Nghị lực của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin

10/08/2018 21:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 10/08/2018 | 21:25

STO - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại thì vẫn còn âm ỉ và nhức nhối trong cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên điều đáng khâm phục là dù mang trong mình nỗi đau da cam nhưng bằng nghị lực và sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống…

Xuôi theo đường Tỉnh 934 về ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) vào một buổi sáng sớm, giữa dòng xe cộ qua lại tấp nập trên đường, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người cha già dìu đứa con gái có khuôn mặt dị dạng đi tản bộ trên vỉa hè. Cô gái có gương mặt dị dạng do di chứng chất độc da cam/dioxin là Đỗ Thùy Dương (30 tuổi), con gái ông Đỗ Tấn Phát. Ông Phát tâm sự: “Sáng nào cũng vậy, con gái tôi cũng đòi cha dẫn đi tản bộ, vì mấy tháng gần đây sức khỏe con gái tôi có phần giảm sút do căn bệnh quái ác, đi lại có phần khó khăn hơn. Nhưng vì không muốn để cha thêm gánh nặng, con tôi cố gắng tập đi, rèn luyện cho đôi chân đi vững để có thể tự đi đứng một mình”.

Mỗi buổi sáng Đỗ Thùy Dương được cha dìu đi tản bộ để rèn luyện đôi chân khỏe hơn.

Ông Phát nhập ngũ vào năm 1972, phục vụ tại quân y Quân khu 9, phụ trách khâu giao nhận hàng Bắc - Nam, thuộc chiến trường miền Đông, đóng chốt tại núi Bà Đen (Tây Ninh). Sau giải phóng, ông trở về huyện Mỹ Xuyên sinh sống rồi lấy vợ. Đến năm 1988, sinh đứa con gái đầu lòng Đỗ Thùy Dương với khuôn mặt kháu khỉnh. Nhưng lúc con gái lên 2 tuổi, gia đình mới phát hiện mắt bên trái của Dương trở nên bất thường, không nhìn thấy mọi vật xung quanh. Cuộc sống khó khăn, ông Phát đi làm ăn xa nên không chở con đi khám mà chỉ mua thuốc uống. Vài tháng sau, khuôn mặt của Dương bắt đầu xuất hiện nhiều hạt mụn nhỏ, rồi dần dần lớn lên như những mụn cóc. Đến 3 tuổi, bên phải đầu của em bắt đầu phình to. Ông Phát chở con đi khám bệnh thì các bác sĩ cho biết Dương bị bệnh não úng thủy và bướu do di chứng chất độc da cam/dioxin.

Càng ngày khối u càng lớn dần che khuất mắt bên trái, cùng các khối u khác ở gò má, miệng, tai lớn nhanh khiến khuôn mặt Dương biến dạng. Ông Phát lại phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để đưa con đi khám tại nhiều bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh… Mới đây, được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ sang Nhật cắt bỏ khối u, nhưng một thời gian sau khối u vẫn phát triển như cũ… 

Gia đình khó khăn, vợ ông Phát đi nơi khác làm thuê kiếm tiền chữa trị cho con rồi bỏ đi mất biệt. Hiện nay, mọi chuyện chăm lo cho con do một tay ông Phát đảm trách. Tuy sức khỏe rất yếu, một tay lại bị tật đi lại khó khăn, nhưng Dương rất ngoan và luôn nén nỗi đau để cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, trước đây em còn phụ cha bán vé số trước nhà để có thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Thạch Hùng có việc làm tại cửa hàng điện thoại di động với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Cũng là người bị khuyết tật cả hai chân do di chứng chất độc da cam/dioxin, anh Thạch Hùng ở ấp Trường An, xã Trường Khánh (Long Phú) đã vượt qua nỗi đau cố gắng học nghề và có công việc với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Đối với những người lành lặn, nghề sửa màn hình điện thoại iphone là công việc khó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo, thì đối với anh Thạch Hùng (30 tuổi) việc làm này khó hơn gấp nhiều lần. Anh Thạch Hùng chia sẻ: “Lúc nhỏ trong một lần bị bệnh sốt, hai chân teo dần không còn đi được, còn cột sống thì cứng đơ không cử động được nữa. Gia đình tôi cũng khó khăn, lại đông anh chị em, nên học hết lớp 9 tôi nghỉ học. Rồi cuộc sống của tôi như bước sang trang mới khi được Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh giới thiệu cho đi học nghề. Tôi đã nài nỉ cha cho lên TP. Sóc Trăng học nghề ép màn hình điện thoại iphone. Sau 2 tháng học nghề tôi đã làm được việc và ở lại một cửa hàng điện thoại di động tại TP. Sóc Trăng làm, với thu nhập mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng”.

Giờ đây, công việc tại cửa hàng điện thoại di động không chỉ giúp anh Hùng kiếm được tiền phụ giúp gia đình mà còn cho anh có niềm tin hơn vào cuộc sống. 

Chúng tôi đến thăm một nạn nhân bị khuyết tật do di chứng chất độc da cam/dioxin khác ở ấp Đại Ân, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) là chị Chung Thị Ánh Tuyết (35 tuổi). Mặc dù bị teo cơ, chân yếu không đi được nhưng bằng nghị lực vượt lên số phận, chị đã trở thành một thợ may khéo tay. 

Chị Chung Thị Ánh Tuyết vượt lên số phận, trở thành một thợ may khéo tay. 

Khi sinh ra được 7 tháng tuổi, chị bị sốt và 2 chân teo lại. Từ đó, chị Tuyết không thể đi lại như những người bình thường khác. Mặc dù đi đứng khó khăn, đôi tay cũng không thể làm được công việc nặng nhọc nhưng chưa bao giờ chị Tuyết có ý định buông xuôi số phận. Chị bắt đầu học nghề may để tự mình trang trải cuộc sống, không dựa dẫm vào gia đình. Bằng nghị lực vượt khó cũng như tình yêu nghề, chị đã trở thành thợ may khéo tay, được nhiều khách hàng tìm đến may đồ.

Chị đã có gia đình và sinh được đứa con gái 4 tuổi, nhưng chồng chị không may trong một lần đi thăm người thân về bị tai nạn giao thông tử vong, một mình chị phải nuôi đứa con nhỏ. Dự định của chị Tuyết là tích lũy được số vốn sẽ mở rộng tiệm may đồng phục cho học sinh và có thể tạo thêm việc làm cho những người cùng cảnh ngộ như mình. 

Đó là những nạn nhân trong số hàng nghìn nạn nhân bị di chứng do chất độc da cam/dioxin của tỉnh, đã nỗ lực vượt qua bệnh tật vươn lên để hòa nhập với cộng đồng. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ, giúp đỡ trợ cấp cho nạn nhân và gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng đã góp phần bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi, đem lại cho những người bị nhiễm và khuyết tật do di chứng chất độc da cam/dioxin niềm hy vọng để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng và sống có ích.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: