• Văn hóa - Thể thao

Nghề “làm vua sân cỏ” bóng đá phong trào

10/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 10/10/2019 | 06:00

STO - Trong những năm gần đây, việc xây dựng sân bóng đá tại TP. Sóc Trăng phát triển nhanh, đã góp phần thúc đẩy phong trào xã hội hóa thể dục thể thao trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao cho người dân. Chẳng những vậy, đây còn là nơi những trọng tài nghiệp dư thể hiện khả năng nghề nghiệp khi điều hành các trận đấu và họ được ưu ái gọi bằng cái tên “ông vua sân cỏ” hay “vua áo đen” tại các sân bóng đá phong trào.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có hơn 10 sân bóng đá cỏ nhân tạo và cỏ tự nhiên (sân 5 người, 7 người và 11 người). Hầu hết các sân do tư nhân đầu tư xây dựng khắp các phường. Mỗi ngày thu hút đông đảo người yêu thích bóng đá đến thi đấu với nhau theo hình thức thuê sân theo từng trận đấu. Để trận đấu mang tính chuyên nghiệp và công bằng cho các đội, đòi hỏi phải có trọng tài điều hành trận đấu.

Trọng tài điều hành một trận đấu phong trào. Ảnh: DNT

Để đáp ứng nhu cầu của người chơi, các sân thuê lực lượng trọng tài với giá tính theo từng trận đấu (trung bình mỗi trận, trọng tài được trả khoảng 70.000 đồng, mỗi trận đấu diễn ra 90 phút, không tính thời gian nghỉ giải lao giữa trận). Không biết từ lúc nào, trọng tài sân bóng đá phong trào trở thành nghề tay trái cho những người yêu thích bóng đá. Ông Lâm Ngọc Kháng - chủ sân bóng đá Thùy Quyên, Phường 9 (TP. Sóc Trăng) cho hay: “Sân tôi có 2 trọng tài, các anh em này là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng nên bắt các trận đấu cũng tốt. Đôi khi cũng có tranh cãi xảy ra giữa các đội với nhau hay với trọng tài nhưng đều được giải quyết ổn thỏa. Đối với các đội đá rắn quá, mang tính triệt hạ hay nặng tính ăn thua quá thì lần sau có đặt sân tôi thường từ chối để khỏi phiền phức cho trọng tài phải xử lý”.

Các trọng tài tại các sân này đa số không qua trường lớp đào tạo, chỉ do kinh nghiệm bản thân và học hỏi thêm qua các lớp tập huấn ngắn, tham khảo tài liệu về công tác trọng tài sân bóng đá mini 7 người. Tất cả làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đều đam mê bóng đá, chơi bóng đá nhiều năm nên tích lũy nhiều kinh nghiệm và nắm một số điều luật cơ bản trong bóng đá, trong điều hành trận đấu của một trọng tài. Một số còn là cựu cầu thủ chuyên nghiệp một thời của các đội bóng A1, A2 quốc gia, là cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng hay chí ít cũng đã “nhẵn mặt” với bóng đá phong trào, tạo được thương hiệu với giới “quần đùi áo số” nghiệp dư trên địa bàn thành phố nên họ thường có cái uy của riêng mình, anh em chơi phong trào cũng nể trọng.

Họ đến với sân bóng đá phong trào cái chính là gặp gỡ bạn bè, anh em cùng sở thích và có thêm thu nhập; thỏa mãn niềm đam mê với trái bóng tròn mỗi buổi chiều, cũng như có cơ hội chỉ dạy thêm đôi điều về kỹ thuật chơi bóng cho các em, các cháu chứ không xem đây là nghề chính. Trọng tài Lý Phụng - cựu tuyển thủ đội tuyển bóng đá Hậu Giang (cũ) chia sẻ: “Tôi thường làm trọng tài cho sân Minh Quân, chủ yếu là do kinh nghiệm đá bóng lâu năm tích lũy được, học hỏi thêm các anh em khác, qua tập huấn. Làm trọng tài vừa có thu nhập vừa gặp gỡ được các anh em cùng sở thích. Mỗi chiều được ra sân thấy các em, các cháu đá bóng là vui rồi. Đôi khi nhớ nghề cầu thủ cũng chỉ các em một số kỹ thuật chơi bóng cơ bản”.

Dù là vậy, họ luôn điều hành trận đấu hết mình, đúng luật, không để trận đấu lạc hướng, gây cụt hứng cho người chơi. Tuy nhiên, do là sân chơi phong trào, người chơi thường không nắm luật nên không thể áp dụng tuyệt đối các điều luật như bóng đá chuyên nghiệp mà có những tình huống “cho qua” để trận đấu không vỡ vụn và không làm cụt hứng các cầu thủ. Trọng tài Trần Văn Liêm (Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng) bộc bạch: “Trước mỗi trận đấu, mình cũng phải nhắc nhở đôi bên để tránh các tình huống đáng tiếc trong trận đấu. Tuy nhiên, trong trận đấu thường chỉ bắt một số lỗi cơ bản, chứ không theo các giải đấu được vì anh em đa số không nắm luật và chỉ chơi phong trào nên thường vô tình phạm phải. Một số tình huống cũng cho qua để trận đấu không bị cụt hứng, lạc hướng, người chơi mất hứng thú. Đôi khi phải dừng trận trấu để giải thích cho anh em hiểu các quyết định của trọng tài. Riêng những tình huống phạm lỗi nguy hiểm cho đối phương thì phải cắt còi và nhắc nhở anh em”.

Tuy vậy, nghề làm vua áo đen không hề đơn giản một chút nào, không phải cứ sống lâu là đương nhiên lên lão làng mà đòi hỏi phải có uy tín, bản lĩnh, tác phong trọng tài và độ công tâm nhất định thì tiếng còi mới có sức nặng và các cầu thủ mới tâm phục khẩu phục các quyết định của trọng tài. Bên cạnh đó, còn là khả năng thuyết phục, giải thích khi các quyết định bị các cầu thủ đôi bên phản ứng; phải đảm bảo thể lực để có thể theo suốt trận đấu... “Mình đã từng chơi bóng chuyên nghiệp nhiều năm nên nhìn tình huống là biết có cố tình phạm lỗi ác ý hay không và biết đôi bên có cố tình đá người hay không nên mình phải cắt còi dừng trận đấu. Những lúc đó mình phải làm cho không khí dịu lại, nhắc nhở anh em đá cho vui vẻ đôi bên, để tránh trường hợp xô xát hay đáng tiếc xảy ra trong sân làm mất uy tín sân bóng” - trọng tài Lý Phụng tâm tình.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng Nguyễn Trung Trực cho biết: “Lực lượng trọng tài tại các sân bóng đá phong trào là tự phát, do nhu cầu của người chơi nên chủ sân thuê trọng tài điều hành các trận đấu. Các anh em làm nhiều ngành nghề, do có nhiều kinh nghiệm trong chơi bóng đá, cựu vận động viên bóng đá nên tham gia làm trọng tài cho các sân, trong đó có nhiều người là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố. Một số người làm trọng tài cho các sân để có thêm thu nhập, một số vì niềm vui, niềm đam mê với bóng đá. Trung tâm cũng thường tổ chức tập huấn công tác trọng tài cho lực lượng làm trọng tài tại các sân bóng phong trào để mọi người trang bị thêm nghiệp vụ trọng tài trong điều hành trận đấu. Khi địa phương có tổ chức các giải phong trào, thường mời các anh em này làm trọng tài điều hành một số trận đấu”.

DNT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: