• Xây dựng Đảng

Phát huy vai trò của cấp ủy đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng - Kỳ 1

30/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 30/09/2017 | 06:00

STO - Sóc Trăng là một tỉnh nghèo nằm cuối dòng sông Hậu, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu là đồng bào Khmer. Để giúp người dân phát triển kinh tế, có đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần ngày càng tiến bộ, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là cấp ủy cơ sở đã phát huy tốt vai trò tiên phong, sát cánh cùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

TRĂN TRỞ TỪ VÙNG ĐẤT KHÓ

Trong câu chuyện của nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, mỗi khi nhắc đến cuộc sống của người dân địa phương, vẫn phảng phất chút buồn man mác. Mặc dù khóm, ấp đổi thay, đời sống của đồng bào DTTS khấm khá hơn nhiều, nhưng còn đó những hủ tục, nghi lễ phát sinh khiến cấp ủy, chính quyền địa phương không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Đất nghèo, dân khó

Tỉnh Sóc Trăng có điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu không thuận lợi; 65% diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, nhiễm phèn; trên 85% diện tích đất chưa có hệ thống thủy lợi đồng bộ; 19 DTTS cùng định cư, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 31%... Cách đây 25 năm, khi Sóc Trăng mới tái lập tỉnh (1992), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,4%, cao hơn so tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước; nhiều hộ thiếu đói phải cứu trợ gần như suốt năm. Những con số này nói lên cái khó, cái vất vả, gian nan của vùng đất mang đặc trưng “văn hóa xứ giồng”. Thế rồi, với ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ và các tỉnh, thành phố trong khu vực, Sóc Trăng đã vươn mình, từng bước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Dù vậy, hơn 3 năm trước, (tháng 6-2014), trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: Hạn chế lớn nhất của Sóc Trăng là tỷ lệ hộ nghèo còn cao (xấp xỉ 17%), kết cấu hạ tầng kém, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững… Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí tâm sự: Ý kiến của Thủ tướng khiến chúng tôi trăn trở, phải làm gì để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, vực dậy đời sống của bà con DTTS, trong khi điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư và địa bàn không thuận lợi...

Bí thư chi bộ ấp Giồng Nổi (ngoài cùng, bên phải) xuống tận hộ dân nắm tình hình để thống nhất biện pháp lãnh đạo sát, đúng.

Cái nghèo liên thông từ trên xuống dưới, ở các xã, ấp, đời sống của người dân chật vật, thiếu thốn. Đồng chí Lâm Minh Hải - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban nhân dân ấp Giồng Nổi, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu), chia sẻ: “Mấy năm trước khi tôi mới đảm nhiệm Bí thư chi bộ, toàn ấp có khoảng 45% hộ nghèo, nhà cửa lụp xụp, đường sá lầy lội, bà con chủ yếu làm nông theo thời vụ, thanh niên không có việc làm… Cả ấp chỉ có vài chiếc xe máy loại rẻ tiền. Được bầu làm bí thư mà tôi lo lắng suốt hơn tháng trời vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ, bởi tất cả đều rất mơ hồ, chỉ có cái nghèo là hiện hữu. Làm sao để tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững? Câu hỏi ấy cứ đeo bám tôi cả trong giấc ngủ. Cuối cùng, tôi quyết định phải tới từng hộ dân tìm hiểu tình hình, làm cơ sở thống nhất trong cấp ủy, chi bộ, đề ra chủ trương lãnh đạo sát, đúng”…

Lại thêm hủ tục, nghi lễ nảy sinh

Nói đến đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng là nói đến người Khmer với những tập tục, tín ngưỡng, lối sống riêng biệt. Bà con thường ở quanh chùa, định cư theo dòng họ. Ông Lý Bình Cang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Cái nghèo của đồng bào Khmer một phần do tập quán khó thay đổi. Bà con bị chi phối quá lớn vào Phật giáo Nam tông Khmer với ý niệm chết đi sẽ được “về miền cực lạc”, nên họ mong tiến cúng vào chùa càng nhiều càng tốt. Bà con rất trọng lễ nghĩa, tín ngưỡng, dù gia đình túng thiếu nhưng vẫn sẵn sàng vay mượn để đi lễ khắp nơi, kể cả xa đến mấy. Bởi vậy, nhiều gia đình khi xuống giống vụ mới còn không đủ tiền mua lúa giống. Những lễ hội lớn như: Kathina, Sene Đôn Ta, Oóc om bóc, Chôl Chnăm Thmây… đã đành, đằng này lễ “làm phước cầu an” bà con cũng tổ chức rình rang, tốn kém”.

Tìm hiểu thực tế ở xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu), chúng tôi được biết, xã hiện có hơn 10 nhóm làm phước cầu an, do nhiều hộ gia đình tự nguyện hợp thành, giao cho một hoặc một vài cá nhân đứng ra vận động tổ chức. Cũng bởi suy nghĩ “làm phước” để “cầu an” nên nhà nào cũng cố gắng ủng hộ thật nhiều (!). Mỗi lần tổ chức lễ kéo dài suốt 3 ngày 3 đêm, chi phí khoảng 70 - 80 triệu đồng/nhóm. Trung bình mỗi năm, người dân trong xã tốn gần 1 tỉ đồng “làm phước cầu an”. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải Trà Khol tỏ ra lo lắng: “Trước kia lễ này ít tổ chức, bà con chẳng mấy quan tâm, vài năm gần đây “làm phước cầu an” ngày càng thu hút đông đảo đồng bào Khmer trong xã. Lúc đầu, xã chủ trương ghép các nhóm lại, nhưng rồi bà con lại tự tách ra. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với Bộ đội Biên phòng vận động người dân hạn chế tổ chức nghi lễ tốn kém không cần thiết này”.

Thêm vào đó, do thiếu đất canh tác nên một số hộ dồn đất lại cho một gia đình sản xuất để lên TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… làm thuê, làm mướn. Quá trình lao động, cùng với việc tích lũy kinh tế, học hỏi cái hay, cái đẹp ở thị thành, họ cũng kịp tiếp thu những tập tục, tiệc tùng rình rang, hình thức mà trước kia ở quê chưa hề có, như: sinh nhật, đầy năm, chẵn tháng, tân gia… Ngặt một nỗi, họ đi làm ăn xa nên tình làng, nghĩa xóm cũng “vơi đi ít nhiều”. Lúc trở về dốc tiền vào sửa soạn mâm cao cỗ đầy cúng thôi nôi, chẵn tháng cho con, nhưng khách khứa vắng teo. Tốn tiền, lãng phí, cái nghèo cũng vì thế cứ đeo bám mãi. Theo khảo sát của chúng tôi, những loại tiệc tùng này đã khiến gần 300 hộ dân ở xã Long Phú (huyện Long Phú) chọn phương án đóng cửa đi làm thuê, vừa để mưu sinh vừa đỡ bị mời, dự thì tốn không dự thì áy náy…

Ngoài ra, còn nếp nghĩ “đến đâu hay đến đấy” và thói quen ỷ lại, dựa dẫm cũng là những rào cản cho sự phát triển toàn diện của đồng bào DTTS ở Sóc Trăng. Theo ông Dương Sà Kha - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, những cái khó trong đời sống đồng bào DTTS luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương, đòi hỏi những người “đứng mũi chịu sào” ở xã, ấp phải sáng tạo, gần dân để tuyên truyền, vận động, định hướng bà con đổi mới tư duy, khắc phục lối mòn, ổn định cuộc sống.

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: Nguyễn Bá - Hoàng Thành

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: