“Vang bóng một thời” - Nghề thợ sơn vecni

11/06/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 11/06/2018 | 06:00

STO - Sơn vecni (tiếng Pháp là vernis) có ở Việt Nam từ lúc nào cũng không rõ nhưng với tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Pháp đó, nhiều thợ sơn vecni lành nghề cho rằng nghề này có lẽ phải có từ thời Pháp thuộc và do người Pháp dạy nghề cho người Việt. Kể từ khi sơn PU (sơn có gốc từ chất polyurethane - một loại polimer) trở nên phổ biến vào khoảng năm 2000, hình thức sơn vecni dần bị thay thế và ít được lựa chọn hơn. Hiện nay, ở TP. Sóc Trăng, rất khó để tìm được thợ sơn vecni. Có thể nói nghề này đang dần “lui vào dĩ vãng”…

Tìm đến số nhà 45, đường Trần Văn Hòa (TP. Sóc Trăng), chúng tôi thấy ông Đức - một trong số những thợ sơn vecni hiếm hoi còn lại của đất Sóc Trăng đang sơn những chiếc ghế cóc (ghế nhỏ để ngồi) để kịp giao khách hàng. Ông cho biết từ năm 14 - 15 tuổi đã bắt đầu phụ việc ở các cửa hàng bán đồ gỗ rồi được dạy nghề sơn vecni từ đó (năm nay ông đã ngoài 60 tuổi).

Nghề sơn vecni không khó học, nếu lanh trí chỉ mất chừng 1 - 2 tháng là có thể sơn được, nhưng để sơn đẹp, đảm bảo yêu cầu thì ít nhất cũng phải từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, theo ông Đức, học nghề này thì nhất định phải kiên nhẫn, kỹ lưỡng, nếu không, có học bao lâu cũng không làm được.

Ông Lón - một thợ mộc lâu năm trong nghề chia sẻ: “Thấy vậy chứ cũng không dễ sơn đâu. Có lần khách đặt tủ chỗ tôi nhưng yêu cầu sơn vecni. Hai cha con không biết nghề ngồi sơn hì hụi mất mấy tiếng đồng hồ và hơn 2 lít hóa chất nhưng vẫn không thể hoàn thiện sản phẩm, trong khi thợ giỏi thì sơn món đồ đó chỉ chừng nửa lít hóa chất”.

Ông Đức đánh các lớp vecni lên mặt chiếc ghế cóc bằng gỗ cẩm lai.

Đồ nghề của thợ sơn vecni cũng đơn giản, gọn nhẹ với chi phí đầu tư khá thấp (chỉ tầm 500.000 đồng trở lại), gồm: cọ, bông gòn, bột phấn, các chất tạo màu (huỳnh, chu…) và các hóa chất dùng làm nước sơn. Để có một sản phẩm sơn vecni hoàn thiện, phải trải qua các công đoạn: chà mịn bề mặt gỗ, lót phấn (hoặc màu nếu muốn tạo màu), lên hóa chất bằng cọ, lót phấn nước, đánh hóa chất bằng bông gòn, lặp lại công đoạn lót phấn nước và đánh bông gòn này khoảng 40 - 50 lần tùy loại gỗ cho đến khi đều thớ gỗ. Có lẽ bởi công đoạn phủ nhiều sơn như hình thức sơn này nên mới được gọi là vecni (theo tiếng Pháp nghĩa là lớp phủ bề mặt).

Tuy phủ nhiều lớp, nhưng so với sơn PU, lớp sơn vecni vẫn mỏng hơn và có thể nhìn thấy được vân gỗ. Nhất là các loại gỗ quý cho vân đẹp như cẩm lai, bên, hương, căm xe… nếu sơn PU sẽ không còn thấy được vân gỗ nữa. Tuy nhiên, nếu so về công năng sử dụng, sơn PU dày hơn, chống thấm tốt hơn và có thể sơn trên các loại gỗ rẻ tiền vẫn cho ra được sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ nên dù giá thành cao hơn (sơn vecni chỉ có giá tầm 70% giá sơn PU) nhưng sơn PU vẫn chiếm được thị phần hơn sơn vecni. Đó chính là lý do sản phẩm sơn vecni ngày càng ít hơn và nghề này dần lui vào dĩ vãng. Theo ông Đức, hiện nay thỉnh thoảng có khách đặt hàng ông mới có sản phẩm để sơn. Đối tượng khách một số thì vì giá thành sơn rẻ hơn, một số khác thì do sử dụng sản phẩm gỗ quý nên không muốn sơn PU.

Còn anh Hòa - một thợ sơn vecni năm nay chừng hơn 40 tuổi cũng đã bỏ nghề hơn chục năm nay và chuyển sang làm công nhân cho một công ty trong TP. Sóc Trăng cho biết: “Nói chung nghề sơn vecni này cũng nhàn, tôi cũng khá thích nghề sơn vecni nhưng thu nhập không đủ sống thì phải chuyển nghề thôi”. Từ sau khi sơn PU thịnh hành, nhiều thợ sơn vecni đã phải bỏ nghề và chuyển sang các nghề khác như anh Hòa, một số có vốn liếng cũng đầu tư, học nghề và chuyển sang sơn PU để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Qua thời gian, nhiều thợ sơn vecni nổi tiếng của đất Sóc Trăng ngày xưa cũng đã nên người quá vãng. Theo ông Đức, cho đến thời điểm này chỉ còn khoảng 1 - 2 thợ sơn có tay nghề cao còn cố gắng duy trì được nghề này ở Sóc Trăng. Chỉ vào chiếc ghế cóc cẩm lai đang sơn giữa chừng, ông thở dài tiếc nuối nếu sơn PU thì sẽ mất đi những thớ vân cẩm đẹp đẽ này…

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: