Nét đẹp văn hóa ở một vùng quê

25/03/2017 17:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Bảy, 25/03/2017 | 17:00

STO - Chúng tôi có dịp trở lại xã Thới An Hội (Kế Sách), ấn tượng đầu tiên là vẻ đẹp của một vùng quê thuần nông ngày nào. Tuyến Tỉnh lộ 932 nối dài về đến trung tâm xã qua Quốc lộ Nam Sông Hậu và kết nối với các xã lân cận đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con địa phương đi lại và trao đổi hàng hóa. Ngay sau trụ sở UBND xã là khu vực chợ Cầu Lộ sầm uất bên bờ sông Rạch Vọp hiền hòa. Hiện nay, đường thủy tuy không phải là phương tiện giao thông chính của người dân nơi đây, nhưng tất cả tạo nên một khung cảnh hiền hòa, mang nét đẹp đặc trưng của vùng đất và con người nơi đây.

Thới An Hội có chợ Cầu Lộ, ở ấp Ninh Thới, là địa danh nổi tiếng lâu đời và là nơi mua bán sôi động nhất của xã hiện nay. Tuy là chợ nông thôn nhưng hàng hóa được bày bán đa dạng để phục vụ đời sống sinh hoạt người dân, nhất là vào buổi sáng sớm đông đúc chẳng kém gì thành thị.

Thới An Hội được thiên nhiên ưu ái, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm đã tạo thuận lợi để phát triển cánh đồng mẫu và hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái. Người dân nơi đây sống gắn bó với ruộng vườn bao đời, nay bà con cũng rất nhạy bén, chủ động trong việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; thi đua sản xuất, giúp nhau trong cuộc sống; xây dựng gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc tạo nên những nét đẹp văn hóa trong đời sống mới ở địa phương.

Diện mạo đổi thay ở xã Thới An Hội.

Những vườn cây ăn trái xum xuê hiện hữu khắp thôn quê, đường làng ngõ xóm thoáng đãng và xa xa là những cây cầu kiên cố vững chãi tạo nên một bức tranh quê tươi đẹp.

Đồng chí Ngô Thị Hồng Hoa - Chủ tịch UBND xã Thới An Hội cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã, cầu tre được thay thế hoàn toàn bằng những cây cầu bêtông kiên cố. Các tuyến lộ đal được xây mới và mở rộng ra. Được trên đầu tư nên địa phương mới nâng cấp mở rộng tuyến Tỉnh lộ 932 dài 5km. Riêng năm 2016, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chúng tôi xây dựng được 6 cây cầu nông thôn, với tổng trị giá 600 triệu đồng. Vì vậy, hệ thống giao thông nông thôn của xã hiện nay tương đối hoàn thiện”.

Ở Thới An Hội đồng bào Khmer chỉ chiếm hơn 25% số dân của xã, bà con chủ yếu sống tập trung ở 2 ấp An Hòa và An Nhơn. Đó cũng là nét đặc trưng về văn hóa của vùng quê này. Những năm qua, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống bà con ở hai ấp này nói riêng và trên địa bàn xã nói chung ngày càng nâng cao.

Chú Trần Văn Khải, ở ấp Xóm Đồng 1 chia sẻ: “Bây giờ cuộc sống bà con đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Thông qua các chương trình, dự án của Nhà nước mà hầu hết bà con được sử dụng nước hợp vệ sinh, điện thắp sáng kéo về tận nhà. Bà con phấn khởi, ai cũng chịu khó làm ăn, lo cho con cái đi học lên cao. Số lượng con em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng mỗi năm một tăng. Có nhiều gia đình 5 - 6 người con đều tốt nghiệp đại học”.

Hiện nay, toàn xã có 3.762 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 100%; 7/7 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Khi mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Môi trường xã hội lành mạnh tiến bộ nâng lên thông qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa vì người nghèo được cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong năm, chính quyền địa phương tổ chức thăm viếng, tặng quà cho gia đình chính sách nhân các dịp lễ, tết với tổng số tiền trên 286 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà cho gia đình chính sách nghèo, trị giá 120 triệu đồng.

Nếu như những năm trước, các thiết chế văn hóa ở Thới An Hội còn thiếu, thì hiện nay xã đã có nhà văn hóa, các ấp đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là nơi gắn kết cộng đồng dân cư thông qua các buổi sinh hoạt hội họp. Đồng chí Ngô Thị Hồng Hoa cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh ở địa phương. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, chuyển đổi diện tích cây kém hiệu quả sang vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước để đưa cuộc vận động đến từng gia đình, địa bàn khu dân cư”.

Một ngày, dẫu chưa cảm nhận hết nét đẹp của mảnh đất và con người nơi đây, nhưng chúng tôi thật ấn tượng với cuộc sống đổi thay không ngừng của người dân Thới An Hội. Những người nông dân “một nắng, hai sương”, quanh năm miệt mài lao động với ruộng vườn nay đã đổi mới tư duy, sáng tạo trong lao động, giữ gìn nét đẹp văn hóa tốt đẹp của dân tộc; góp công, góp sức xây dựng quê hương Thới An Hội ngày càng giàu đẹp hơn.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: