• Văn hóa - Thể thao

Nơi “ươm mầm” những hạt nhân nhạc cụ truyền thống người Khmer

18/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 18/11/2020 | 06:00

STO - Nói đến nhạc cụ truyền thống của đồng bào Khmer, thì hầu như chỉ có người lớn tuổi mới biết, còn lớp trẻ sau này phần lớn xa lạ. Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer, Ban quản trị chùa Sang Ke, xã Trường Khánh (Long Phú) đã mở lớp truyền dạy cho các hạt nhân yêu thích loại hình nghệ thuật nhạc cụ truyền thống, nhằm góp phần lưu giữ những món ăn tinh thần tinh tế của cha ông để lại.

Lớp học nhạc cụ truyền thống tại chùa Sang Ke (Long Phú).  Ảnh: THẠCH PÍCH 

Đến với chùa Sang Ke vào buổi chiều tối, từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ là được thưởng thức âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ truyền thống, như: đàn khưm, trống, đàn cò, đàn gáo, chập chã… do chính các học viên thực hiện. Đang say sưa với những động tác đánh đàn khưm, em Thạch Thị Thúy Phượng, học sinh lớp 9, Trường THCS và THPT Dương Kỳ Hiệp (Trường Khánh) vui vẻ cho biết: “Em rất thích nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Mỗi khi trong xóm có đám cưới mở nhạc truyền thống, hay tới mùa đua ghe ngo, nhà chùa tổ chức nghi lễ hạ thủy ghe ngo, thấy các bác đến chơi nhạc cụ phục vụ rất là hay. Khi nghe tin nhà chùa có mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống của dân tộc, em và đứa em gái cùng nhau đến chùa đăng ký học. Ban đầu, học đánh nhạc cụ khưm cũng thấy khó khăn, nhưng nhờ thầy chỉ dẫn nhiệt tình đã giúp cho em biết cách đánh một số bài truyền thống. Sau hơn 2 tháng theo học, hiện em cùng chị em trong đội đã đánh thành thục được hơn 10 bài, em cảm thấy rất vui mừng”.

Cùng chung niềm đam mê nhạc cụ truyền thống, em Lý Thị Kiều Hoa, ngụ ấp Trường Hưng, học sinh cuối cấp 3 bày tỏ: “Ngày nào sau giờ tan học, em cùng các bạn trong đội đều tranh thủ thời gian tập luyện các bài đàn. Ban đầu làm quen nhạc cụ đàn cò em cảm thấy rất khó. Bởi so với đàn organ có nốt, thì đối với đàn cò không có nốt, nó đòi hỏi người học phải tận dụng các ngón tay bấm dây đàn theo từng nhịp điệu của bài. Sau khi học được bài đầu tiên, em càng thích thú hơn, mong đến buổi tối để đến chùa cùng nhau ôn luyện và học đàn. Đặc biệt, mới đây, khi thấy đội nhạc cụ chơi rành, thầy đã cho chúng em đi biểu diễn phục vụ trong nghi thức lễ hạ thủy đội ghe ngo chùa Phnor Kanh Chơ Thmây, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên). Vui nhất, khi đàn phục vụ được người dân khen ngợi. Em sẽ cố gắng học hỏi và tìm hiểu thêm về nhạc cụ truyền thống của dân tộc để sau này có cơ hội tham gia dự hội thi hay liên hoan nhạc cụ truyền thống của tỉnh”.

Là một trong những nhạc công của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh có nhiều kinh nghiệm, anh Trần Tiền đã và đang truyền dạy nhạc cụ truyền thống dân tộc Khmer cho các em tại chùa Sang Ke chia sẻ: “Ban đầu hướng dẫn cho các em gặp nhiều khó khăn. Nhiều em khi đến tập chưa hình dung ra loại hình nhạc cụ dân tộc như thế nào. Em nhỏ nhất mới có 6 tuổi, lớn nhất là 17 tuổi. Khi bắt tay làm quen với bài đầu tiên là mất thời gian hơn nửa tháng các em mới chơi thành thục. Bây giờ nhìn thấy các em đam mê nhạc cụ, đi tập đều đặn, dù thời tiết có mưa vẫn đến chùa tập đó là một niềm vui và hạnh phúc đối với tôi. Hiện đội nhạc cụ của chùa có hơn 10 em tham gia học vào mỗi buổi tối. Đến nay đã truyền dạy hơn 2 tháng, các em đã thực hiện được 12 bài, chủ yếu là phục vụ trong lễ cúng bái. Còn các bài phục vụ trong lễ cưới, tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho các em. Hy vọng, qua lớp đào tạo này, các em sẽ phát huy tài năng của mình, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc”.

Nhạc truyền thống có rất nhiều bài đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer. Đặc biệt, trong ngày lễ cưới, nghi thức hạ thủy của các đội ghe ngo trong tỉnh thì không thể thiếu tiếng nhạc của nhạc cụ truyền thống. Bởi nó đã ăn sâu vào tâm thức, tạo sức sống mãnh liệt cho sinh hoạt lễ - hội của đồng bào Khmer Nam bộ.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: