• Văn hóa - Thể thao

Khám phá cổ đình hơn trăm năm tuổi

29/03/2018 21:32 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: KGT
  • Thứ Năm, 29/03/2018 | 21:32

STO - Dù có bận rộn ra sao, mỗi khi có dịp, đặc biệt là đến lễ kỳ yên, bà con trong vùng đều cố gắng đến Cổ Đình Thần Long Đức (Đình Thần Nguyễn Trung Trực) để thắp nén hương nhớ cội nguồn, về những bậc tiền hiền đã khai sinh, bảo vệ vùng đất này và tin vào một tương lai xán lạn. Trong khói nhang nghi ngút, trong khung cảnh nhuốm màu linh thiêng của ngôi cổ đình hơn trăm năm tuổi, qua nét kiến trúc của đình thần Nam bộ, từ sâu thẳm tiềm thức nghe vọng về một thuở xa xưa thời “mở làng, lập ấp”.

Theo các tài liệu còn lưu lại và qua lời kể của các bậc cao niên, cũng như căn cứ vào các di vật còn lưu giữ thì đình được lập cách đây đã hàng trăm năm để thờ vị anh hùng Nguyễn Trung Trực và các bậc tiền hiền đã có công khai làng, lập ấp cùng những chiến sĩ thời trước đã có công bảo vệ làng xã. Đình khởi dựng vào năm 1878 theo kiến trúc cổ, giống với kiến trúc của các ngôi đình thần ở Nam bộ với cột gỗ, mái ngói, ngôi đình chính với các gian khác nhau, có sân đình, cổng đình… Đến năm 1974, đình bị trúng bom giặc cháy rụi.

Thắp nén nhang tưởng nhớ tiền nhân.

Năm 1978, đình được dựng lại trên nền cũ bằng tre, lá với sự đóng góp của bà con trong xã. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay ngôi đình được khang trang và kiên cố, xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc cũ, tọa lạc tại ấp An Hưng, xã Long Đức (Long Phú), phía trước có sông, phía sau có ruộng; các cây long trụ (cột gỗ) chạm trổ hình rồng uốn lượn trong mây ở ngay chính điện được làm từ gỗ căm xe hàng trăm năm tuổi. Đến nay, Cổ Đình Thần Long Đức vẫn còn lưu giữ nhiều di vật từ xưa truyền lại như: khai hộp, đèn măng xông, cây đòn dong, bộ ván ngựa, cột đình bằng gỗ căm xe… Đặc biệt, đình đang chuẩn bị khánh thành bức tượng Nguyễn Trung Trực cao hơn 4m đặt ngay trước sân đình, càng làm cho ngôi đình thêm uy nghi. Từ đó, thêm mang ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

“Đình có ý nghĩa lớn về mặt tín ngưỡng tâm linh của người dân tại địa phương. Đặc biệt, vào lễ kỳ yên hàng năm được tổ chức rất trang nghiêm, là dịp để trả ơn Thần, các bậc tiền hiền, hậu hiền đã phù hộ trong công việc làm ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an” - ông Trần Văn Hớn - Chánh bái Cổ Đình Thần Long Đức cho biết.

Theo đó, lễ kỳ yên Cổ Đình Thần Long Đức được tổ chức theo thông lệ hàng năm, lễ cúng diễn ra từ ngày 16 đến 18-3 (âm lịch). Đây là hoạt động mang tính truyền thống được tổ chức long trọng với các lễ thức của cúng đình người Việt. Về nghi thức cúng đình gồm: cúng Thần nông lúc 11 giờ 30 phút ngày 16 - như là sự nhớ ơn đất đai, ông thổ địa đã giúp họ làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt. Đến 12 giờ cùng ngày là lễ cúng chánh tế. Đáng chú ý là lễ xây chầu diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 16 đúng theo các lễ: lễ khai nhật - nguyệt, lễ điền hương - điền hoa, lễ tam hiền: Phước - Lộc - Thọ; lễ tứ tướng Thiên vương: Đông - Tây - Nam - Bắc; lễ đại bội. Kết thúc lễ xây chầu là nghi thức đại bội - cúng bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông với ước mơ bốn mùa hoa nở để nhân dân trong vùng no ấm, làm ăn tấn tới và vụ mùa bội thu. Sau phần thực hiện các nghi lễ cúng đình là phần biểu diễn nghệ thuật cải lương được đông đảo khán giả, nhất là khán giả lớn tuổi yêu thích.

Trong mùa kỳ yên có đến vài nghìn lượt bà con trong và ngoài xã tập trung tại đây vào buổi tối. Khi lễ hội bắt đầu, các vị cao niên đến để được thưởng thức bộ môn nghệ thuật cải lương. Còn những người trẻ hơn thì đây là dịp để gặp gỡ bạn bè, nam thanh nữ tú có dịp để hẹn hò, vui chơi. Tất cả tạo nên không khí náo nức, nhộn nhịp của ngày hội làng quê. Quan trọng hơn đó chính là một loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Anh Nguyễn Văn Út ở ấp Lợi Hưng, xã Long Đức bộc bạch: “Vào mỗi dịp cúng đình, bà con ở đây đến đông lắm, nhất là vào buổi tối, trước là để thắp nén hương để tỏ lòng thành kính với bậc bề trên, sau là xem hát”.

Cũng có trường hợp tham dự lễ kỳ yên để làm phong phú thêm đời sống tâm linh, bày tỏ sự ngưỡng vọng đối với tiền nhân. Ông Đặng Thanh Sang, một người dân đến từ TP. Sóc Trăng tâm sự: “Lúc nhỏ tôi từng có thời gian sống ở đây. Dù bây giờ tôi không còn ở tại địa phương nhưng thỉnh thoảng vẫn về quê chơi, mỗi lần về lại ghé qua đình thắp nén nhang tưởng nhớ tiền nhân, đặc biệt mỗi lần đến lễ kỳ yên thì có bận đến đâu cũng phải về đây cúng bái, đó là tâm nguyện của tôi”.

Ông Lê Văn Hùng - Trưởng Ban hội đình ấp An Hưng, xã Long Đức cho biết: “Đình Thần Nguyễn Trung Trực có nhiều giá trị tiêu biểu, hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật xưa. Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đây là cơ sở nuôi chứa nhiều cán bộ hoạt động cách mạng”.

KGT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: