• Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện văn hóa

Làm con phải hiếu

23/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 23/11/2020 | 06:00

STO - Ngày trước học tiểu học, lứa học trò chúng tôi đều được học những bài học thuộc lòng về công ơn của ông bà, cha mẹ nên phải sống hiếu thảo để đền đáp công ơn ấy. Những câu ca dao quen thuộc như: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” trò nào cũng thuộc lòng cả. Tuổi nhỏ, đầu óc như tờ giấy trắng, học trò luôn nghe lời thầy cô nên cố gắng thực hiện. Cô dạy, các em phải biết vâng lời người lớn trong nhà. Có thể tập làm công việc nhỏ đỡ đần cha mẹ cũng là cách thể hiện của một người con hiếu. Những lời dạy chân tình luôn ăn sâu vào trí nhớ của những đứa trẻ còn thơ dại.

Lúc ông tôi còn sống, ông tôi thường dặn dò con cháu không nên giao du với những người con bất hiếu. Ông tôi nghĩ đơn giản, muốn xem xét nhân cách của một người, đầu tiên ta có thể xem người đó đối xử với cha mẹ của họ như thế nào, có hiếu thảo hay không? Khó có thể có được một người bạn tốt nếu người đó ăn ở bất hiếu với cha mẹ mình. Người thân của họ mà họ còn đối xử như vậy thì đối với người dưng nước lã như bạn bè có ra gì đâu! 

Lời dạy dỗ ấy sau này ra đời tôi thấy thật chí lý. Không những áp dụng cho việc chọn bạn mà chơi, đó còn có thể là tiêu chí để đánh giá trong việc nhằm chọn bạn đời của mình nữa. Hơn 30 năm trước tôi có anh bạn khá thân thiết với một người bạn gái. Hai người trong quá trình tìm hiểu và anh dự định tiến xa hơn tình bạn. Một lần đến nhà người bạn gái không có hẹn trước, anh nghe cô ta ở nhà sau mắng chửi mẹ mình thậm tệ vì chuyện mua hàng hóa. Vô tình nghe gần hết câu chuyện, trong khi cô gái ấy không ngờ anh đang có mặt tại nhà. Anh phân vân không biết có nên ở lại hay ra về hay không trong tình huống trớ trêu này! 

Cô bạn ấy về sau là vợ anh. Anh luôn than phiền về tính nết của cô. Điều anh lo lắng là cô rất hỗn hào, ăn ở bất hiếu với cha mẹ. Còn với cha mẹ và họ hàng bên chồng, cô sống rất ích kỷ, chẳng có tình cảm gì cả. Về sau, anh không thể chịu nổi tính nết của cô nên đường ai nấy đi. Nhân chuyện của anh, tôi càng nhớ đến lời dạy của ông tôi ngày trước. 

Tôi khôn lớn ở một xóm nhỏ, người dân ở đây đều biết gia cảnh lẫn nhau. Trong xóm tôi có anh Tư hành nghề xe lôi nhưng ăn ở với mẹ hết sức hiếu thảo. Anh là người con trong số bốn người con của mẹ nhưng lại là người nghèo nhất trong số anh em. Sáng nào cũng vậy, chưa tới 6 giờ sáng là anh đã đến nhà mẹ mang thức ăn sáng và đồ ăn cơm cho mẹ rồi mới chạy xe. Tuy nghèo nhưng con người ấy sống rất hiếu thảo luôn được người trong xóm quý mến. 

Gia đình nào có con cái sống hiếu thảo, thật là hạnh phúc. Trái lại, con cái ăn ở bất hiếu bậc sinh thành rất buồn, có sống cũng chẳng vui vẻ gì. Có người bảo, ai mà ăn ở bất hiếu với cha mẹ mình thì sau này con cái sẽ đối xử với mình y như vậy. Chuyện này tôi đã từng gặp, bởi người lớn hành xử như thế nào, hình ảnh đó dễ ăn sâu vào đầu óc trẻ con nên sau này nó sẽ hành động như thế. Bởi vậy, làm cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo. Chính cách cư xử hiếu thảo của cha mẹ đối với bậc sinh thành sẽ là bài học sâu sắc cho các con, hữu hiệu hơn bất cứ lời rao giảng nào khác.

Tôi nghĩ rằng, thời nào cũng quý mến những người con hiếu. Dù xã hội có thay đổi như thế nào, những giá trị đạo đức căn bản của con người luôn bất biến.           

TUẤN BA 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: