• Xây dựng Đảng

Phát huy vai trò của cấp ủy đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng - Kỳ 2

01/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 01/10/2017 | 06:00

STO - Sóc Trăng là một tỉnh nghèo nằm cuối dòng sông Hậu, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu là đồng bào Khmer. Để giúp người dân phát triển kinh tế, có đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần ngày càng tiến bộ, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là cấp ủy cơ sở đã phát huy tốt vai trò tiên phong, sát cánh cùng đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

MẪU MỰC NÊU GƯƠNG, TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP

Thấy rõ những cái khó của đồng bào, đội ngũ lãnh đạo ở địa phương bước đầu đã tìm ra những biện pháp hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Viên An (Trần Đề) Thạch Văn Mến khẳng định: “Với đồng bào DTTS, không phải cứ nói nhiều, nói suông là bà con tin tưởng. Cán bộ phải làm giỏi hơn bà con, nói đúng ý bà con thì họ mới đồng thuận, phấn khởi làm theo, tạo thành phong trào chung trong cộng đồng”.

Nói cho chắc, làm cho tốt

Đi tìm những minh chứng cho nhận định của Bí thư Đảng ủy xã Viên An, chúng tôi tới ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân (TX. Vĩnh Châu) - nơi có tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao. Theo dự báo, đến cuối năm 2017, ấp Trà Vôn A sẽ có thêm khoảng vài chục hộ thoát nghèo nhờ chuyển đổi phương thức làm ăn và áp dụng mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Tiêu biểu là hộ anh Sơn Huỳnh Na. Trước đây, gia đình anh thuộc diện nghèo nhất ấp. Năm 2002, ấp tiến hành quy hoạch diện tích đất nuôi tôm. Chi bộ ấp và Đảng ủy xã đã xét, đề nghị cho gia đình anh Na được nuôi tôm trong vùng quy hoạch với diện tích ban đầu là 2.000m2 và hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Lúc đầu, anh Na nuôi tôm sú, được địa phương cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn cách nuôi tôm và cho anh tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Năm đầu tiên tôm trúng vụ, anh thu lãi 200 triệu đồng. Chưa đầy hai năm sau, gia đình đã thoát nghèo. Hiện tại, anh Na sở hữu ao tôm rộng 2ha và trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương. Mới đây, anh Na tự nguyện hiến 2.000m2 đất để xây trường học trên địa bàn. 

Anh Na bộc bạch: “Thành quả của gia đình là nhờ công sức của Bí thư chi bộ ấp Lâm Sên. Ngoài việc đề nghị cho gia đình tôi tham gia nuôi tôm, anh còn thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn tôi cách chăm sóc, phòng bệnh để tôm phát triển tốt. Tôi tin tưởng là bởi anh Sên nuôi tôm rất giỏi, thu lợi nhiều có tiếng trong ấp. Mình thấy thực tế thì mình mới tin, học theo”.

Đồng chí Lâm Sên - Bí thư Chi bộ ấp Trà Vôn A (ngoài cùng, bên trái) chia sẻ kỹ thuật nuôi tôm với một hộ dân.

Ở ấp Ngan Rô 2, xã Đại Ân 2 (Trần Đề), có một điển hình làm kinh tế giỏi là anh Lâm Ca, 59 tuổi, đảng viên người dân tộc Khmer. Trước năm 2013, gia đình anh Lâm Ca thuộc diện hộ nghèo, đông con, kinh tế quanh năm túng thiếu. Trong một cuộc họp chi bộ, Bí thư Tôn Nghi Thến đã đề xuất chủ trương hỗ trợ bà con người DTTS trong ấp thoát nghèo, nhưng trước hết đảng viên phải gương mẫu làm kinh tế giỏi để nói cho dân tin. “Chi bộ có 10 đảng viên, thì 5 người thuộc diện hộ nghèo, vậy mà mình đi tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm kinh tế, ai nghe cho được. Bởi thế, mỗi đảng viên phải nỗ lực, cấp ủy phải chung tay “đẩy” anh em lên trước, để kéo cả ấp cùng tiến bộ” – Bí thư Chi bộ Tôn Nghi Thến bộc bạch. Nghĩ là làm, anh Thến phân công các cấp ủy viên đảm nhiệm kèm cặp những đảng viên kinh tế khó khăn; các đảng viên làm kinh tế giỏi giúp đỡ hộ nghèo vươn lên. Anh trực tiếp kèm cặp đảng viên Lâm Ca. Tìm hiểu nguyên nhân nghèo khó của gia đình, anh đề nghị Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để anh Ca mua bò giống, heo giống; rồi nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi để hướng dẫn anh Ca chăm sóc bò, heo.

Cảm kích tấm lòng của Bí thư chi bộ, vợ chồng anh Lâm Ca quyết chí làm giàu. Năm 2013, gia đình anh chính thức thoát nghèo. Đến nay, vợ chồng anh đã có trong tay 10 con bò thịt cùng đàn heo, vịt, gà đông đúc. Ngoài xây được căn nhà khang trang, anh Ca còn mua thêm 2 xe máy, tivi, tủ lạnh. Các con anh đều được đến trường. Trong chi bộ có 5 đảng viên từng là hộ nghèo, thì nay đều đã có kinh tế khá trở lên, đủ khả năng nêu gương cho bà con trong ấp. Anh Lâm Ca tỏ vẻ phấn khởi: “Mấy năm nay tôi tự tin hướng dẫn bà con cách thức làm ăn để ổn định cuộc sống. Trước kia mình còn nghèo hơn họ nên dù là đảng viên nói cũng chẳng ai nghe. Đồng bào Khmer là vậy, muốn nói cho chắc phải làm cho tốt, thấy mình làm tốt thì bà con sẽ tin theo”.

Từ những mô hình kinh tế cụ thể của đảng viên và những hộ nông dân điển hình ở các ấp đã lan rộng ra toàn tỉnh. Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 50 mô hình kinh tế tiêu biểu trong đồng bào các DTTS, mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống cho người dân.

Phối hợp chặt chẽ với chức sắc tôn giáo

Trong phòng khách của chùa Sê rây Ta Sết, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải Trà Khol cùng các bí thư chi bộ kiêm ấp trưởng các ấp đang trò chuyện cùng ông Lâm Thương - Trưởng ban Quản trị chùa để bàn kế hoạch phối hợp vận động tín đồ đạo Phật Nam tông Khmer chuyển đổi phương thức làm ăn, trồng lúa giống mới, nuôi tôm thẻ chân trắng và khắc phục những hủ tục, nghi lễ phát sinh. Xã Vĩnh Hải có gần 75% dân số là người Khmer và người Hoa. Trong xã có 2 chùa Nam tông Khmer với lượng tín đồ chiếm hơn 3/4 dân số.

Đồng chí Trà Khol cho biết: “Xác định rõ tầm ảnh hưởng của nhà sư trụ trì và ban quản trị chùa, chúng tôi chủ động phối hợp với các vị chức sắc, thông qua họ để vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng ủy, chi bộ. Bản thân tôi cũng là người dân tộc Khmer nên tôi hiểu rõ vai trò của trụ trì, tiếng nói của họ rất có trọng lượng với bà con tín đồ trong xã. Mình phải trực tiếp gặp, trao đổi, thống nhất nội dung với nhà sư trụ trì để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động”.

Cũng với phương pháp dựa vào chức sắc tôn giáo, ở các xã: Đại Ân 2, Viên An (Trần Đề); An Thạnh Đông (Cù Lao Dung); Châu Hưng, Vĩnh Lợi (Thạnh Trị); Vĩnh Tân (TX. Vĩnh Châu)…, các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng thường xuyên cùng cán bộ chủ chốt khóm, ấp tranh thủ sự ủng hộ của nhà sư trụ trì để vận động nhân dân giảm bớt nghi lễ rình rang, tốn kém, không để người chết trong nhà quá lâu, hạn chế tiệc tùng lãng phí…

Đồng chí Nguyễn Hoàng Minh - Bí thư Chi bộ ấp Trà Vôn B (xã Vĩnh Tân) kể: “Cách đây hơn 2 năm, xã có chủ trương chuyển đổi một số diện tích hoa màu sang khoanh vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng khi cán bộ đến vận động thì bà con không nghe vì trồng màu dễ làm, ít giống, vốn lại đỡ vất vả, dù thu nhập thấp. Ấp có 91% dân số là người Khmer. Tôi liền họp cấp ủy, đề xuất phối hợp với Đại đức Thạch Liên, Trụ trì chùa Thom Ma Chô, nơi bà con Khmer thường xuyên tới cúng lễ. Sau một hồi giải thích cái lợi và chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước mà người dân được hưởng, Đại đức Thạch Liên đồng ý giúp đỡ. Ngay trong buổi lễ đầu tháng, vị trụ trì mời đại diện các gia đình tín đồ tập trung tại chánh điện, rồi giải thích cho bà con nghe về mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sáng hôm sau, các hộ gia đình trong diện quy hoạch tự giác đăng ký với ấp, thực hiện nghiêm túc chủ trương của địa phương”.

Hay, sự phối hợp giữa Bí thư Đảng ủy xã Đại Ân 2 với nhà sư Trụ trì chùa Đơm Pô trong việc vận động người dân hạn chế góp tiền tổ chức lễ “làm phước cầu an”, tiết kiệm chi tiêu, không bày vẽ lễ lạt linh đình trong tiệc thôi nôi, sinh nhật… Đại đức Sơn Minh Hiền - Trụ trì chùa Đơm Pô chia sẻ: “Thực ra nhà chùa biết tín đồ tốn kém trong các lễ nghi, nhưng bởi họ tiến cúng vào chùa nên sư cũng… ngại khuyên can. Nay trực tiếp bí thư xã, ấp tới đề nghị phối hợp vì cuộc sống ấm no, tiến bộ của tín đồ, sư nguyện làm hết trách nhiệm, khuyên bảo tín đồ tránh xa hủ tục”…

Ngoài ra, cấp ủy, chi bộ địa phương còn chủ động đề nghị cấp trên hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thành lập các nhóm giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tổ chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm từ những mô hình làm kinh tế giỏi. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS ở các xã ngày càng được cải thiện rõ nét.

(còn tiếp)

Bài và ảnh: Nguyễn Bá - Hoàng Thành

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: