• Xây dựng Đảng

KỶ NIỆM 70 NĂM CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO SÓC TRĂNG (1948 – 2018)

Công tác tuyên giáo Sóc Trăng trong kháng chiến "xem lòng dân là quốc bảo”

01/08/2018 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 01/08/2018 | 06:02

STO - Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về bài học “lấy dân làm gốc”, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc luôn nhận thức đúng vị trí, vai trò to lớn của nhân dân trong lịch sử. Đảng bộ đặt niềm tin trọn vẹn vào nhân dân, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Vì thế, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng niềm tin, thấm sâu tâm hồn trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, xem đó là mục tiêu chiến lược - “lòng dân là quốc bảo”.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng, tháng 10-1948, Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (nay là Ban Tuyên giáo). Từ đây, công tác chính trị, tư tưởng đã có Ban Tuyên huấn làm tham mưu giúp cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở. Mục tiêu trọng yếu và xuyên suốt của công tác tuyên huấn trong kháng chiến là giáo dục niềm tin, thấm sâu tâm hồn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tin và đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng.

In báo Chiến đấu (nay là Báo Sóc Trăng), công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng bộ tỉnh trong kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Thực tiễn lịch sử đã làm sáng tỏ công tác tư tưởng của Đảng khơi dậy được tinh thần bất khuất, kiên cường, ý chí quyết tâm đấu tranh giành quyền làm chủ vận mệnh đất nước của toàn dân tộc để giành độc lập. Đó cũng là sự minh chứng cho “ý Đảng hợp với lòng dân”, đường lối của Đảng khi đáp ứng đúng khát vọng chính đáng của đại đa số nhân dân sẽ trở thành cội nguồn sức mạnh vô tận và khi đó, mục tiêu, lý tưởng của Đảng sẽ trở thành hành động cách mạng của quần chúng.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dân tộc Việt Nam phải trực tiếp đương đầu với thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trong hoàn cảnh ấy, kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” và hơn 20 triệu đồng bào Việt Nam đoàn kết một lòng, quyết tâm đánh tan đội quân xâm lược giàu mạnh và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. 

Đội võ trang tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở vùng sông rạch.  Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân, hàng triệu triệu đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc, bất kỳ già trẻ gái trai phải là những chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ. Với chiến lược toàn dân kháng chiến trong cả hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng đã góp phần to lớn tổ chức nhân dân khắp mọi miền đất nước thành một mặt trận với khẩu hiệu “Mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm, đường phố là một pháo đài”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, không chỉ có lực lượng vũ trang đánh giặc, mà toàn dân đánh giặc; không những các vùng tự do, vùng giải phóng chống giặc mà vùng tạm chiếm cũng đánh giặc; không chỉ vùng cù lao, ven biển, nông thôn mà cả thành thị cũng đánh giặc. Năm 1954, ông Ken-nơ-đi phải thừa nhận: “Sự giúp đỡ quân sự của Mỹ ở Đông Dương dù đến đâu cũng không thể chinh phục được một kẻ thù vừa ở khắp nơi, vừa không thấy ở đâu cả, một kẻ thù là con đẻ của nhân dân, được nhân dân đồng tình che giấu và giúp đỡ”.

Cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng tuyên truyền chủ trương của Đảng trong vùng mới giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Sức mạnh đó của nhân dân được phát huy mạnh mẽ trong kháng chiến chống Pháp và được nhân lên cao độ trong kháng chiến chống Mỹ. Điều đó được thể hiện qua lời kêu gọi: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập tự do” của tổng khởi nghĩa Tháng Tám, đến “Không có gì quý hơn độc lập, tư do” trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc lòng khát khao vì độc lập, tự do của toàn dân tộc, thôi thúc mỗi người dân Sóc Trăng đồng tâm, kiên quyết, vững vàng chiến đấu, tạo nên những bước ngoặc chiến lược, sách lược làm thay đổi cục diện có lợi cho cách mạng, có lợi trong từng chiến dịch, từng kế hoạch tác chiến, nhằm đánh bại kẻ thù, giải phóng nhân dân thoát khỏi sự kiềm kẹp của địch… tiến tới giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Năm nay, kỷ niệm 70 năm ngành Tuyên huấn của Đảng bộ Sóc Trăng, những người làm công tác trong ngành Tuyên huấn luôn suy ngẫm thấm sâu bài học: phải tin dân, dựa vào dân, trao đổi, bàn bạc với dân về kế hoạch thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời phải tích cực tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân. Điều đó, giữ vai trò quyết định bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.

Điện ảnh cách mạng đến với đồng bào vùng giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Một bài học nữa nếu không nhắc đến thật là thiếu sót của công tác tuyên huấn, đó là chú trọng xây dựng và bồi dưỡng cơ sở nòng cốt cách mạng trong nhân dân, đặc biệt là ở vùng chưa có hoặc tổ chức cơ sở đảng còn yếu. Thực tiễn cách mạng nói chung, địa bàn Sóc Trăng nói riêng chỉ ra rằng những nơi nào có cơ sở nòng cốt nhiều, rộng khắp, vững chắc thì nơi đó phong trào đấu tranh phát triển và thu được nhiều thành quả. Do vậy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn nguy hiểm đến đâu, Đảng viên phải bám trụ địa bàn, bám dân, bám chặt tổ chức theo hình thức “chi bộ tự động”, “chi bộ bốn tốt” trong những năm chống Mỹ - ngụy ác liệt nhất, gian khó nhất của Đảng bộ Sóc Trăng.

Cán bộ tuyên truyền cách mạng len lỏi dưới những đò khách để tiếp xúc với nhân dân. Ảnh: Tư liệu

Khi đảng viên ở cùng với nhân dân, cùng nhân dân chiến đấu với kẻ thù, đặc biệt ở vùng trọng yếu, địch kiềm kẹp gắt gao nhằm đánh bật cơ sở của Đảng ra khỏi dân, cán bộ, đảng viên đã phải kiên trì chịu đựng gian khổ, bất chấp hy sinh tính mạng vẫn kiên cường bám trụ giữa lòng nhân dân. Khẩu hiệu “Phải mang nắp hầm vào ấp chiến lược” để từ đó “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch” trở thành phương châm hành động, là bí quyết bám trụ của Đảng bộ Sóc Trăng thời kỳ đầy khó khăn, thử thách (1956 - 1960). Các đảng viên ở cơ sở đã gắn bó máu thịt với dân, vì vậy được nhân dân tin yêu và che chở trước sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù. Các đồng chí tù chính trị từ Côn Đảo trở về có câu nói: “Dù hoàn cảnh nào cũng nhớ đến Đảng”. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức Đảng, là thành quả của công tác tư tưởng đã thấm sâu vào trái tim, vào tâm hồn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong những năm chiến tranh ác liệt.

Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sóc Trăng triển khai yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới khi Hiệp định Pari vừa được ký kết. Ảnh: Tư liệu

Về hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, luôn bám sát hệ thống tổ chức do Đảng chỉ đạo và xây dựng như: tổ thanh vận, tổ binh vận, tổ an ninh trật tự, tổ dân vận, trong đó, tổ tuyên - văn - giáo làm nòng cốt… Những tổ chức đó “phải giáo dục làm cho quần chúng tự giác, tự biết sức lực của họ, biết quyền lợi của họ, làm cho họ mạnh dạn đấu tranh”. Nhờ đó, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân, kể cả những binh sĩ và gia đình binh sĩ có tinh thần yêu nước, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành dân, giành đất với địch. Thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác tư tưởng, giáo dục chính trị trong suốt 30 năm chống Pháp, Mỹ xâm lược.

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hơn lúc nào hết, công tác tư tưởng, giáo dục chính trị luôn thấu hiểu “lòng dân là quốc bảo”, phải vì lợi ích của dân, dựa vào dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là bức tường thành vững chắc của Việt Nam, của vai trò lãnh đạo của Đảng, không ai, không kẻ thù nào công phá nổi.

Lê Trúc Vinh

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: