• Văn hóa - Thể thao

Thực trạng hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở

30/03/2018 20:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 30/03/2018 | 20:30

STO - Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng cơ sở, những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa ấp nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, đối với hoạt động nhà văn hóa ấp và xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa xã trở thành trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT) xã vẫn còn nhiều bất cập.

Khó khăn trong thành lập trung tâm VH-TT xã

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phan Văn Sáu, qua khảo sát thiết chế văn hóa ở cơ sở tại 44/80 xã trên địa bàn tỉnh, để rà soát và báo cáo hiện trạng các xã đủ điều kiện thành lập trung tâm VH-TT xã và hoạt động của nhà văn hóa ấp theo Nghị quyết số 88, ngày 9-12-2016 của HĐND tỉnh quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm VH-TT xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Nghị quyết số 07, ngày 7-7-2017 của HĐND tỉnh quy định về sử dụng đất, chế độ thù lao và kinh phí hoạt động của nhà văn hóa - khu thể thao ấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cho thấy, các nhà văn hóa xã đều được trang bị âm thanh, bàn ghế, trang trí khánh tiết, nhà vệ sinh, điện, nước đầy đủ. Việc xây dựng các nhà văn hóa xã đã góp phần tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương. Các xã đều có quy hoạch trung tâm VH-TT theo tiêu chí nông thôn mới. Việc xã hội hóa hoạt động thể thao được thực hiện tốt, nhiều sân thể thao được nhân dân đầu tư xây dựng phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Bên cạnh đó, tuy các xã có quan tâm quy hoạch trung tâm VH-TT xã nhưng do điều kiện kinh phí hạn chế, đến nay đa số chưa xây dựng đầy đủ sân thể thao đạt chuẩn theo quy định, cá biệt một số xã chưa có sân thể thao. Một số nhà văn hóa chưa đạt về diện tích và chưa đủ các phòng chức năng theo quy định. Hội trường nhà văn hóa các xã được sử dụng chung cho tất cả các hoạt động của xã, chủ yếu là hội họp; chưa phát huy tốt chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhân dân. Cán bộ quản lý nhà văn hóa các xã còn thiếu và yếu; đa số có trình độ chuyên môn không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm dẫn đến hạn chế trong việc tham mưu, đề xuất Đảng ủy, UBND xã trong tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Kinh phí phân bổ hàng năm cho hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao còn thấp so với nhu cầu hoạt động. Đối với ấp, đa số các ấp đều có xây dựng nhà văn hóa (379/417 ấp của 44 xã được khảo sát có nhà văn hóa). Một số nhà văn hóa ấp được xây dựng trong thời gian gần đây khá kiên cố và khang trang. Tuy nhiên, hầu hết nhà văn hóa ấp đều không đạt chuẩn theo quy định. Nhiều nhà văn hóa chưa có đất công, xây dựng trên đất mượn của nhân dân. 

Nhà văn hóa ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) được trưng dụng dạy lớp mẫu giáo.

Bên cạnh đó, một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng trong quản lý, không quan tâm đến việc bảo quản, bảo trì, sửa chữa dẫn đến nhiều nhà văn hóa ấp xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, có một số ít trường hợp xây dựng nhà văn hóa ấp xong nhưng không sử dụng được do không thuận tiện về giao thông hay đơn cử như nhà văn hóa ấp Khu 2, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) được bố trí ở ngay cạnh nghĩa địa.

Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Khu 2 Danh Út, do nằm ở vị trí có nhiều mồ mả nên bà con không tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ tại nhà văn hóa ấp, mà thường tổ chức ở nhà dân hoặc sân chùa. Còn nhà văn hóa ấp chỉ dành hội họp mỗi tháng vài lần rồi đóng cửa, không được quét dọn thường xuyên nên nhanh xuống cấp, nhà vệ sinh thì không có nước, nên không sử dụng được. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng có nhiều nhà văn hóa ấp sử dụng chưa đúng mục đích, còn tình trạng trưng dụng nhà văn hóa để dạy các lớp mẫu giáo. Cô Lâm Thị Sung - giáo viên Trường Mẫu giáo Thạnh Phú cho biết: “Do trường không đủ phòng học nên mượn tạm nhà văn hóa ấp Cần Đước giảng dạy, sáng là lớp mầm, chiều là lớp chồi, khi ấp có hội họp thì thông báo cho các em tạm nghỉ”.

Cần có mô hình trung tâm VH-TT điểm

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được trung tâm VH-TT xã, các địa phương đang chờ có mô hình điểm hoạt động hiệu quả để học tập, nhân rộng. Nhưng thực trạng chung của các nhà văn hóa xã hiện nay là chưa được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất để đáp ứng cho nhu cầu tổ chức hoạt động thường xuyên. Trước kia, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều xã phải mua đất (diện tích vừa phải) để cất trụ sở sinh hoạt văn hóa. Giờ đây, để thành lập trung tâm VH-TT thực hiện theo tiêu chí nông thôn mới, các xã gần như phải xây dựng lại từ đầu. Và khó khăn đặt ra cho việc phát triển trung tâm VH-TT xã là phần lớn các xã đều không có quỹ đất dự phòng để xây dựng, có xã có quỹ đất nhưng lại không có kinh phí để xây dựng. 

Mặt khác, nhận thức về tầm quan trọng của thiết chế văn hóa cơ sở của chính quyền địa phương một số nơi còn hạn chế, chỉ nghĩ đơn thuần thiết chế văn hóa là phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mà không quan tâm đến chức năng phục vụ cộng đồng. Vì vậy, phần lớn các nhà văn hóa chỉ được tổ chức hội họp của chính quyền vài lần một năm, thời gian còn lại không có tổ chức sinh hoạt cho nhân dân, dẫn đến sự lãng phí đầu tư. Bên cạnh đó, quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, đầu tư cơ sở vật chất… cho việc hình thành và phát huy hệ thống thiết chế VH-TT đã qua chưa đồng bộ, chưa có chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ chuyên nghiệp lĩnh vực VH-TT, cũng như chế độ ưu đãi các nhà đầu tư để thu hút xã hội hóa… 

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Minh Lý cho rằng, xây dựng trung tâm VH-TT xã là giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa ở cơ sở, gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhưng để nhân rộng được mô hình này, các huyện, thị xã, thành phố phải có giải pháp phù hợp vận động xã hội hóa, sở không thể đầu tư kinh phí để xây dựng trung tâm VH-TT xã điểm, mà chỉ hướng dẫn về quy trình, thủ tục, chuyên môn nghiệp vụ cho hoạt động trung tâm VH-TT xã. 

Đồng chí Trần Minh Lý cũng cho biết thêm: “Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND cấp huyện triển khai thành lập trung tâm VH-TT cấp xã, đến cuối năm 2018 cơ bản mỗi huyện, thị xã, thành phố đều thành lập ít nhất 1 trung tâm VH-TT xã; phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, phát triển, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị, làm chuyển biến nhanh, rõ nét chất lượng hoạt động. Qua đó, từng bước hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm VH-TT xã, nhà văn hóa ấp nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân được tốt hơn”. 

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: