• Văn hóa - Thể thao

Phát huy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Trần Đề

19/07/2021 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 19/07/2021 | 06:01

STO - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn huyện Trần Đề tiếp tục phát triển và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xác định việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với việc phát triển các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, Ban Chỉ đạo phong trào huyện Trần Đề xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện, hướng dẫn ban chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tuyên truyền thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Đội ngũ âm chùa Chông Prếk, xã Viên An tham gia biểu diễn liên hoan nhạc ngũ âm tỉnh. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đến ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú - nơi có hơn 90% là đồng bào Khmer sinh sống, nhiều nhà cửa khang trang mọc lên san sát, các tuyến đường bê tông nối liền xóm làng, còn các hộ dân cùng nhau đóng góp vật lực để chung tay xây dựng nông thôn mới. Sự khởi sắc đó chính là kết quả của sự đồng thuận giữa “Ý Đảng, lòng dân”, sự đoàn kết, chung sức chung lòng của Đảng bộ và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Liêu, ngụ ấp Bưng Triết là một tấm gương điển hình tiêu biểu. Năm nay đã 77 tuổi, ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng và bà con trong xóm ấp. Bằng uy tín của mình, ông Liêu đã thường xuyên có mặt trong các cuộc họp, sinh hoạt trong ấp để tuyên truyền, vận động cộng đồng, các gia đình tham gia thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng ấp, khóm văn hóa, xây dựng nông thôn mới, tích cực lao động sản xuất để giảm nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Trần Liêu chia sẻ: “Để góp phần xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, bản thân tôi tích cực vận động đồng bào tham gia đóng góp tiền xây dựng cầu, đường nông thôn; tập hợp được nhiều người lập quỹ từ thiện, giúp đỡ các gia đình khó khăn; vận động các gia đình, mạnh thường quân xây trường học cho các em nhỏ, hỗ trợ gạo cho người già neo đơn; vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi đã phối hợp với chùa Bâng Phniết, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hoãn không tổ chức các nghi lễ tôn giáo để tránh tập trung đông người, bà con chấp hành nghiêm túc, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Trong 5 năm qua, ngành Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Đài Truyền thanh huyện phối hợp cùng các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc về vật thể, phi vật thể được chú trọng (có 2 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Nghinh Ông - thị trấn Trần Đề và nghệ thuật sân khấu rô băm - xã Tài Văn) phát huy tốt các lễ hội truyền thống, nhất là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer. Công tác gia đình và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển, phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, thực hiện nếp sống văn minh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Giai đoạn 2016 - 2020, ước thực hiện tổng số gia đình văn hóa gần 30.000 hộ, 57/57 ấp được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 100% kế hoạch, 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa, 100% ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, đình thần Thạnh Thới An, xã Thạnh Thới An được công nhận là di tích cấp tỉnh, đặc biệt, xã Thạnh Thới Thuận được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Trần Đề, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong 6 tháng đầu năm, phòng đã phối hợp với các đơn vị tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Công tác xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được chú trọng, quan tâm nâng chất. Trong những tháng cuối năm, phòng tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của ban văn hóa - xã hội xã, thị trấn; nhà văn hóa xã, tụ điểm sinh hoạt văn hóa chùa Khmer và nhà thờ, câu lạc bộ đờn ca tài tử; đội văn nghệ Khmer, câu lạc bộ thể dục thể thao và tiếp tục quan tâm đầu tư đến các lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn văn minh đô thị.

THẠCH PÍCH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: