• Văn hóa - Thể thao

Về lại đất Bàu

20/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 20/03/2018 | 06:00

STO - Bàu Tre là nơi heo hút, tách biệt và nghèo khó với từng đoàn người xa xứ dựng lều ở tạm để làm thuê, làm mướn; sống cảnh rày đây mai đó, thời gian ở nhà còn ít hơn ở xứ người... Đó là hình ảnh quen thuộc của Bàu Tre hàng chục năm về trước. Bây giờ, mọi sự đã đổi khác, đời sống bà con phần lớn đều khá hơn, nhiều hộ đã xây được nhà khang trang, sắm sửa nhiều vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày… Niềm vui đã đến trên đất Bàu.

Cưỡi chiếc xế nổ cà tàng đi lòng vòng trên con đường đal từ sáng sớm qua Bàu Dứa, quanh Bàu Lân rồi cùng với "thổ địa" nơi đây (anh Lê Thành Hải - Trưởng Ban nhân dân ấp Lợi Hưng) dạo một lượt khắp Bàu Tre để chợt nhận ra hơi thở mùa xuân vẫn còn vươn trên cành cây, tán lá, hương vị tết vẫn còn luyến tiếc trên khóm trúc, cành mai nở muộn trước sân nhà. Trên con lộ đal phẳng lì dẫn vào đất Bàu, thấp thoáng những vườn cây xanh ngắt; hai bên lộ là những triền lúa vụ ba đang trổ oằn bông. Từng cơn gió trôi qua cánh đồng làm những thảm lúa xanh rập rờn lượn sóng nhấp nhô.

Những người lớn tuổi kể chuyện xưa về đất Bàu Tre.

Bàu Tre có hơn 40 nóc gia nằm sâu trong cánh đồng lúa thuộc ấp Lợi Hưng của xã Long Đức (Long Phú). Không ai còn nhớ rõ cái tên Bàu Tre có từ khi nào, ngay cả những người cố cựu nơi đây. “Chỉ nghe ông bà già xưa kể lại rằng, lúc trước ở đây là vùng đất trũng (nên gọi là bàu) toàn là rừng rú và sình lầy, tre mọc um tùm, về sau những bậc tiền hiền đến đây sinh cơ lập nghiệp rồi đặt luôn tên Bàu Tre cho dễ gọi, vì ở đây nhiều tre lắm. Sau này, càng có nhiều người tìm đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Bàu, nhất là giai đoạn sau giải phóng đến giờ nên khai phá dần dần để có Bàu Tre như hôm nay. Bây giờ không còn nhiều tre như lúc trước nữa đâu” - lão nông Phạm Ngọc Hai, đưa tay bật lửa châm điếu thuốc rồi từ từ nhả khói tâm tình.

Tuy vậy, Bàu Tre cũng chứa đựng nhiều chuyện mang màu sắc kỳ bí và hoang dã, nhất là những câu chuyện về các loài thú lớn đi về vào những đêm trăng sáng cùng những tiếng gầm rú, tiếng kêu, tiếng rống nghe sởn tóc gáy. Lúc Bàu Tre còn hoang hóa không ít lần người dân vùng lân cận có việc đi ngang Bàu được may mắn chứng kiến từng đàn trâu rừng đông đúc rầm rập kéo về lãnh địa giữa những đêm trăng tròn.

Lão nông Phạm Ngọc Hai cho biết: “Đến thời kỳ chiến tranh ác liệt, địa điểm này trở thành nơi che chở cho các chiến sĩ cách mạng, có lúc lại là căn cứ cách mạng. Mỗi khi giặc ruồng bố rát quá, người dân ở các vùng lân cận chạy giặc đến đây lánh nạn. Ở đây tối lửa tắt đèn có nhau, tình làng nghĩa xóm từ trước đến giờ luôn như vậy”.

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân ra sức cải tạo vùng đất sình lầy và nước đọng phèn chua nhưng năng suất cây trồng vẫn không khá hơn. Đến khi con kênh dẫn nước ngọt thau chua, rửa phèn chạy qua thì vùng đất này mới thực sự hồi sinh với những cánh đồng lúa năng suất ngày càng cao. Tuy nhiên, do nằm sâu trong nội đồng, đường sá đi lại khó khăn nên việc trao đổi hàng hóa không thuận tiện, nhiều sản phẩm làm ra chỉ để trao đổi nội bộ theo kiểu tự cấp tự túc giữa xóm làng.

Lộ đal phẳng lì dẫn vào đất Bàu.

Thế rồi, con lộ đal rộng 2m, dài gần hai cây số đã được khởi công xây dựng từ năm 2009 đã làm Bàu Tre ngày thêm “thay da đổi thịt”. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra được lưu thông thuận tiện hơn; lưới điện đã phủ kín đất Bàu, 100% bà con có nước hợp vệ sinh sử dụng. Đời sống vật chất và tinh thần của hơn 40 nóc gia thay đổi thấy rõ, hầu hết các hộ đã có nhà cửa khang trang, sắm được xe gắn máy để làm phương tiện đi lại, mua thêm một số vật dụng trong gia đình để cuộc sống thêm phần tiện nghi.

Chị Phan Thị Thắm cư dân Bàu Tre chia sẻ: “Ngày xưa đi lại khó khăn, nhiều lúc muốn đi chợ mua ít đồ đạc nhưng ngại đường sá khó khăn nên nghỉ ở nhà luôn. Bà con có chăn nuôi, trồng trọt được gì thì chỉ để chia nhau ăn chứ không mua bán gì được vì thương lái không chịu vô. Bây giờ xóm này đã thay đổi nhiều, đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng lên, tiện nghi đầy đủ. Hầu hết bà con đều có tinh thần vươn lên thoát nghèo, lo làm ăn kinh tế, con em được đến trường, đường sá được đầu tư xây dựng nên điều kiện đi lại thuận lợi hơn trước nhiều”.

Bây giờ, khi đời sống dần khá lên thì chuyện học hành của con em đất Bàu càng được chú trọng chăm lo, nhưng không phải bây giờ mới có chuyện các gia đình ở Bàu Tre có con học đến cao đẳng, đại học. Trước đó, vào thời kỳ nhiều khó khăn nhất cũng đã có nhiều gia đình quan tâm chăm lo cho chuyện học hành của con em mình. Như gia đình của ông Phạm Văn Phú có 4 người con thì tất cả đều được học hành đến nơi đến chốn. Hay như gia đình của ông Trần Văn Nam có 5 người con thì có 2 người có trình độ đại học; gia đình ông Bùi Duy Tiến có 4 người con, dù khó khăn, vất vả nhưng vẫn chăm lo cho con học hành, người con trai út tốt nghiệp đại học sư phạm, hiện đang công tác tại một trường trung học trong huyện Long Phú… Đó là những tấm gương tiêu biểu và danh sách này ngày càng nhiều thêm trong thời điểm hiện nay.

Ông Huỳnh Văn Cưng tâm tình: “Ngày xưa vì không có điều kiện nên mình không được học nhiều, bây giờ có điều kiện tốt hơn thì phải để cho con cháu mình học hành tốt hơn chứ; học để hiểu biết và có nghề nghiệp ổn định đỡ tấm thân”.

Trưởng Ban nhân dân ấp Lợi Hưng Lê Thành Hải cho biết: “Hiện nay, đời sống bà con tại ấp Lợi Hưng nói chung, Bàu Tre nói riêng có bước phát triển mới. Bà con có điện sinh hoạt, nước sạch sử dụng, tình hình an ninh trật tự ổn định. Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ để bà con vay vốn ngân hàng chính sách xã hội phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống”.

Hoàng hôn đã bắt đầu rải những mảng tối đầu tiên xuống xóm làng, đâu đó râm ran những âm thanh đồng quê. Thấp thoáng dưới mái nhà mới xây còn thơm mùi sơn, mọi người cười nói rộn ràng sau một ngày lao động vất vả dưới ánh đèn điện nghe con cháu ê a học bài, rồi cao hứng ngân nga vài câu vọng cổ bên chung trà nghi ngút khói…

Hoàng Phúc Dương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: