• Văn hóa - Thể thao

Vui buồn với nghề thổi còi

20/05/2017 11:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: P.L
  • Thứ Bảy, 20/05/2017 | 11:07

STO - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện Mỹ Tú, Châu Thành và TP. Sóc Trăng tổ chức thành công Giải vô địch bóng đá tỉnh năm 2017. Đây là một trong những giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu của tỉnh, nhằm tạo sân chơi, bổ ích cho những người đam mê quả bóng tròn.

Sự thành công này cũng phải kể đến ông ”vua” sân cỏ đã nhiệt tình điều khiển các trận đấu từ khi khai cuộc cho đến kết thúc. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ những ông ”vua” sân cỏ gắn bó với nghề thổi còi nhiều năm này. 

* Cái “duyên” từ niềm đam mê

Những người làm trọng tài trên sân cỏ ở Sóc Trăng mà chúng tôi từng tiếp xúc, đa phần bắt đầu từ niềm mê quả bóng tròn. Thời thanh niên, họ xuất phát từ cầu thủ bóng đá phong trào, thi đấu cho các đội tuyển “nghiệp dư”. Thấy họ “chơi trội”, các nhà chuyên môn chọn vào tuyển huyện, thị xã hoặc thành phố để tham gia giải tỉnh hàng năm. Khi không còn đá được, họ đều “bén duyên” với công việc cầm cân nảy mực. 

Trọng tài biên.

Khi hỏi về chuyện buồn vui nghề thổi còi, anh Lâm Quách Việt - một trong những cộng tác viên với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lâu năm chia sẻ: “Làm nghề trọng tài vui có, mà buồn cũng có. Quyền lực trên sân cỏ là vậy nhưng nghề thổi còi này ở các giải đấu phong trào thì “mệt” hơn. Bởi không phải các cầu thủ nào đều biết luật, chỉ cần trọng tài thổi hoặc không thổi trong một tình huống va chạm là sẽ gặp ngay những phản ứng gay gắt của cầu thủ. Có khi khán giả hay cổ động viên quá khích cũng vì bênh đội của mình, thậm chí họ không tiếc lời mắng chửi. Chúng tôi cứ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhiều lúc mắc sai sót nhưng tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tôi cũng giống anh em trong nghề thôi, những phút cầm còi ở trên sân bóng đã trở thành tình yêu thấm vào máu thịt, không dứt ra được”.

Cũng theo anh Việt, làm trọng tài phải nghiêm minh trong từng cử chỉ cũng như hành động và bắt sao cho các đội không thể bắt bẻ được mình. Nghề này khó lắm, nhưng đôi lúc cũng rất vui, nhất là điều khiển các trận đấu bóng đá dành cho phái nữ. Bởi nhiều khi các cô có phạm lỗi, trọng tài thổi còi mà vẫn mải mê bám theo trái bóng trên sân và cứ đá vô tư. Những hình ảnh đó làm cho tôi rất ấn tượng!

Anh Nguyễn Văn Giỏi, quê ở thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) làm nghề trọng tài gần 30 năm nay, chân tình cho biết: “Làm nghề trọng tài đôi lúc cũng không như ý muốn, nhất là những trận đấu gay cấn, quyết liệt. Tuy nhiên, tôi cảm thấy vui nhất là khi làm trọng tài các trận đấu dành cho cầu thủ “nhí”, bởi nhiều khi có lỗi, tôi thổi còi 3 - 4 lần mà các em vẫn không biết cứ vô tư mà đá thấy rất thương, tôi rất thích điều khiển những trận đấu như thế”.

* Rèn nghề và nắm luật

Nghề nào cũng có cái khó, rèn nghề là điều không thể thiếu, với nghề trọng tài cần phải rèn nhiều hơn, từ thường xuyên tập luyện thể lực để bảo đảm sức khỏe khi chạy trên sân. Song song đó, việc học luật, tập huấn luật thi đấu cũng phải thường xuyên. Bởi luật cứ thay đổi, trọng tài phải cập nhật liên tục để bảo đảm làm đúng.

Theo anh Nguyễn Văn Giỏi, những trọng tài gắn bó với nghề lâu năm thừa biết rằng, các cầu thủ cũng rất “tinh quái”. Có những tình huống trọng tài sai sót, cùng với việc hứng chịu điều tiếng từ cầu thủ và khán giả thì những ray rứt cũng khiến họ khó chịu.

Trọng tài Nguyễn Văn Giỏi chia sẻ: “Nhiều tình huống bị che tầm nhìn, dù đồng nghiệp đã ra hiệu nhưng không biết và thổi phạt sai, có khi gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Nhưng cũng có những lúc họ có được những niềm vui tinh thần rất lớn, đó là trong một giải đấu, họ không để xảy ra sai sót nào, được nhận những lời khen ngợi và đây chính là động lực để họ gắn bó với nghề trọng tài”.

Theo anh Lâm Quách Việt, đa số anh em làm cộng tác viên với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngoài làm nghề trọng tài bóng đá, còn tham gia điều khiển cho các bộ môn thể thao khác, như: bóng chuyền, kéo co, cầu lông, bóng bàn, bi sắt, nhảy bao… Với anh mỗi lần được cử và mời đi điều khiển trận đấu đều gắn liền với những kỷ niệm khó quên.

Cũng như các cầu thủ, trọng tài cũng là người bình thường, cũng có những thất bại nên không thể phán xử tuyệt đối, chính xác và thỏa mãn cả hai phía trong từng quyết định. Nghề này khổ lắm, có vào nghề mới hiểu, áp lực trăm bề, chỉ cần thổi còi chậm một chút, sai một chút là đã bị khán giả la ầm ĩ rồi, có lúc còn bị chửi mắng là điều khó tránh khỏi, nhưng đã dấn thân vào nghề thì phải chấp nhận tất cả. Dẫu biết rằng nghề làm trọng tài vui có, buồn có nhưng với tình yêu và đam mê thể thao, yêu nghề, đa phần những người làm trọng tài đã vượt qua tất cả. Chính vì vậy, mỗi trọng tài quyết tâm làm tốt nhiệm vụ khi các giải đấu đó diễn ra thành công tốt đẹp và mang lại niềm vui cho cả đôi bên. 

P.L

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: