• Văn hóa - Thể thao

Không khí đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

12/04/2019 17:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 12/04/2019 | 17:00

STO - Trong những ngày này, không khí đón Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng lại rộn ràng trên khắp các xóm ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer, chùa chiền Khmer, với kỳ vọng, mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới đến với mọi người.

Không khí vui nhộn trong những ngày tết cổ truyền.

Có dịp về các xóm, ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống của tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, nô nức chuẩn bị đón tết cổ truyền của đồng bào Khmer. Mọi nhà đồng bào Khmer đều quét dọn sạch đẹp nhà cửa, chùa chiền, treo băng, cờ, khẩu hiệu có dòng “Sua Sđey Chnăm Thmây”, tạm dịch “Chúc mừng năm mới” ở khắp nơi.

Đến với xã Trường Khánh (Long Phú) - nơi có ngôi chùa Khmer duy nhất của xã - chúng tôi thấy rõ diện mạo các vùng quê đang khởi sắc. Đời sống vật chất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của bà con đã được nâng lên rõ nét. Đang dựng lán trại ở một góc ngôi chánh điện của chùa Sang Ke chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây, ông Thạch Quốc Bảo (ông Bảy), ngụ ấp Trường Lộc chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, trước tết vài ngày, tổ chúng tôi tập hợp anh em trong xóm chở cây, vật liệu đến chùa dựng lán trại và trang trí thật đẹp để đón năm mới. Tết còn là dịp bà con Khmer sum vầy bên gia đình, chuẩn bị trang trí, quét dọn nhà cửa, nào là mua đồ ăn, gói bánh tét rồi đến chùa theo phong tục”.

Theo đại đức Thạch Yến - Trụ trì chùa, đón tết hàng năm tại chùa có 6 lán trại được dựng lên ngay xung quanh ngôi chánh điện; mỗi tổ trong bổn đạo có một lán trại để họ cầu an, cầu phúc trong năm mới mọi điều tốt lành đến với mọi người, mọi gia đình vạn sự như ý. Cũng trong khuôn viên của chùa, nhiều lán trại, hay sân khấu văn nghệ để phục vụ bà con trong dịp tết được dựng lên hoàn thiện.

Sư sãi và bà con phật tử trang trí sân khấu phục vụ dịp tết.

Trong khi đó, đón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay tại chùa Mahatup (chùa Dơi) thuộc Phường 3 (TP. Sóc Trăng) rực rỡ với cờ hoa, khiến khung cảnh của chùa trở nên lộng lẫy và trang nghiêm hơn. Đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh được các vị chư tăng, phật tử cùng nhau quét dọn sân chùa sạch sẽ, dựng sân khấu văn nghệ phục vụ tết.

Khi hỏi về việc chuẩn bị đón tết, thượng tọa Lâm Tú Linh - Phó Trụ trì chùa Mahatup cho biết: “Gần một tuần nay, việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây được sư sãi và bà con phật tử đến tiếp sức, như: trang trí cờ, băng rôn, ráp sân khấu văn nghệ, nhằm tạo điều kiện cho bà con đến chùa cúng dường Tam bảo cầu an cho gia đình được bình an, khỏe mạnh, may mắn trong năm mới; đồng thời tạo sân chơi cho những người yêu thích lĩnh vực nghệ thuật có dịp ca, múa hát với nhau”.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16-4 dương lịch. Để chuẩn bị đón giao thừa, ở các chùa các vị sư sãi tụng kinh để đón Têvađa (chư thiên) năm mới. Còn ở nhà, đồng bào phật tử cũng chuẩn bị một số lễ vật như: thắp nhang, đốt đèn cầy, bánh trái, nước hoa để cầu mong cho gia đình năm mới được hưởng nhiều may mắn và mọi sự tốt đẹp nhất. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang, đèn cầy, vái ba lần để tiễn đưa Têvađa năm cũ và rước Têvađa năm mới, mong được ban phúc lành.

Tại chùa Sang Ke (Long Phú), bà con cùng nhau dựng lán trại đón năm mới.

Bước vào ngày đầu của năm mới, buổi sáng và trưa, đồng bào Khmer ở các phum sóc dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng, làm nghi thức lễ của Phật giáo. Tại khuôn viên chùa còn có tục đắp núi cát mang tính tượng trưng theo sự điều hành của các vị Achar. Ở một số nơi, thì người ta đắp núi tháp bằng lúa. Ngoài ra, các chùa còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Sôi động nhất là các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao, thi đấu bóng chuyền, bịt mắt đập nồi đất, giấu khăn, đẩy gậy, hát múa, rom-vong, sara-vanh… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Sang ngày thứ 2, hay gọi là ngày Virer-vona-both, đồng bào Khmer tiếp tục dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường cho các vị chư tăng. Theo các vị Achar, các ngày lễ, phật tử đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi và lắng nghe các vị sư chúc tụng, cầu an, cầu phúc, thuyết pháp giảng đạo.

Ngày thứ 3 gọi là ngày Lơng-sắk, tức là ngày chuyển sang niên lịch mới. Ở ngày này, từ buổi sáng, trưa đến chiều, bà con phật tử từ các phum sóc dâng cơm, lễ vật, nước hoa, bánh trái đến chùa để cúng Phật và dâng đến các vị chư tăng. Tiếp theo đó, tiến hành làm lễ chắk kompi (tục bốc thăm) và thỉnh các vị chư tăng thuyết pháp nói về tiền kiếp của đức Phật. Bà con Khmer có quan niệm rằng, nếu năm mới bốc thăm trúng vào câu chuyện gặp những điều tốt lành, thì đó là điều may mắn và bản thân họ cần tiếp tục làm những việc thiện để được hưởng may mắn hơn. Tập tục tắm tượng Phật và tắm cho các vị tăng lão ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Đây cũng chính là nghi thức thể hiện lòng tôn kính đức Phật và các vị sư trong chùa. Sau đó, nhiều gia đình thỉnh các vị chư tăng làm nghi thức cầu siêu tại ngôi tháp tập thể, hoặc tháp gia đình cho những người ân nhân đã khuất, nhằm tưởng nhớ về cội nguồn, công ơn sinh thành, dưỡng dục của các bậc tiền nhân. Cùng vào thời điểm này, có những gia đình còn tiến hành làm nghi thức tắm cho các bậc ông, bà, cha, mẹ, những người cao niên trong phum sóc đã có công ơn giảng dạy mình. Tục tắm được tổ chức đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa giáo dục, mang tính nhân văn sâu sắc.

Đây cũng là dịp để giáo dục con cháu thế hệ mai sau phải có lòng hiếu thảo đối với ông, bà, cha, mẹ, những bậc ân nhân của mình. Đồng thời cũng để đồng bào quy tụ, sum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn, mừng tuổi, mừng những thành quả qua một năm lao động sản xuất, học tập… Qua đó, hướng mọi người làm những việc thiện để năm mới bản thân và gia đình được hưởng an vui và hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước được giàu đẹp hơn.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: