• Văn hóa - Thể thao

Ngày xuân với đời sống văn hóa tâm linh

05/02/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 05/02/2019 | 06:00

STO - “Người dân quê tôi mỗi khi xuân về, tết đến ai nấy đều tất bật sửa sang, trang trí lại nhà cửa, nơi ăn, chốn ở, tổng kết công việc làm ăn trong năm qua và suy tính cho năm tới… Song không quên đi viếng ngôi đình làng hoặc ngôi chùa để cầu bình an, thịnh vượng cho gia đạo. Nếp sinh hoạt đó là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của người dân quê tôi, đồng thời là một trong những cung cách để người dân quê tôi sống lương thiện hơn, văn hóa hơn, tốt đẹp hơn!”.

Nét đẹp đi viếng đình làng

Đời sống văn hóa của người dân quê tôi rất coi trọng ngôi đình làng. Bởi vì ngôi đình vừa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng, vừa là trung tâm sinh hoạt cộng đồng nhưng đồng thời cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa làng xã. Với những chức năng đó, ngôi đình vừa là nơi phục vụ đời sống tín ngưỡng tâm linh cho dân làng, vừa đóng vai trò thiết yếu quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng và là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, là chỗ diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng với những lễ thức đậm tính dân gian, đồng thời cũng là nơi tạo nguồn cảm hứng cho người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa làng xã. Chính vì thế, ngôi đình không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt mà còn là kho tàng lưu giữ tài sản văn hóa Việt như lễ hội, thần tích, truyền thuyết về vị Thành Hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người có công mở đất dựng làng hoặc vị tổ nghề; được hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành linh hồn và ngưỡng vọng của mỗi người dân địa phương.

Ngôi đình còn là kho tàng lưu giữ tài sản văn hóa Việt như lễ hội, thần tích, truyền thuyết về vị Thành Hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người có công mở đất dựng làng hoặc vị tổ nghề.

Người dân quê tôi xem đình làng chính là ngôi nhà lớn, linh thiêng của làng, là chỗ dựa tinh thần cho dân làng và có vai trò quan trọng đối với những người dân, đây là nơi để họ gởi gắm niềm tin về mọi điều trong cuộc sống, nhất là đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Trong ngôi đình, người dân quê tôi thành kính tôn thờ vị thần là người có công lập làng, được coi là người bảo hộ cho làng như Thành Hoàng Bổn Cảnh rồi đến các tiền hiền - những người có công trong việc tạo lập và phát triển cơ nghiệp của địa phương. Bên cạnh đó, có đình còn thờ thêm các vị anh hùng dân tộc, có công với nước hoặc các vị thần có nguồn gốc từ tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa như: thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ – Hùng Vương, có nguồn gốc từ lịch sử người Kinh kết hợp với thờ Ngọc Hoàng có nguồn gốc từ Trung Hoa (đình ở Ấp 8, xã Châu Hưng, Thạnh Trị); thờ Bà Chúa Xứ (đình thần ở ấp Phương Bình 1, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú); thờ Cha Trời, Mẹ Đất, Năm mẹ ngũ hành và Phật Quan Âm (đình Bà Phủ, ấp Mỹ An, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú); thờ Ông Hổ (đình thần ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề; đình Mỹ Xuyên ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên; đình thần Thạnh Thới An, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề…). Theo tín ngưỡng dân gian, các vị thần này đại diện cho các mặt trong cuộc sống thường ngày và độ trì cho dân làng tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa, yên tâm làm ăn sinh sống. Tất cả các vị thần được thờ trong đình dù có tên riêng hoặc tên chung đều được người dân quê tôi đặt niềm tin, cầu khẩn những điều tốt lành, cầu mong sự bình yên trong tinh thần. Chính giá trị văn hóa này chi phối đời sống và làm nên những đặc trưng cơ bản cộng đồng dân quê tôi.

Ngày xuân đi lễ chùa

Chùa là cơ sở thờ tự của đạo Phật, đồng thời còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân quê tôi. Các ngôi chùa giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tín ngưỡng dân gian, điều này được hiểu và lý giải bản chất của Phật giáo ngay buổi đầu vào nước ta đã được bản địa hóa, là sự kết hợp giao thoa giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa Việt Nam, nên ngày càng thấm đậm tính chất dân gian. Tính dân gian của ngôi chùa thể hiện qua đối tượng thờ trong các ngôi chùa của người dân quê tôi; nhiều chùa không chỉ có thờ Phật mà còn thờ “Tiền Phật, Hậu Thánh” hoặc “Tiền Phật, Hậu Thần”.

Chùa là cơ sở thờ tự của đạo Phật, đồng thời còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân.

Các vị thánh, thần được thờ ở chùa có thể là thiên thần, nhân thần. Ngoài ra, hầu như chùa nào cũng có bàn thờ tổ để thờ cúng, tưởng nhớ các vị sư tiền bối ở chùa. Đây được xem là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của người dân quê tôi. Đặc biệt ở gian Hậu, nơi đưa vong lên chùa khiến một lượng lớn người bình dân được thờ cúng trong chùa, từ đó đưa ngôi chùa xích lại gần hơn đời sống thường ngày của cộng đồng.

Và người dân quê tôi coi ngôi chùa là hình ảnh thân thương rất đỗi thân quen, gần gũi với nếp sống hiền hòa, mộc mạc, vì chùa là mái ấm che chở, ấp ủ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ. Có thể nói, ngôi chùa bao quát nhiều khía cạnh trong đời sống tâm linh, đối với những ai nương tựa vào mình. Chùa là nơi thờ cúng, là nơi diễn ra hội hè, đình đám, nhất là ngày xuân, ngày tết, là nơi dễ chia sẻ, cảm thông với những đau buồn, mất mát, giúp mọi người vơi đi những lo lắng và sầu muộn bằng giáo lý từ bi, bình đẳng, khoan dung của đạo Phật và cuối cùng khi chết thì nhiều người muốn gửi thân về cửa Phật. Hiện nay, ngôi chùa có vai trò ngày càng tăng trong đời sống tâm linh của người dân, đặc biệt là cư dân đô thị, bởi cuộc sống căng thẳng thường ngày với biết bao lo toan “cơm, áo, gạo, tiền” cần có nơi để giải tỏa. Chính vì thế, nhu cầu tâm linh, cầu sự bình an cho gia đình trong đời sống hiện đại đang ngày càng phổ biến trong xã hội.

Người dân tìm đến chùa và nhà chùa nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh thông qua các lễ cầu an, lễ cúng sao giải hạn đầu năm. Có lẽ từ nhu cầu này dần dần tạo nên phong tục đẹp, nhất là trong dịp xuân về, tết đến, người dân thường tới cửa chùa để thắp nén nhang cầu khấn bình an, thịnh vượng cho gia đình trong cả năm.

Theo chân của những tiền nhân đi mở cõi, từ xa xưa, đình và chùa đã hiện hữu trong đời sống của người dân quê tôi dù phương thức hoạt động không giống nhau và đảm nhiệm vai trò cũng không giống nhau. Song giữa đình và chùa có một mục đích chung là chăm lo cho đời sống của con người về mặt tâm linh, tín ngưỡng, là nơi người dân quê tôi gởi gắm niềm tin, nuôi dưỡng về mặt tinh thần và trong chừng mực nhất định, đình và chùa còn chăm lo một phần đời sống vật chất cho người dân dưới dạng tiếp nhận và chia sẻ thông qua các hoạt động từ thiện nhân đạo, góp phần không nhỏ trong việc gắn kết cộng đồng, ổn định trật tự xóm làng, ngõ phố, tạo được sự đoàn kết, hòa thuận ở địa bàn dân cư.

Ngày xuân, ngày tết đi viếng đình, chùa là nét đẹp rất văn hóa, nhất là sau chuyến tham quan đình, chùa, mỗi người cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, vơi đi nỗi buồn, sự lo toan gần như biến mất trong tâm trí, kích thích phấn chấn cho cuộc sống ở phía trước tốt đẹp hơn.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: