• Văn hóa - Thể thao

Một đời nặng nợ tằm tơ

20/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 20/04/2019 | 06:00

STO - Một đời “lang bạt kỳ hồ”, rày đây mai đó theo nghiệp tổ, đem lời ca tiếng đờn góp vui cho đời, cho người; suốt đời vẫn nặng nợ tằm tơ nên ngày ngày vẫn miệt mài rèn giũa nghề cho nhịp đờn ngày càng chắc, càng mượt mà sâu lắng. Không chỉ vậy, nghệ sĩ Chiêu Phụng luôn tâm huyết và truyền nghề cho thế hệ sau bằng cả tấm lòng với mong muốn bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử mãi trường tồn với thời gian, phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn ngày càng rộng khắp.

Chiêu Phụng tên thật là Nguyễn Chí Hiếu, sinh năm 1974, trong một gia đình đam mê nghệ thuật ở Đồng Tháp. Hầu hết những người trong gia đình đều biết đờn, biết hát nên từ nhỏ đã được "tắm mình" trong không gian nghệ thuật cải lương. Đặc biệt, Chiêu Phụng tỏ ra có năng khiếu và đặc biệt “mê đờn”, năm 10 tuổi đã có thể chơi một vài bài bản trên cây ghi ta phiếm lõm. Đến năm 17 tuổi, anh theo người chị gái là Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Hiền đầu quân cho đoàn cải lương Tiền Giang 2, sau đó là Đoàn cải lương Hậu Giang. Đến năm 1992 về Đoàn cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng).

Nghệ sĩ Chiêu Phụng (thứ nhất, từ trái sang).

Trong quá trình đó, anh luôn là tay đờn chính cho các đoàn, sử dụng thành công nhất là các loại đờn từ ghi ta, đờn kìm, đờn tranh, đến đờn sến. Không chỉ vậy, Chiêu Phụng còn có một biệt tài thế vai mà dân trong nghề gọi là diễn viên dàn bao. Do đó, các trưởng đoàn thường không phải lo lắng khi diễn viên gặp sự cố trước giờ diễn vì anh có thể thế vai ngay và thế bất kỳ vai nào. Tuy vậy, anh lại cho rằng: “Đó chỉ là những lúc ứng biến, cùng tập thể giải quyết khó khăn, bởi vì có cố gắng đến đâu thì cũng khó mà thành công trong sự nghiệp diễn xuất vì nghệ sĩ thì cần sắc và thanh, trong khi mình lại hạn chế sắc vóc, chất giọng thì không lạ, không đặc biệt nên chọn hướng tập trung cho vai trò nhạc công”.

Với tiếng đờn của mình anh được rất nhiều khán giả ái mộ qua các chữ đờn khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả những khán giả khu vực miền Trung, miền Bắc trong những lần đi lưu diễn và đã bước đầu tạo được tên tuổi trong giới nghệ thuật. Được đi nhiều nơi, gặp gỡ giao lưu, học hỏi với nhiều bậc thầy trong nghề nên trình độ đờn của anh nhanh chóng tiến bộ. Và ngày càng hoàn thiện nên khi có dịp cộng tác với nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến từ TP. Hồ Chí Minh, anh không hề choáng ngợp mà rất tự tin thể hiện tốt vai trò nhạc công của mình. Bên cạnh đó, anh còn tham gia vào công tác đào tạo cho đơn vị mỗi khi được phân công, cả về đờn lẫn ca, diễn.

Đến năm 2004, khi Đoàn cải lương Chuông Vàng giải thể, anh chuyển sang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh cho đến nay. Tại đây, anh cùng với các anh, chị em trong Đội Tuyên truyền lưu động tiếp tục tham gia các hoạt động nghệ thuật phục vụ vào các dịp lễ, tết, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh; cộng tác thường xuyên với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trong các chương trình văn nghệ của đài.

Hiện tại, với vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Sông Trăng của tỉnh, anh hỗ trợ tích cực cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh. Là người có tâm và nhiệt huyết với đờn ca tài tử, góp công xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, anh lại “hối hả” truyền nghề cho những tri âm có cùng đam mê với mong muốn phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn ngày càng phát triển rộng khắp.

Với những đóng góp của mình cho nghệ thuật, anh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen, đạt nhiều huy chương tại liên hoan sân khấu; liên hoan tài tử toàn quốc, nhiều giải thưởng tại các lần hội diễn, hội thi cấp tỉnh; hỗ trợ các ngành tại các hội diễn ngành…

Mấy chục năm gắn bó hoạt động văn hóa văn nghệ với nhiều vui buồn nhưng khi nói về động lực gắn bó với nghề, anh chỉ chia sẻ ngắn gọn: “Rất yêu nghề”. Cho nên mỗi ngày dù có bận rộn đến đâu, nghệ sĩ Chiêu Phụng vẫn dành ra vài giờ để luyện đờn. Với anh khi cầm cây đờn lên là quên hết mọi phiền muộn cuộc sống. “Vì cuộc sống mưu sinh nên phải đờn phục vụ tại các nơi và đờn theo yêu cầu của khách, nếu không rèn giũa thì sớm muộn gì ngón đờn cũng mai một”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Hoàng Viên cho biết: “Chiêu Phụng có tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, tinh thần trách nhiệm cao. Là nhạc công đờn được nhiều loại đờn, nhịp đờn chắc, tốt, ngón đờn điêu luyện, chữ đờn phong phú. Luôn có đạo đức nghề nghiệp, khiêm tốn, luôn học hỏi. Với vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Sông Trăng, Phụng có nhiều đóng góp cho câu lạc bộ, cũng như góp phần cho phong trào đờn ca tài tử trong tỉnh nói chung; tham gia truyền nghề tại các lớp đờn ca tài tử 11 huyện, thành phố, hỗ trợ Trung tâm Văn hóa phát triển phong trào đờn ca tài tử. Chiêu Phụng thật sự là một tài năng trong lĩnh vực đờn ca tài tử tỉnh nhà”.

DNT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: