Bảo hiểm y tế - “cứu cánh” cho người bệnh hiểm nghèo

30/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 30/12/2017 | 06:00

STO - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng chính sách tham gia BHYT như người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, học sinh, sinh viên... Nhờ có BHYT mà nhiều người bệnh có điều kiện chữa trị các bệnh hiểm nghèo, giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình.

Nghèo khó vì bệnh… 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lư Út Đèo - Trưởng Khoa Thận và Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chỉ tính riêng bệnh suy thận, mỗi năm có hàng trăm trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và rất nhiều bệnh nhân phải đến bệnh viện chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức. Có nhiều người phải cầm cố, bán nhà thậm chí vay mượn mới có đủ chi phí điều trị trong những lúc thập tử nhất sinh. Tuy nhiên, BHYT hiện nay có thể chi trả khá tốt, có những bệnh nhân được BHYT thanh toán 100% chi phí khi chạy thận nhân tạo tại đây. Nếu có BHYT sẽ giảm gánh nặng tài chính rất nhiều cho việc điều trị của người bệnh, đặc biệt là bệnh hiểm nghèo”.

Anh Hồ Quốc Chánh ở thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) mỗi tuần chạy thận nhân tạo 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, chi phí đều được BHYT thanh toán toàn bộ.

Cụ thể như trường hợp của anh Hồ Quốc Chánh (38 tuổi) ở thị trấn Đại Ngãi (Long Phú), làm nghề phụ hồ. Vào năm 2006, trong lúc đang làm việc, anh bị chóng mặt, mệt mỏi và bất tỉnh. Ngay lập tức, anh được mọi người đưa đi cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo. Cả gia đình gom góp được ít tiền để đưa anh lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chạy thận.

Vì kinh tế khó khăn, suốt ngày chỉ lo đi làm, anh không quan tâm mua BHYT nên chi phí điều trị khá cao, gia đình không lo nổi khiến gia đình anh rơi xuống diện hộ nghèo. Nhờ được chính quyền địa phương xét cấp thẻ BHYT, anh mới có điều kiện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng chạy thận mỗi tuần 3 lần mà không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào cả. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, chi phí điều trị của anh là 105.941.650 đồng và được quỹ BHYT thanh toán toàn bộ. Anh Chánh tâm sự: “Từ ngày tôi bị bệnh, tôi không làm gì nổi nữa. Vợ tôi cũng bỏ tôi, tôi sống với mẹ già và hai đứa con nhỏ. Nếu không có BHYT, tôi chỉ biết nằm ở nhà uống thuốc nam, sống tới ngày nào hay ngày đó”. 

BHYT “cứu cánh” bệnh nhân nghèo

Nếu như trước đây người dân còn xa lạ với BHYT thì từ khi Luật BHYT có hiệu lực (ngày 1-7-2009) và đặc biệt hơn là Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, người dân đã thấy rằng, tham gia BHYT với mức đóng phí không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Thực tế việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm. Thời gian qua, BHYT thật sự cho thấy đã “cứu” rất nhiều bệnh nhân.

“Nếu không có BHYT, có lẽ cha tôi đã không sống đến hôm nay” - đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Nga ở xã An Lạc Tây (Kế Sách). Kể về bệnh tình của cha, chị Nga cho biết: “Cách đây mười mấy năm, đang ngồi đánh cờ với mấy ông bạn già trong xóm, cha tôi đột ngột bị tai biến mạch máu não. Gia đình tôi có 8 anh chị em nhưng ai cũng khó khăn, mỗi ngày chỉ biết lấy trái cây đi qua mấy vùng lân cận bán, không ai biết về lợi ích của BHYT khi ốm đau, bệnh tật. Lúc cha tôi bệnh đột ngột, tôi vay mượn bà con được 40 triệu đồng để chữa trị cho cha, mỗi năm số tiền điều trị cũng lên đến gần cả trăm triệu đồng. Khi được cấp thẻ BHYT, gia đình tôi mới bớt đi gánh nặng. Trong lần nhập viện gần nhất, cha tôi bị xuất huyết não, phải nằm viện 2 tháng 18 ngày, với chi phí điều trị trên 150 triệu đồng, đều được BHYT thanh toán hết. Không có BHYT, gia đình tôi thật sự đi vào bế tắc”. 

Còn ông Nguyễn Văn Thanh ở xã An Mỹ (Kế Sách) cho biết: “Vợ tôi trước giờ vẫn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì cả. Nhưng bữa đó bỗng nhiên bị đau bụng, gia đình tôi chở vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kế Sách, rồi được chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, bác sĩ chỉ định phải mổ gấp vì vợ tôi bị viêm đại tràng và nhiễm trùng máu. Nằm viện hơn 1 tháng với tổng chi phí điều trị hơn 152 triệu đồng, được BHYT thanh toán toàn bộ, nhờ tấm thẻ BHYT đã cứu sống vợ tôi và cứu cả gia đình tôi”.  

BHYT - chia sẻ vì cộng đồng

BHYT thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Mặc dù người bệnh có thẻ BHYT vẫn gặp một số khó khăn, đôi lúc phiền hà khi khám chữa bệnh, nhưng thực tế khẳng định, BHYT vẫn là một chính sách an sinh xã hội rất hữu hiệu đối với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp. Trong khi áp dụng giá viện phí mới thì BHYT càng thể hiện rõ hơn vai trò đối với người bệnh về hiệu quả kinh tế… Có thẻ BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đối với hộ nghèo và cận nghèo, việc khám, điều trị bệnh tốn hàng chục triệu đồng thì thẻ BHYT giúp san sẻ gánh nặng khi họ không may ốm đau, bệnh tật nhất là những bệnh nặng, như: suy thận mãn, bệnh tim, ung thư… có chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài.

Có thể nói, việc tham gia BHYT đảm bảo cho cuộc sống của mỗi gia đình không lâm vào cảnh nghèo túng khi bị bệnh tật, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; là một chính sách tài chính y tế quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhằm xây dựng một xã hội khỏe mạnh, trí tuệ. Tất cả những giá trị ấy, ý nghĩa ấy đã hòa quyện vào nhau để làm nên chiếc thẻ BHYT. Thẻ BHYT thể hiện nghĩa tình, sự đùm bọc lẫn nhau, là sự chia sẻ của cộng đồng đối với mỗi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách”.

Lợi ích là thế, tuy nhiên đến nay vẫn có không ít người băn khoăn về việc sử dụng dịch vụ y tế tại các bệnh viện khi có thẻ BHYT hoặc chưa hiểu hết quyền lợi khi tham gia BHYT. Chỉ tới khi lâm cảnh bệnh tật, tai nạn, nhất là bị nặng, chi phí vượt ngoài khả năng chi trả thì lúc bấy giờ thường người bệnh mới thấy hết giá trị của chiếc thẻ BHYT. Do đó, ngoài việc phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa nhân đạo “mình vì mọi người và mọi người vì mình” của chính sách BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân tại địa phương.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: