng, đạt thành tích tốt hơn ở mùa giải này, anh đã đóng ghe ngo mới cho chùa Chruôi Tưm Chắs, với kích cỡ lớn hơn so với một số ghe ngo mà anh từng đóng trước đó và có nhiều nét tương đồng với chiếc ghe mà các tay bơi của Càng Long (Trà Vinh) sử dụng trong những mùa giải gần đây. Đó là “rộng bụng, dài thân”, đặc biệt chiều dài gần 31m, so với 25m hoặc 27m của một ghe ngo thường thấy.

Anh Danh Vũ chia sẻ thêm: “Chiếc ghe đóng mới cho chùa Chruôi Tưm Chắs năm nay, tôi có cách tân và chỉnh sửa đôi chút so với những chiếc tôi đã từng nhận đóng như: không có hơ be lườn như trước đây mà chỉ sử dụng gỗ tươi phơi khô, ghe đóng theo cách 7 tấm ghép lại dài 31m, chứa được 60 người, nhiều hơn so với ghe truyền thống trước đây từ 10 đến 12 người”.

Từ những kinh nghiệm thực tế đó, càng đóng anh càng tự rút được nhiều kinh nghiệm. Nếu như trước đây, trong thời gian hơn một tháng mới hoàn thiện được một chiếc ghe ngo, thì nay chỉ còn khoảng 1 tuần (không kể sơn phết, vẽ hoa văn) là đã cho ra “lò” một chiếc ghe ngo mới. Thành công từ nghề gia truyền, đến nay, các em của nghệ nhân Danh Vũ như Danh Vương cũng tiếp tục nối nghiệp của ông cha để lại.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: