• Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện văn hóa

Tuổi già còn mẹ

12/06/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 12/06/2021 | 06:00

STO - Ba năm trước, trong lần họp mặt hàng năm của khóa học chúng tôi, anh chị em ngồi điểm lại người trong khóa ai còn ai mất, ai lâu quá không có tin tức. Điểm xong, anh em xem lại những người đang có mặt, ai còn đủ cha mẹ. Thật bất ngờ không ai còn đủ cha mẹ, người thì mồ côi cả hai, người thì còn cha không còn mẹ và ngược lại. Ở tuổi này chuyện như thế đâu còn là điều lạ. Cái vô thường của con người qua thời gian càng hiện rõ.

Mấy tháng trước khi hay tin mẹ tôi té ngã nằm một chỗ khá lâu, người bạn gái học chung thời trung học căn dặn tôi phải thường xuyên về chăm sóc, bởi ngày trước mẹ bạn cũng đã từng té ngã sau đó nằm một chỗ cho đến mất. Hồi ấy, bạn bận lo công việc kinh doanh của gia đình nên ít có thời gian quan tâm đến mẹ. Đến khi mẹ mất, bạn vô cùng hối hận vì thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người con. Đó là nỗi đau lớn nhất của bạn không có gì bù đắp được. 

Bạn nhắc lại mấy câu thơ trong bài thơ “Mất mẹ” của nhà thơ Xuân Tâm mà ngày trước lúc còn đi học chúng tôi rất thích: “Hoàng hôn phủ trên mộ/ Chuông chùa nhẹ rơi rơi/ Tôi biết tôi mất mẹ/ Là mất cả bầu trời”.

Tôi vô cùng cảm ơn lời khuyên chân tình đó. Bởi “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Ở vào tuổi ngấp nghé 70 như chúng tôi việc còn lại bậc sinh thành quả là điều rất hạnh phúc. Nhưng thật may mắn, mẹ tôi hơn 4 tháng được phục hồi. Các con rối rít vui mừng không thể tả.

Chị em chúng tôi không thể nào quên trong những ngày khó khăn của đất nước, khi ấy thuốc men rất hiếm, mẹ tôi bị bệnh hiểm nghèo thiếu thốn thuốc điều trị. Mẹ bệnh nhiều như thế nhưng không dám biểu lộ nỗi đau ra ngoài sợ các con lo lắng. Từ thời còn trẻ, mẹ bệnh tật rề rà, ít ai dám nghĩ sẽ sống thọ nhưng thật kỳ diệu năm nay mẹ đã bước qua 91 tuổi.      

Mẹ bảo, không có gì buồn bực hơn khi nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ cậy con cháu. Bây giờ mới hiểu được vì sao có những người già bệnh tật sinh ra tính cáu gắt. Sức khỏe con người đúng là điều quý nhất không có gì so sánh được!

Tôi nhớ lại, lúc tôi còn nhỏ ở xóm tôi có bà Tư mù. Con cái không thương yêu mẹ, không quan tâm đến đời sống vật chất lẫn tinh thần. Người già rất dễ tủi thân khi con cháu sống lạnh nhạt không quan tâm đến cha mẹ của mình. Đó là chưa kể những người con quên ơn sinh thành dưỡng dục, coi việc nuôi nấng cha mẹ già như một gánh nặng. Bị áp lực tâm lý, có lúc tôi thấy bà Tư gào thét kêu trời rồi khóc lóc, cả xóm phải đến khuyên can. 

Ngày xưa bà tôi thường hay căn dặn: Lòng hiếu thảo là nét đẹp văn hóa của gia đình. Người lớn là tấm gương để giáo dục con cái một cách thiết thực và sinh động. Cha mẹ sống không tốt khó có thể giáo dục con cái nên người. Bậc làm cha mẹ phải là tấm gương cho các con noi theo. Hiếu là một trong đạo đức căn bản của đạo làm người, là nét đẹp truyền thống của gia đình và xã hội Việt Nam. 

Tuổi già còn bậc sinh thành là điều hạnh phúc không có gì sánh được. Đến một ngày nào đó cha mẹ sẽ bỏ chúng ta ra đi, điều đó làm sao tránh khỏi. Ngày còn cha mẹ bên cạnh hãy ăn ở hiếu thảo, để mai sau không hối tiếc.  

TUẤN BA 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: