Còn nhiều khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

15/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 15/09/2017 | 06:00

STO - Chiều ngày 14-9, đoàn giám sát do đồng chí Thạch Thal - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” từ năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, Sóc Trăng đã tuyển sinh được gần 64.000 người và hơn 61.000 người tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt 78,15%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay các lớp đào tạo nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đều mời giáo viên thỉnh giảng, nên gây khó trong công tác quản lý; cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu khu điều hành, phòng giảng dạy và trang thiết bị không đồng bộ và lỗi thời.

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh làm việc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có ý kiến đề xuất xung quanh một số vấn đề, như: cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thay thế các thông tư, nghị định còn bất cập, chồng chéo; hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị đào tạo các nghề mới và hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên, người dạy nghề giỏi, đủ chuẩn về công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

* Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đoàn giám sát của Thường trực HĐND đã có buổi làm việc về kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại huyện Thạnh Trị. Cùng đi với đoàn có đồng chí Phan Thanh Mừng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Thạnh Trị đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 4.979 người, với các nghề đào tạo, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy, xây dựng dân dụng, hàn điện, may, đan đát… Bên cạnh đó, số lao động sau khi học nghề được trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh xuất khẩu lao động. Kết quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề trên 86% lao động.

Theo UBND huyện Thạnh Trị, hiện nay địa phương hoạt động chủ yếu các nghề phi nông nghiệp nên mức thu nhập chưa cao; số lượng học viên tham gia lớp học đạt từ 85 - 90%; số lao động được đào tạo nghề chủ yếu là trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, gặp khó khăn trong việc cung ứng, giới thiệu việc làm sau học nghề đối với các công ty có yêu cầu kỹ thuật cao… Do đó, huyện kiến nghị tỉnh hàng năm nên hỗ trợ kinh phí cho địa phương để phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu và hỗ trợ kinh phí cho giáo dục thường xuyên do huyện chỉ có 2 giáo viên cơ hữu, còn lại phải thuê giáo viên khác dạy…

Qua ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, đoàn giám sát đã ghi nhận và sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời.

Tuyết Xuân - KX

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: