• Xây dựng Đảng

Đồng chí Hà Thanh Xuân - người cán bộ của nhân dân

16/10/2020 10:20 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 16/10/2020 | 10:20

STO - Xuân Hòa là một xã anh hùng, một vùng căn cứ cách mạng của huyện Kế Sách. Xuân Hòa còn nổi tiếng với những vườn trái cây đặc sản bốn mùa thơm ngọt. Mảnh đất hiền hòa ấy đã sản sinh ra nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên trung kiên, không ngại hy sinh xương máu, cống hiến tâm sức và trí tuệ xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày thêm giàu đẹp. Và đồng chí Hà Thanh Xuân - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa giai đoạn 2000 - 2001 là một trong những người như thế.

Hiện tại, dù đã an nhàn vui thú điền viên cùng gia đình sau 5 năm được nghỉ hưu theo chế độ, nhưng tình cảm yêu quý của nhân dân, sự tôn trọng của bạn bè, đồng chí, sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên dành cho đồng chí Hà Thanh Xuân vẫn còn vẹn nguyên đó. Hôm tôi đến thăm nhà, dù có hẹn trước nhưng vẫn không được gặp ngay chú (gọi là chú vì giai đoạn 1994 - 1999 làm Bí thư Đảng ủy xã Thới An Hội, bà con địa phương ai cũng gọi ông Bí thư Đảng ủy xã Hà Thanh Xuân bằng những tiếng xưng hô trìu mến như anh Ba Xuân, chú Ba Xuân). Hỏi thăm người hàng xóm thì mới biết vợ chồng chú thường làm việc cả ngày ngoài vườn, đến xế chiều mới về.

Chú Ba Xuân, tích cực lao động sản xuất sau khi nghỉ hưu.

Đi bộ chừng 200m, trước mắt tôi là hình ảnh khu vườn rộng hơn 1 hécta của gia đình chú, trải đầy màu xanh mướt mắt của các loại cây ăn trái đặc sản của địa phương như sầu riêng, măng cụt, lê ki ma. Đi sâu vào trong vườn, tiếng chan chát từ bụi cây đằng xa vọng lại ngày một gần, thì ra là chú Ba Xuân đang gấp rút đốn mấy cây gỗ tạp và bụi tre gai cuối vườn để kịp trồng thêm mấy cây sầu riêng đón những cơn mưa đầu mùa tắm mát. Nếu như những ngày còn phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ngòi bút của chú chắc chắn và minh mẫn để quyết định mọi việc ích nước lợi dân, thì khi trở về làm một người nông dân, nhát búa của chú cũng rất mạnh mẽ và chắc chắn để dọn sạch đám cây tạp trong vườn, phát triển vườn cây đặc sản, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Vốn sinh ra trên mảnh đất anh hùng, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1974 khi mới 19 tuổi, chàng trai Hà Thanh Xuân  đã gia nhập đơn vị Biệt động thị trấn Cái Côn (thời điểm đó, dưới chế độ cũ Cái Côn trực thuộc quận Phong Thuận, tỉnh Phong Dinh, nay là TP. Cần Thơ). Sau ngày 30-4-1975 khi chính quyền cách mạng về tiếp quản thì thị trấn Cái Côn được đổi tên gọi thành xã An Lạc Thôn. Khi ấy, chú Ba Xuân được giao nhiệm vụ Thư ký Văn phòng UBND xã. Sau đó, với nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, năm 1981 khi vừa bước sang tuổi 26, chú Ba Xuân đã vinh dự được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã An Lạc Thôn. Cuối năm đó, chú được cấp trên điều động công tác về làm Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương huyện Kế Sách. Hành trình trở thành người cán bộ của nhân dân cũng bắt đầu từ đây.

Là một cán bộ trưởng thành từ thực tiễn cách mạng, vì vậy chú Ba Xuân luôn ý thức được vai trò quan trọng của người cán bộ, đảng viên trong việc tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và rèn luyện đạo đức cách mạng trong sáng, phải biết gần dân, học dân, hiểu dân, lắng nghe dân nói để kịp thời đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Làm được như vậy thì mới có thể xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chính khát vọng cống hiến cùng với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng mà chú Ba Xuân sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ vị trí đứng đầu các cơ quan, ban ngành cấp huyện như Trưởng Phòng Tổ chức Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Trưởng Ban Dân vận rồi Trưởng Ban Dân vận huyện Kế Sách đến Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn trong huyện như Phong Nẫm, Thới An Hội, Xuân Hòa, An Lạc Thôn.

Tuy nhiên, đối với chú Ba Xuân những năm tháng nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy tại các xã, thị trấn trong huyện đã để lại trong chú nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn rất bổ ích. Mỗi địa phương có đặc thù riêng và có những “hoàn cảnh” riêng, nhưng cái chung nhất vẫn là cần có một người thuyền trưởng, điều khiển con thuyền đi đúng hướng.   

Làm nhiều, nói ít đó chính là phương châm làm việc của chú. Lúc còn đương nhiệm, chưa bao giờ chú kể về thành tích của bản thân mình, giờ đã an nhàn, vui thú điền viên nhưng chú vẫn giữ được cái đức tính khiêm tốn của một người cán bộ lãnh đạo. Những câu chuyện chú kể, theo chú đó chỉ là những chia sẻ của người đi trước để giúp những thế hệ sau như chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác cũng như trong việc thực hiện những nhiệm vụ của một người cán bộ, đảng viên.

Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện làm Bí thư Đảng ủy tại một xã có đông đồng bào Khmer trong huyện mà chú từng trải qua. Đó là thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ XX khi mà người sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn phải nộp thuế cho Nhà nước. Vì chạy theo thành tích mà lãnh đạo một số địa phương trong huyện, trong đó có xã mà chú vừa được phân công làm Bí thư Đảng ủy đã tự ý vay hỏi tiền của người dân bên ngoài để nộp thuế trước, rồi thu bù lại sau. Trong khi lãi suất tiền vay thì tăng theo từng ngày mà tiền thuế thu được thì không đủ để bù vào khoản chi thâm hụt. Vừa mới nhận nhiệm vụ lại phải đối diện với tình thế khó xử. Việc đầu tiên chú làm không phải là vạch lá tìm sâu mà tìm hiểu nguyên nhân của những việc làm chưa đúng, ai sai đến đâu thì sửa chữa, khắc phục đến đó. Mỗi cán bộ, đảng viên trong cơ quan phải biết phê bình và tự phê bình, tự nhận ra những khuyết điểm của mình để tìm cách khắc phục. Nhờ sự khéo léo trong công tác chỉ đạo của chú mà tình trạng mất đoàn kết trong cơ quan đã được giải quyết, cán bộ, đảng viên của đơn vị ngày càng trưởng thành hơn trong công tác, những khó khăn về tài chính dần được đẩy lùi.

Bên cạnh đó, chú Ba Xuân còn đặc biệt quan tâm đến đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào Khmer. Bởi theo chú, có gần dân thì mới hiểu được dân, dân có cuộc sống no ấm thì mới tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đó là yếu tố quan trọng góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thay vì gửi thư mời những hộ chậm nộp thuế cho Nhà nước lên ủy ban làm việc thì chú xuống tận nhà bà con, có khi còn đội nắng đội mưa ra tận ngoài đồng để tìm hiểu nguyên nhân, cử cán bộ nông nghiệp xã hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, động viên bà con cố gắng lao động sản xuất để vừa ổn định kinh tế gia đình, vừa làm tròn nghĩa vụ nộp thuế. Chính cách làm việc có lý, có tình của chú Ba Xuân đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày thêm vững chắc.

Là cán bộ lãnh đạo tại một địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nên chú Ba Xuân luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời điểm đó, khi mà trình độ dân trí của người dân còn thấp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã triệt để lợi dụng điểm yếu đó để lôi kéo, kích động một bộ phận người dân thiếu hiểu biết chống đối chính quyền, gây mất đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã. Để tháo gỡ nút thắt đó, chú Ba Xuân đã tìm đến từng xóm lớn, xóm nhỏ để gặp gỡ, lắng nghe bà con nói, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng bà con, đôi khi chú còn bám xóm ấp trong nhiều ngày để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, tạo nên sự gần gũi, gắn bó máu thịt giữa cán bộ với nhân dân. Bên cạnh đó, chú còn tăng cường tiếp xúc với các vị sư trong chùa, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó mà trình độ nhận thức của đồng bào Khmer ngày càng nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Khắc ghi lời dạy của Bác “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”, chú Ba Xuân đã đề xuất về trên nhiều giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều con đường bê tông nối liền giữa các xóm ấp tới tận trung tâm xã đã được hoàn thành, nhiều điểm trường đã được mọc lên trong các thôn xóm, nhiều con kênh thủy lợi đã được nạo vét để phục vụ cho việc sản xuất của bà con nông dân. Các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc được kịp thời thực hiện một cách có hiệu quả. Ánh điện đã bừng sáng trên khắp miền quê, tiếng nhạc ngũ âm càng rộn ràng mừng cuộc sống no ấm.

Người cán bộ của nhân dân ấy như một cánh chim không mỏi, vẫn vững bước trên hành trình dệt mùa xuân yêu thương cho đời. Trong hành trình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của mình, chú Ba Xuân cũng không thể nào nhớ hết đã bao nhiêu lần mình nhận được những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Nhưng chắc rằng, với chú phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin yêu của nhân dân dành cho mình, một người cán bộ của nhân dân.

QUÁCH TẤN THUẦN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: