• Văn hóa - Thể thao

Hành trình tìm hình cho gỗ

22/12/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 22/12/2018 | 06:00

STO - Chuyến phà sớm xé nước xuyên màn sương mỏng vượt vàm Đại Ân đưa khách sang sông. Gió chướng về thổi lạnh bến sông quê, con nước cũng chau mày khi sóng trường giang vỗ nhịp rì rào. Cái lạnh mùa cuối năm không ngăn được dòng người xuôi ngược, không cản được bước chân khách phương xa tìm về đất cù lao để cùng hòa vào hành trình đi tìm hình cho những khối gỗ vô tri của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Ẩn. Khách sẽ nghiêng mình thán phục biết bao vì mỗi tác phẩm là một kỳ công gầy dựng.

Cùng anh cán bộ UBND thị trấn Cù Lao Dung ghé vào nơi “đóng đô” của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Ẩn tại ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung). “Giang sơn” của anh là vô vàn tác phẩm, mới có, cũ có, với đủ các tượng động vật hoang dã: voi, cọp, rắn, đại bàng, công, cá… Kề bên nhà là “trại sáng tác” - một túp lều với các loại dụng cụ, các loại gỗ dành cho việc sáng tác. Phía trước nhà đặt mấy bức tượng gỗ khá bắt mắt, đặc biệt là bộ ghế có hình long tranh hổ đấu đã có người mua với giá vài chục triệu đồng. Đó là công trình của bao ngày khó nhọc.

Sau vài lời xã giao, anh vẫn đánh vật với khối gỗ, chăm chú và tỉ mỉ vào từng nhát đục làm từng thớ gỗ tung lên rơi xuống nền gạch. Anh vẫy tay: “Anh em chờ mình chút nghe, đang tạo hình cho bộ rễ nhãn”. Chất hào sảng của miền sông nước Cửu Long đã tạo nên những con người hào sảng của dãy đất này từ bao thế hệ, nay lại thấp thoáng tái hiện ở người đàn ông tuổi ngoại ngũ tuần. So với lần gặp trước trông anh cũng chẳng có gì đổi khác, vẫn còn đó chất lãng tử, chỉ có thêm chòm râu rất quý ông Nam bộ. Những hình hài cơ bản dần hiện ra sau mỗi nhát đục, bộ rễ cây vô tri vô giác bỗng có hồn, bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, biết khóc, biết cười cùng cảm xúc của chủ nhân.

Chăm chú và tỉ mỉ vào từng nhát đục.

Xong xuôi đâu đấy, anh phủi tay chậm rãi châm lửa điếu thuốc lá, từ từ nhả khói mù mịt, hớp ngụm trà ngon, tặc lưỡi sảng khoái sau khi đã hoàn thành một công đoạn của công trình điêu khắc. Theo từng cuộn khói bay lên là một điều thú vị được tiết lộ. Thời trẻ anh từng là nhạc công, tay chơi ghi ta cự phách ở xứ cồn này, sau đó có gia đình dựng quán cà phê lập nghiệp cùng với mảnh vườn cạnh nhà và giờ kinh doanh quán ăn. Thời còn trẻ, anh chỉ thích đờn hát thôi chứ đâu biết gì đến điêu khắc.

“Nhiều khi nằm đêm nghĩ lại thấy rùng mình, không hiểu sao lại làm được như vậy; tự mày mò học lỏm là chủ yếu chứ có ai truyền nghề đâu. Lúc còn trẻ chẳng thiết tha gì, đến khi đứng tuổi lại có hứng thú với điêu khắc gỗ. Thời điểm đó, có mấy tay thợ nhận làm đồ điêu khắc cho một số bà con ở địa phương nhưng tiền thì nhận mà sản phẩm thì không có, bỏ trốn mất biệt không giữ uy tín gì hết, mình quạu quá mới quyết tâm làm thử xem sao, người ta làm được thì mình cũng làm được, nếu thành công sẽ cố gắng giúp cho bà con điêu khắc. Thế là bắt đầu đục đẽo làm những vật trang trí bình thường. Không ngờ nhìn cũng đẹp, bà con cũng khen, tính đến nay cũng gần chục năm. Muốn theo nghề phải thực sự đam mê, nhiệt huyết, yêu nghề và năng khiếu” - anh Ẩn tâm tình.

Kể từ thời điểm đó, anh bắt đầu gắn bó với nghề chạm khắc gỗ, gắn bó với các dụng cụ chuyên dụng như đục, máy cưa, máy bào. Vừa làm vừa học, nghề dạy nghề, cộng với sự chịu khó học hỏi qua bạn bè là nghệ nhân điêu khắc gỗ. Lúc rảnh rỗi thì anh tham khảo qua sách báo, internet, rồi tham quan ở các nơi làm nghề điêu khắc có tiếng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân trong điêu khắc tác phẩm.

Tác phẩm được tạo ra phải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn chất liệu gỗ. Các loại gỗ anh Nguyễn Ngọc Ẩn dùng chạm khắc thường là sao, vú sữa, còng, gõ hay bất cứ thứ gỗ nào, có khi là gỗ phế phẩm nhưng miễn sao tạo hình được là làm được. Sau khi chọn gỗ thì phải xử lý gỗ, tức là tính toán đường cưa sao cho tận dụng được tối đa thân gỗ, rồi phơi nắng khoảng nửa tháng để cho gỗ định hình, không bị biến dạng sau khi chạm khắc. Tiếp theo là chọn chủ đề; các đề tài thường là do khách hàng yêu cầu hoặc do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Ẩn sáng tạo trên cơ sở hình dáng của khối gỗ, rồi tự phác họa hình ảnh trong đầu. Thông thường là tứ linh (long - lân - quy - phụng), linh ngư và các động vật hoang dã. Sau đó, tạo dáng cho khối gỗ bằng cưa máy, tạo các chi tiết nhỏ, cạo láng, chà bóng và sơn. Bên cạnh, thao tác, kỹ thuật chạm khắc gỗ anh thực hiện rất đa dạng, phong phú, nhưng có thể quy về 4 loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Mỗi loại chạm ứng với từng loại sản phẩm nhất định.

Mỗi tác phẩm thực hiện trên dưới 1 tháng, tùy vào từng tác phẩm. Tính ra từ khi cầm đục điêu khắc đến nay đã gần chục năm, Nguyễn Ngọc Ẩn đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm. Trong đó, nhiều tác phẩm đã được bán với giá vài chục triệu đồng, bước đầu tạo được dấu ấn tại địa phương. “Anh Năm Ẩn làm các bức tượng cũng đẹp và bắt mắt, đúng là anh có năng khiếu bẩm sinh. Thấy anh đục đẽo khúc cây cả tháng trời thấy ngán thiệt, nếu không đam mê thật sự và không có khiếu thì khó lòng làm được, mỗi tác phẩm đúng là một kỳ công” - anh Nguyễn Hoàng Tiến, ngụ ấp Phước Hòa B, thị trấn Cù Lao Dung tâm tình.

Khi bắt tay vào làm thì anh quên hết thời gian, quên ăn, quên ngủ, quên cả vợ, con; làm ngày, làm đêm hàng tháng trời đến khi nào xong mới thôi. Góp nhặt từng chi tiết, để trí tưởng tượng thỏa sức bay bổng. Có những lúc đang làm mà gặp khó ở một chi tiết nào đó, anh cứ dằn vặt vì chưa tìm ra cách hoàn thành cho tác phẩm thiệt trọn vẹn và đẹp. Cái suy nghĩ đứa con tinh thần của mình chưa được trọn vẹn len vào cả giấc ngủ đêm khuya. “Nhiều lúc nửa đêm đang ngủ chợt bật ra ý tưởng tạo dáng cho các chi tiết mình liền bật dậy chạy ra đục đẽo cho đến sáng. Càng làm càng thấy mê, mỗi lần hoàn thành một sản phẩm thấy “đã” trong mình gì đâu” - anh Ẩn cười khà một tiếng, vẫy tàn thuốc và hớp thêm ngụm trà.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cù Lao Dung Thạch Thanh Cang cho biết: “Các tác phẩm của anh Ẩn đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ở địa phương. Nghề điêu khắc của hộ anh Nguyễn Ngọc Ẩn là một mô hình mới ở thị trấn và khá triển vọng. Thời gian tới, thị trấn luôn tạo điều kiện hỗ trợ để gia đình mở rộng ngành nghề cũng như tạo điều kiện để anh quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi hơn, đến với nhiều người hơn”.

Chia tay ra về khi trời vừa xế bóng, nắng chiều nhảy múa trên tuyến đường xa với những hình thù kỳ dị, thấp thoáng trong bóng mây như có hình rồng phượng vút cao bao ước vọng.

Hoàng Phúc Dương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: