• Văn hóa - Thể thao

Trăm năm sân khấu dù kê

16/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 16/02/2021 | 06:00

STO - “Về Đại Tâm thăm người bạn Khmer, nghe hát dù kê và điệu múa lâm thôn”... nghệ thuật sân khấu dù kê đã đi vào đời sống tự bao đời và càng tự hào hơn khi mùa xuân năm nay, tỉnh long trọng kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu dù kê và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Điều này càng khẳng định vai trò đặc biệt và vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer nói chung và người Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Sóc Trăng - cái nôi của nghệ thuật sân khấu dù kê

Có dịp đến với Sóc Trăng vào những ngày lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào Khmer, mọi người sẽ được nghe hát dù kê và điệu múa rom-wong. Sự hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu dù kê ở Sóc Trăng đã gắn liền với gánh hát và tên tuổi của ông Lý Cuôn (Kọn hay Chhà Kọn), quê ấp Phú Ninh, xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng ngày xưa. Qua ký ức của các nghệ nhân dù kê, vào khoảng năm 1919 - 1920, tại Srók Pô (Sóc Vồ), lần đầu tiên họ thấy xuất hiện một loại hình sinh hoạt nghệ thuật mới lạ chưa ai biết đến và cũng không ai biết tên gọi của nó là gì.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Minh Lý trao giải cho các diễn viên đạt thành tích cao tại liên hoan sân khấu dù kê tỉnh Sóc Trăng năm 2020. Ảnh: THẠCH PÍCH

Thời kỳ đầu, nghệ thuật sân khấu dù kê đã làm cho người dân rất thích thú, do lối biểu diễn sử dụng ngôn ngữ dân tộc Khmer để diễn đạt cốt truyện nên tạo được sự gần gũi, dễ tiếp cận. Mặt khác vào thời điểm đó, đời sống tinh thần của bà con người Khmer còn đang thiếu thốn, sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật tuy còn mới lạ nhưng lại rất đúng lúc nên dễ được mọi người quan tâm. Theo lời kể của bà Siêl - một vị cao niên từng chứng kiến các buổi biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê, thường vào các buổi chiều cho đến tối, sau thời gian lao động mệt nhọc trong ngày, bà con phum sóc thường kéo nhau đến xem và cổ vũ để giải trí. Ngày này qua tháng kia, rồi cũng có được một tên gọi thân quen qua truyền khẩu của người dân Srók Pô mỗi khi họ rủ nhau đi xem hát của ông Chhà Kọn, như: “Tâu mơl dù kê chro nguk srâu” hay “Tâu mơl dù kê Chhà Kọn” (tạm dịch “Đi xem dù kê bồ lúa” hay “Đi xem dù kê Xã Kọn”.

Theo nghệ sĩ ưu tú, Th.s Sơn Lương - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 1921 là một dấu son trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu ca kịch dù kê trên địa bàn tỉnh. Đó là việc gánh hát dù kê của ông Chhà Kọn lần đầu tiên chính thức ra mắt khán giả và trương bảng hiệu gánh hát dù kê “Tự Lập Ban” với bà con Khmer tại làng Văn Trạch, nay thuộc xã An Hiệp (Châu Thành). Khi gánh hát dù kê ra đời, người ta đã thấy xuất hiện tên tuổi của khá nhiều đào kép được công chúng khen ngợi, mến mộ. Gánh hát quy tụ nhiều nhạc công, diễn viên, đạo diễn, vũ đạo, vũ thuật giỏi nên tiếng tăm nhanh chóng lan xa, từng được lên Tây Ninh, Bình Phước, Sài Gòn... diễn phục vụ lễ hội dân tộc, ở những nơi có chùa và đông đồng bào Khmer sinh sống. Điều đó có thể khẳng định rằng: Nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời ở Sóc Trăng, hay nói cách khác “Sóc Trăng - cái nôi của nghệ thuật sân khấu dù kê ngày nay” đã nhanh chóng lan tỏa ở khắp cả vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống; thậm chí còn vượt ra biên giới quốc gia đến với nước bạn Campuchia để có cái tên thứ hai là “L’khôn Ba Sắc”.

Vào khoảng trước năm 1930, gánh hát dù kê này được mời sang Campuchia biểu diễn và được người dân bản địa đón nhận nồng nhiệt. Những năm sau, nhà vua Si Sô Wáth - Mô-ni-vong mời gánh hát vào hoàng cung diễn và tặng thưởng một Huân chương vàng của Hoàng gia… Từ đó, uy thế của sân khấu dù kê đã chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Khmer Nam bộ và cả người dân xứ sở Campuchia.

Dù kê loại hình sân khấu ca kịch

Các diễn viên Đoàn Nghệ thuật Ron Ron biểu diễn tại liên hoan sân khấu dù kê tỉnh.  Ảnh: THẠCH PÍCH

Nghệ thuật dù kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống, như: dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, thổi sáo, thổi kèn... và có đề tài, cốt truyện rõ ràng. Các vở diễn dù kê thường giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng trong từ ngữ nhằm chuyển tải ý đồ giáo dục. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân. Các tích tuồng của sân khấu dù kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại, huyền thoại của dân tộc Khmer. Ngoài thể hiện lại các tuồng tích xưa, các đoàn nghệ thuật Khmer còn dựng các vở dù kê mang tính xã hội đương đại.

Với bất kỳ tích tuồng nào, nội dung chủ đạo của mỗi vở dù kê thường theo mô típ chính tà phân minh, chính diện - phản diện, thiện - ác, tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu. Phương châm của vở diễn luôn là chính thắng tà, thiện thắng ác, làm điều lành, tránh điều dữ, làm điều phải, tránh điều sai.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu dù kê trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, như: tuyên truyền, giới thiệu, tóm tắt nghệ thuật sân khấu dù kê; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nghệ thuật sân khấu dù kê tại các trường dân tộc nội trú trong tỉnh; tổ chức các cuộc tọa đàm; đặc biệt, mở các lớp đào tạo truyền dạy nghệ thuật sân khấu dù kê. Với góc nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật sân khấu dù kê, NSƯT, Th.s Lâm Vĩnh Phương - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng cho rằng: “Trước yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay, việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu; truyền dạy, đào tạo đội ngũ sáng tác và biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê là một đòi hỏi ngày càng bức thiết. Đó cũng chính là một giải pháp có ý nghĩa lâu dài để bảo tồn sức sống cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc Khmer Nam bộ trong thời hiện đại”.

Hàng năm, các đoàn đều phục dựng, sáng tác nhiều kịch bản dù kê mới và vào mùa khô tổ chức hàng chục chuyến lưu diễn phục vụ bà con Khmer khắp các địa phương trong tỉnh. Chính vì vậy, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer còn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất đưa vào danh sách, dự kiến thiết lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới.

THẠCH PÍCH

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: