• Văn hóa - Thể thao

Nghệ nhân Lý Sêm - Nỗi niềm với nghệ thuật Chom-riêng cha-pey đoong-veng

09/05/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 09/05/2020 | 06:00

STO - Nghệ nhân Lý Sêm đã dành hơn nửa cuộc đời của mình cho nghệ thuật Chom-riêng cha-pey đoong-veng - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giờ dù đã tuổi cao nhưng ông cụ vẫn yêu thích nghệ thuật đờn, hát Chom-riêng cha-pey và luôn trăn trở việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật độc đáo này. Ông được bà con Khmer xã Liêu Tú (Trần Đề) yêu mến gọi là nghệ sĩ lão làng với đờn Chom-riêng cha-pey đoong-veng và đờn cò rất hay.

Nghệ nhân Lý Sêm năm nay 87 tuổi, ngụ ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú. Ông là người duy nhất biết đờn, hát Chom-riêng cha-pey đoong-veng của huyện Trần Đề. Ông nổi tiếng khắp vùng có đông đồng bào Khmer với biệt tài ngẫu hứng biểu diễn vừa đờn, vừa hát, mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc du dương, truyền cảm và rất mộc mạc qua tiết mục hát ru bằng nghệ thuật Chom-riêng cha-pey đoong-veng.

Ở dưới gốc cây bồ đề, ông thường ngồi chơi Cha-pey đoong-veng và đờn cò để cho con cháu nghe. Ông Thạch Chuốt - người thường xuyên ngồi nghe tiếng đờn, lời hát của ông Lý Sêm bày tỏ: “Dù tuổi cao sức yếu nhưng tiếng đờn, giọng hát của ông vẫn để lại nhiều ấn tượng và đắm say lòng người. Ông thường thể hiện những điệu thức, hay các bài hát ru lưu truyền hàng trăm năm qua trong đời sống dân gian có nội dung thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và dạy bảo con cháu về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết yêu quý lao động, sản xuất. Hiện nay, ở Trần Đề nói riêng, Sóc Trăng nói chung, muốn tìm người biết đờn, biết hát như ông rất hiếm”.

Ông Lý Sêm kể lại: “Lúc đó 10 tuổi, khi có đám cưới, đám hỏi hay lễ cầu an của đồng bào Khmer, ông được cha dẫn theo ban nhạc truyền thống để học hát, đờn. Những lời ca, tiếng nhạc trầm bổng của nhạc cụ truyền thống dần thấm sâu vào tâm hồn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Ngoài người cha làm đội trưởng, còn có 2 người anh và 1 người em đều là những thành viên trong ban nhạc”.

Nghệ nhân Lý Sêm vừa đờn, vừa hát cho con cháu trong xóm nghe. 

Với niềm đam mê, khát khao nghệ thuật đờn, hát Chom-riêng cha-pey đoong-veng, cùng sự chỉ dẫn tận tình của người cha, chỉ trong một thời gian ngắn, đôi tay đờn của cậu bé Lý Sêm đã chơi đờn Cha-pey đoong-veng thành thục. Cũng theo nghệ nhân Lý Sêm, người học đờn phải học qua các điệu thức các bài, như: Pháth chey, pháth chey cớt, Ang kôr reach chơn prây, Ang kôr reach chơn prây rốs, som pôn, som phôn cớt, rồi sau đó mới học sáng tác những bài hát tự sự, hát về nông thôn, trữ tình tùy theo ngữ cảnh của buổi biểu diễn. Việc học sáng tác này là khó khăn nhất vì tùy theo ngữ cảnh để ứng biến lời ca, tiếng hát sao cho vần điệu và vốn kiến thức phải hết sức phong phú.

Trong những thập niên 70, ngoài tham gia đờn, hát trong ban nhạc truyền thống, ông Lý Sêm còn làm nhạc công cho Đoàn Nghệ thuật quần chúng Prếk Chák Kondal. Đoàn này do cụ Lý Dưm (cha ông Lý Sêm) đứng ra thành lập và lưu diễn tại các điểm chùa Khmer từ xã Liêu Tú, Viên An, Trung Bình (Trần Đề) đến xã Vĩnh Hải, Lạc Hòa… của TX. Vĩnh Châu.

Ông Lý Sêm nhớ lại: “Lúc đó, dù đi theo đoàn lưu diễn trong mùa khô hạn rất cực nhưng vui lắm. Đi đâu đờn, hát cũng được bà con tiếp đón nồng nhiệt. Đó là niềm khích lệ tinh thần. Đến khoảng năm 1990, đoàn nghệ thuật quần chúng đã giải thể, gia đình chúng tôi tiếp tục duy trì sinh hoạt ban nhạc truyền thống để phục vụ bà con Khmer trong lễ cưới, hỏi, lễ cầu an. Tuy nhiên duy trì không được bao lâu, do ảnh hưởng từ ban nhạc hiện đại, ban nhạc truyền thống dần tan rã nên để thỏa niềm đam mê của mình, ngày nào rảnh rỗi, tôi thường chơi Cha-pey đoong-veng và đờn cò, vừa đờn vừa hát cho con cháu trong xóm nghe”.

Trong cuộc đời nghệ nhân Lý Sêm, vui nhất khi được tham gia các cuộc liên hoan từ huyện, tỉnh đến khu vực Nam bộ. Ông Sêm phấn khởi cho biết: “Niềm vui lớn nhất của tôi là vào năm 2013 được tỉnh cử đi tham dự Liên hoan Dân ca Việt Nam - khu vực Nam bộ, tổ chức ở tỉnh Long An. Năm đó, tôi đã mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc truyền cảm và rất mộc mạc qua tiết mục hát ru bằng nghệ thuật Chom-riêng cha-pey. Tiết mục của tôi đã giành được giải nhất và là 1 trong 5 tiết mục lọt vào vòng chung kết toàn quốc không chỉ vì hay mà còn vì sự độc đáo của nghệ thuật đờn, hát Cha-pey. Tuy nhiên, tôi cảm thấy trăn trở về nghệ thuật độc đáo này, vì sợ bị mai một. Nếu không nhanh chóng truyền dạy thì mai mốt thế hệ con cháu chẳng ai còn biết loại hình nghệ thuật độc đáo của cha ông nữa. Chính vì vậy, tôi đang truyền dạy cho cháu nội gái. Bé rất đam mê loại nghệ thuật này, dù hát chưa hay nhưng đờn được vài điệu thức truyền thống”. Tiếp lời ông nội, em Lý Thị Lil phấn khởi cho biết: “Em quyết tâm trau dồi tập luyện, vừa đờn, vừa hát để hoàn thành tâm nguyện của ông nội”.

Hiện chưa có tài liệu nào xác định nghệ thuật Chom-riêng cha-pey có từ khi nào, nhưng người ta cho rằng nó xuất hiện từ rất lâu đời, sớm hơn cả nghệ thuật múa rô băm, kịch hát dù kê hay hát a-dăy. Đây là loại hình trình diễn âm nhạc dân gian trong đời sống sinh hoạt và lao động của người Khmer xưa. Hiện nay, nghệ thuật này đang dần mai một. Các nghệ nhân biểu diễn Chom-riêng cha-pey đoong-veng phải biết đờn và hát theo lời thơ có cốt truyện hoặc một vấn đề, sự việc xảy ra trong cuộc sống.

Pon Lư

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: