• Văn hóa - Thể thao

Hấp dẫn môn đẩy gậy tại Đại hội thể dục thể thao tỉnh

17/01/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 17/01/2018 | 13:00

STO - Cũng như các môn petanque (bi sắt), kéo co... đẩy gậy là một trong những môn thể thao truyền thống và được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào chương trình thi đấu tại Đại hội thể dục thể thao (TDTT) cấp tỉnh, thu hút đông đảo vận động viên (VĐV) nam và nữ tham gia tranh tài.

Đẩy gậy không chỉ là trò chơi dân gian tạo sinh khí vui nhộn trong dịp lễ hội hay các giải, hội thao mà còn là một môn thể thao dân gian rèn luyện thân thể, trí lực, tạo cho con người có ý chí vững mạnh. Hiện nay, không chỉ riêng những nam thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến môn thể thao này, mà những cô gái có sức lực cũng tham gia tranh tài. Hiện tại bộ môn này đã và đang trở thành một trong những môn thi đấu chính tại các cuộc thi, hội thao dân tộc.

Tại kỳ Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Trần Đề tổ chức thi đấu môn đẩy gậy, đã thu hút trên 100 VĐV (32 VĐV nữ) đến từ 15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố và ngành (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, Bộ đội Biên phòng và ngành Giáo dục và Đào tạo) tham gia thi đấu tranh chấp 16 bộ huy chương. Theo đó, nam thi đấu ở 10 hạng cân (từ 45 - 75kg) và nữ thi đấu 6 hạng cân (từ 45 - 66kg). 

Đẩy gậy là một trong những môn thể thao truyền thống và được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào chương trình thi đấu tại Đại hội TDTT cấp tỉnh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không khí của giải đẩy gậy diễn ra rất sôi động và hấp dẫn. Hình thức chơi rất đơn giản, hai VĐV bước vào trong vòng tròn đồng tâm khoảng 5m, với một chiếc gậy có chiều dài 2m được sơn màu trắng, đỏ hai đầu để dễ phân biệt. Mỗi VĐV cầm chắc một đầu gậy và sau khi nghe hiệu lệnh của trọng tài, các VĐV bắt đầu làm động tác đẩy gậy. Sau khi các VĐV đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị thi đấu, trọng tài chính dùng khẩu lệnh cầm gậy, các VĐV mới được phép cầm gậy theo quy định của luật. Trọng tài chính một tay cầm chính giữa gậy, khi các VĐV đã ở tư thế sẵn sàng, đúng luật, hô dự lệnh chuẩn bị, sau đó thổi một hồi còi phát lệnh cho hiệp đấu bắt đầu, đồng thời buông tay cầm gậy ra. 

Theo quy định luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra trong 2 - 3 hiệp. Tính chất của trận đấu rất quyết liệt bởi tranh tài luôn là đối kháng loại trực tiếp nên có bất kỳ sơ sẩy nhỏ nào là dẫn tới thua cuộc đáng tiếc.

Trong không khí thật vui tươi của ngày hội, các chàng trai, cô gái đã thể hiện được bản lĩnh của mình khi giành chiến thắng đầy thuyết phục. VĐV Trần Thị Cẩm Hằng ở Thạnh Phú vừa góp 1 HCV (45kg nữ) cho huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Lần đầu tiên em tham gia thi đấu tại sân chơi này, em rất hồi hộp. Đặc biệt ở trận chung kết gặp VĐV của huyện Kế Sách, bạn ấy cũng rất mạnh. Nhưng lợi dụng cơ hội tốt, em dùng toàn lực của mình để đẩy đối thủ ra ngoài vòng tròn quy định và giành chiến thắng”.

Để thắng đối thủ, người chơi không chỉ cần có sức mạnh, mà còn phải khéo léo, có kỹ thuật đẩy làm cho đối phương chạm chân hoặc ra ngoài vòng đấu. VĐV Trịnh Văn Khánh (TX. Vĩnh Châu) sau khi giành chiến thắng (đạt HCV) trước VĐV Lý Giảng của Thạnh Trị phấn khởi cho biết: “Trước khi đến với giải, tôi cùng với đồng đội đã tập luyện khoảng 10 ngày, với mục tiêu hướng tới quyết tâm giành thành tích cao nhất. Điều đó đã trở thành hiện thực khi liên tiếp đánh bại đối thủ của mình để bước lên bục cao nhất”. 

Là đơn vị có số lượng VĐV tham dự giải đông nhất (18 VĐV), HLV Thạch Sồi đơn vị TX. Vĩnh Châu chia sẻ: “Nếu nhìn kỹ thì tưởng chỉ đơn giản là hai đối thủ đẩy gậy, nhưng trong chuyên môn, chúng tôi biết rằng VĐV giỏi là người sẽ có cả kỹ thuật dùng khí lực rồi lúc thi đấu sẽ xoáy gậy, đè gậy... để khiến đối phương bị đánh bật khỏi vòng đấu. Điều đáng vui mừng đến với chúng tôi, khi tranh chấp 16 bộ huy chương, thì các VĐV nam và nữ của Vĩnh Châu giành chiến thắng tới 9 HCV. Điển hình như VĐV: Lê Hoàng Dễ, Giang Sĩ Liêm, Kim Tha, Phạm Tuấn Cảnh, Đào Si Tha, Trần Thanh Thịnh, Trịnh Văn Khánh và Võ Lâm Bảo Trúc”. 

Dù giành chiến thắng hay thất bại, nhưng qua giải đấu các VĐV vừa có dịp giao lưu, thử sức, tranh tài với mục đích “vui khỏe là chính” vừa góp phần tạo không khí thêm sôi động. Đó cũng là một dấu mốc mới trong công tác bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa, thể thao, tạo tiền đề cho môn thể thao dân tộc ngày càng phát triển trong giai đoạn hội nhập.

T.P

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: