• Văn hóa - Thể thao

Tụ điểm văn hóa chùa Prés Buône Prés Phék

Nơi hội tụ các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật dân tộc Khmer

09/06/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 09/06/2020 | 06:00

STO - Mỗi khi nhắc đến chùa Prés Buône Prés Phék (Bốn Mặt) tại xã Phú Tân (Châu Thành), người ta thường liên tưởng ngay đến truyền thuyết về hình ảnh bức tượng có 4 mặt hướng về 4 hướng (mỗi hướng sẽ có 5 vị Phật cổ bằng đá 7 màu) hay truyền thuyết Giếng Tiên Nữ và một số công trình kiến trúc độc đáo khác. Đặc biệt, nơi đây còn thành lập tụ điểm văn hóa mang tên chùa, nhằm hội tụ các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật dân tộc Khmer.

Tụ điểm văn hóa chùa Prés Buône Prés Phék dường như không còn xa lạ với người dân địa phương. Cứ từ 18 - 21 giờ của một số ngày trong tuần, nơi đây lại trở thành địa chỉ quen thuộc của các thành viên trong đội văn nghệ. Các thành viên đã cùng nhau tập luyện những động tác, điệu múa rôbăm, romvong, sa-ra-vanh hay ca, múa trên nền nhạc khác nhau.

Các thành viên đội nhạc ngũ âm chùa Prés Buône Prés Phék cùng nhau tập luyện. Ảnh: Thạch Pích

Đang say mê với những động tác nhuần nhuyễn, uyển chuyển với những nền nhạc robăm “Rô-đâu om-nôy-phol”, tạm dịch “Được mùa”… bạn Sơn Thị Diệu phấn khởi cho biết: “Em rất thích môn nghệ thuật múa dân tộc Khmer. Hồi nhỏ, em đã có niềm đam mê, thấy các anh chị trong Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh, hay Đoàn Nghệ thuật quần chúng Ron Ron biểu diễn trong chùa là em đều tranh thủ thời gian đến xem. Những ước mơ biết các điệu múa - hát ấy nay đã trở thành hiện thực khi anh, chị trong đoàn nghệ thuật tỉnh và Ron Ron hướng dẫn một số điệu múa cơ bản, cộng với tự học hỏi trên mạng xã hội và cùng các bạn trẻ đến sinh hoạt giao lưu văn nghệ với nhau. Nhờ vậy đã giúp bản thân ngày càng tiến bộ và tự tin hơn. Đáng nhớ nhất, em cùng với một số thành viên trong đội văn nghệ không chỉ múa hát vào dịp lễ hội truyền thống trong chùa, mà vài năm gần đây còn được đi tham dự Liên hoan dân ca Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I - năm 2018; Liên hoan dân ca, múa, nhạc Khmer Nam bộ lần thứ I - năm 2019; các cuộc hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục Khmer nhân dịp lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống. Kết quả, cũng mang về những thành tích đáng khích lệ. Mới đây, đội văn nghệ được Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam mời thu chương trình văn nghệ. Đó là niềm vinh hạnh cho bản thân cũng như các thành viên trong đội văn nghệ tụ điểm văn hóa của chùa”.

Cũng có niềm đam mê nghệ thuật như bạn Diệu, bạn La Hoàng Vĩnh là một trong những thành viên nhiệt tình tham gia tập luyện ca - múa, đánh nhạc ngũ âm chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt tại tụ điểm văn hóa của chùa được vài năm nay, em cảm thấy vui và rất hạnh phúc khi bản thân vừa góp được một phần nho nhỏ trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật dân tộc Khmer qua những nhạc cụ, làn điệu dân ca truyền thống và góp mặt tại các cuộc liên hoan trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Các thành viên tham gia liên hoan dân ca, múa, nhạc Khmer Nam bộ. Ảnh: Thạch Pích

Tụ điểm văn hóa chùa Prés Buône Prés Phék đã thành lập từ lâu nhưng mãi đến khoảng 5 năm nay, tụ điểm này mới hoạt động sôi nổi trở lại. Trao đổi với chúng tôi, ông Bố Sủng - Trưởng Đoàn Nghệ thuật quần chúng Ron Ron, kiêm Chủ nhiệm Tụ điểm văn hóa của chùa cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Châu Thành đã hỗ trợ dàn ngũ âm, loa âm thanh và cả trang phục cho các thành viên đi diễn phục vụ tại các dịp lễ hội. Hiện tụ điểm đã thu hút gần 30 thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn. Các thành viên đều có hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau (học sinh, lao động), trong đó có đội văn nghệ, đội múa chhăy-dăm, múa khỉ và đội nhạc ngũ âm. Đa số các em đều có niềm đam mê nghệ thuật. Đảm nhận vai trò kết nối của tụ điểm, điều tôi quan tâm là làm sao có thêm nhiều người yêu thích và gắn bó với nghệ thuật như gìn giữ nét văn hóa truyền thống quý báu của cha ông mình. Khi Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên đi vào hoạt động, các thành viên trong tụ điểm văn hóa của chùa sẽ có cơ hội phục vụ văn nghệ cho du khách gần xa đến tham quan và chiêm ngưỡng, góp phần rất lớn trong việc duy trì, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc”.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: