• Văn hóa - Thể thao

Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

26/04/2019 19:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 26/04/2019 | 19:19

STO - Hàng năm, cứ đến ngày 21-3 âm lịch, tại thị trấn Trần Đề (Trần Đề), Ban Trị sự Hội Lăng Ông Nam Hải tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc; kế thừa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là tục thờ cúng cá ông của ngư dân vùng biển, cầu mong trời yên biển lặng, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, bình an.

Lễ hội Nghinh Ông năm nay vào ngày 25-4 (ngày 21-3 âm lịch), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Trần Đề tổ chức lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Nghinh Ông” huyện Trần Đề. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng đối với chính quyền và người dân địa phương. Đến dự có đồng chí Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, lãnh đạo địa phương và đông đảo người dân.

Đồng chí Trần Minh Lý trao Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Ban Trị sự Lăng Ông Nam Hải. Ảnh: T.P

Đồng chí Lưu Hữu Danh - Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: “Lễ hội Nghinh Ông đã có từ năm 1955, tại Bãi Giá (trước đây thuộc xã Trung Bình, huyện Long Phú). Thời ấy, ngư dân đi biển phát hiện một xác cá ông to trôi dạt vào bờ. Dân địa phương đã vớt xác cá ông và lập miếu thờ cúng bằng tre lá đơn sơ. Từ năm 1983 đến nay, ngư dân làng này làm ăn phát đạt, mới dời Lăng Ông về thị trấn Trần Đề (Trần Đề). Dân làng đặt tên là Lăng Ông Nam Hải và thành lập Ban Trị sự có nhiệm vụ chăm sóc, bảo quản di tích Lăng Ông, thắp hương khói, thờ cúng. Hàng năm, cứ đến ngày 21-3 âm lịch, ngư dân làng cá Kinh Ba (Trần Đề) tổ chức lễ Nghinh Ông. Lễ hội này có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân và là nét sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu”.

Trước khi diễn ra lễ đón nhận, vào buổi sáng sớm, Ban Trị sự Hội Lăng Ông Nam Hải tổ chức thỉnh Ông, vài chục tàu thuyền tập trung về bến, chọn tàu thuyền thích hợp để đưa Ông xuống, lúc này, đông đảo bà con ngư dân trong vùng cùng tham dự lễ. Cùng với đó, có cả đoàn lân - sư - rồng đến múa phục vụ tạo không khí rất nhộn nhịp. Ban Trị sự cử người phụ trách điều hành phần cúng tế; lễ vật cúng, gồm: heo quay, mâm xôi, hoa quả, nhang đèn… Vừa cúng vừa chạy thuyền ra biển tổ chức “xin keo”, nếu xin thành công có nghĩa là Ông đã chứng giám cho lòng thành khẩn của ngư dân. Thuyền chính sẽ phát tín hiệu để các tàu thuyền khác cùng quay vào bờ. Rước Ông về, Ban Trị sự tiếp tục điều hành các nghi lễ còn lại: cúng Tiên sư, Tiền vãng, Chánh tế, tổ chức lễ xây chầu và hát bộ cúng Ông… Ông Phạm Văn Hải - đại diện Ban Trị sự Lăng Ông Nam Hải chia sẻ: “Đây là một niềm tự hào rất lớn đối với địa phương. Ban Trị sự cùng với bà con ngư dân huyện Trần Đề sẽ chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cấp quốc gia; đồng thời quản lý di sản thật khoa học và hiệu quả”.

Đông đảo người dân địa phương đến tham dự thỉnh Ông.

Lễ hội Nghinh Ông được diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23-3 âm lịch hàng năm. Lễ hội được bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay nhờ nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố giữ vai trò quan trọng nhất đó là sự gắn kết mật thiết với ngành nghề mưu sinh của ngư dân; sự tham gia tích cực, ủng hộ của cộng đồng dân cư; Ban Trị sự và những người có tâm huyết, có năng lực tích cực tham gia vào việc bảo tồn lễ hội. Đồng chí Trần Minh Lý cho rằng: “Việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân huyện Trần Đề, của người dân trong tỉnh mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống mạnh mẽ của văn hóa địa phương trong dòng chảy chung của văn hóa Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết nhiều hơn, sâu rộng hơn về nét đẹp văn hóa vùng đất cảng biển Trần Đề nói riêng và vùng đất Sóc Trăng nói chung”.

Đồng chí Trần Minh Lý cũng đề nghị UBND huyện Trần Đề sớm xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Nghinh Ông; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội; tổ chức sưu tầm các tài liệu để xây dựng bộ hồ sơ dữ liệu về lễ hội Nghinh Ông, góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo tồn giữ gìn kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Đông đảo bà con ngư dân cùng đoàn tàu ra biển “xin keo”.

Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề không chỉ thể hiện đời sống tâm linh của người dân địa phương trong lao động đánh bắt hải sản, mà còn làm phong phú cuộc sống tinh thần, đem lại niềm vui cho nhân dân. Sau lễ hội này, ngư dân tiếp tục ra khơi bằng một niềm tin mới, ước nguyện mới, không chỉ mưu cầu cuộc sống cho bản thân, gia đình mình, mà còn cho xóm giềng và cho toàn xã hội qua những chuyến tàu ra khơi đầy ắp cá lúc trở về bờ.

T.P

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: