• Xây dựng Đảng

Phát huy vai trò cấp ủy đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng - Kỳ 3

02/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 02/10/2017 | 06:00

STO - Sóc Trăng là một tỉnh nghèo nằm cuối dòng sông Hậu, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu là đồng bào Khmer. Để giúp người dân phát triển kinh tế, có đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần ngày càng tiến bộ, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là cấp ủy cơ sở đã phát huy tốt vai trò tiên phong, sát cánh cùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

ĐỂ ĐỒNG BÀO CÓ CUỘC SỐNG ỔN ĐỊNH BỀN VỮNG

Từ thực tiễn địa phương, Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định: Để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống bền vững, thời gian tới, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy đảng ở cơ sở và làm tốt công tác nhân sự tại chỗ là những giải pháp mấu chốt.

Bồi dưỡng năng lực cho bí thư, cấp ủy cơ sở

Sóc Trăng hiện có 802 bí thư chi bộ khóm, ấp, tổ dân phố; 109 bí thư đảng ủy xã, phường và hàng nghìn cấp ủy viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác lãnh đạo ở cơ sở, cùng với chính quyền, đoàn thể tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của đồng bào DTTS và chính sách dân tộc nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của đồng bào DTTS trong toàn tỉnh. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, gần đây, nhận thức và đời sống của bà con DTTS đã có nhiều thay đổi nhờ được cấp ủy, chi bộ địa phương giải thích rõ cái lợi, cái hại, việc gì nên làm và không nên làm. Chẳng hạn như, nếp nghĩ “nhiều con hơn nhiều của” trước kia, giờ mỗi gia đình chỉ sinh không quá 2 con; bệnh tật là mời thầy cúng bái, nay đã tìm đến bác sĩ và tự nguyện tiêm chủng, mua bảo hiểm y tế; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 khoảng 20 triệu đồng/năm, hiện tại đã xấp xỉ 31 triệu đồng/năm; toàn tỉnh hiện có 21/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới… Tuy nhiên, Sóc Trăng vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao với 15,32%; có 33 xã đặc biệt khó khăn và thói quen ỷ lại, trông chờ của đồng bào DTTS chưa giảm hẳn… Những tồn tại này thuộc trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết và trực tiếp là của bí thư, cấp ủy đảng xã, ấp. Do vậy, nhiệm vụ bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ này để thúc đẩy chất lượng công tác ngay từ cơ sở là việc làm cấp thiết. Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng Phạm Văn Toàn cho biết: “Nhận rõ vai trò của bí thư chi bộ khóm, ấp, bí thư đảng ủy xã, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy và tương đương thường xuyên mở lớp tập huấn ngắn hạn để bồi dưỡng nội dung, quy trình sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng, giáo dục ý thức tự vươn lên cho bà con, nhất là với đồng bào DTTS”.

Anh Lâm Ca, dân tộc Khmer (xã Đại Ân 2), làm kinh tế giỏi, được kết nạp Đảng tăng sức lãnh đạo của chi bộ ấp.

Song, bồi dưỡng như thế nào cho hiệu quả, vừa trang bị được “tay nghề”, vừa khích lệ đội ngũ này hăng say làm việc là vấn đề được lãnh đạo nhiều địa phương quan tâm. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Vĩnh Châu Hứa Sĩ Hùng cho rằng: “Ở vùng đồng bào DTTS thì cán bộ, đảng viên luôn phải làm trước, làm mẫu cho bà con học tập; từ việc nuôi bò, nuôi tôm, chuyển đổi giống lúa đến sinh hoạt tín ngưỡng đời thường…, nếu mình làm không tốt thì bà con không nghe. Do vậy, việc bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cấp ủy, bí thư xã, ấp phải kết hợp cả lý thuyết và thực hành, cả kỹ năng chỉ đạo, định hướng, vận động, tuyên truyền với trang bị kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng hiệu quả”. Theo anh Hùng, để đạt được mục tiêu đặt ra, ngoài tự học, tự tích lũy của cá nhân rất cần sự phối hợp giúp đỡ của các ngành chuyên môn trong huyện và tỉnh. Cùng quan điểm với lãnh đạo TX. Vĩnh Châu, đại diện nhiều huyện cũng nhấn mạnh khâu bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho cán bộ lãnh đạo xã, ấp và có cơ chế ưu đãi thích đáng. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Trần Đề Huỳnh Thanh Liêm kiến nghị: “Cần có chính sách ưu đãi tốt hơn, tăng thêm phụ cấp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để khích lệ anh em toàn tâm, toàn ý với công việc chung của tập thể”.

Nhất thể hóa, sắp xếp hợp lý nhân sự cấp ủy

Tính đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng có 771/775 khóm, ấp thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm ấp (khóm) trưởng. Đây là chỉ đạo nhất quán của Tỉnh ủy để bảo đảm phát huy cao độ vai trò, hiệu quả lãnh đạo ở cơ sở. Theo nhận định của Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Ngọc Tuấn, điều này xuất phát từ yêu cầu cơ bản đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở khóm, ấp là “miệng nói, tay làm; nói cho chắc, làm cho tốt” để đồng bào tin tưởng, làm theo. Cho nên, việc nhất thể hóa chính là một trong những biện pháp quan trọng để phát huy vai trò của cấp ủy, bí thư chi bộ và đội ngũ cán bộ thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân và trong nội bộ không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Bí thư Chi bộ ấp Ngan Rô 2 (xã Đại Ân 2) Tôn Nghi Thến tâm sự: “Trước đây, trong chi bộ tôi có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm nên kết quả công việc có lúc chưa cao. Từ khi nhất thể hóa bí thư kiêm ấp trưởng, vai trò, trách nhiệm của cá nhân phụ trách được nâng lên. Mọi việc đều đến tay mình nên phải chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cả hai vai”.

Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng đã lường trước, sớm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ do nhất thể hóa sinh ra.

Để thực hiện chủ trương nhất thể hóa, công tác nhân sự cấp ủy được lựa chọn kỹ lưỡng theo hướng ưu tiên quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, đảng viên là người DTTS để thuận tiện tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân; bí thư chi bộ cố gắng là người Khmer, được nhân dân tín nhiệm. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lý Bình Cang thông tin: “Ngoài nhất thể hóa bí thư chi bộ kiếm ấp trưởng, khóm trưởng, Tỉnh ủy còn chỉ đạo Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố phân công cấp ủy viên phụ trách cụ thể từng địa bàn để chỉ đạo thường xuyên, dự sinh hoạt kiểm điểm công tác lãnh đạo của đảng ủy xã, chi bộ ấp; quá trình đó kết hợp để kiểm tra, giám sát chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ và định hướng nội dung, thống nhất biện pháp lãnh đạo, chấn chỉnh, giúp đỡ các đảng bộ, chi bộ ngay từ khâu ra nghị quyết, coi trọng nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. Do vậy, chất lượng lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ ngày càng được nâng lên rõ rệt nhờ hiểu đúng quy trình triển khai thực hiện nghị quyết, kiểm điểm rõ trách nhiệm, bàn thảo đúng nội dung trọng tâm để có biện pháp cụ thể khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Chủ trương hướng về cơ sở đã giúp cho công tác báo cáo, nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết công việc theo hệ thống dọc cũng nhanh hơn, kịp thời hơn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Thống nhất cao với quan điểm bồi dưỡng, sắp xếp nhân sự người DTTS, ở góc độ đơn vị cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Tân (TX. Vĩnh Châu) Trần Hùng Anh nêu thêm kinh nghiệm: Trong ban trị sự các chùa Khmer Nam tông nên có đảng viên để kịp thời nắm bắt tình hình, ý nguyện của bà con tín đồ tôn giáo; đồng thời cơ cấu nhà sư trụ trì tham gia Hội đồng nhân dân xã hoặc tổ dư luận xã hội để tăng tính tương tác, thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành các hoạt động của địa phương theo đúng nghị quyết xác định.

Tuy nhiên, để đồng bào DTTS phát triển bền vững, về lâu dài, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể yêu cầu: Cùng với nâng cao vai trò của cấp ủy, bí thư chi bộ, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con thay đổi nhận thức, không ỷ lại, tự mình vươn lên, gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động... Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là sự khẳng định rõ nét vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng ở cơ sở trong việc phát triển bền vững đời sống đồng bào DTTS tại địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Bá - Hoàng Thành

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: