• Xây dựng nông thôn mới

Gam màu mới trong vùng có đông đồng bào Khmer

02/08/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 02/08/2019 | 06:00

STO - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền huyện Thạnh Trị đã và đang tập trung thực hiện là huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện Thạnh Trị xem công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, từ đó Huyện ủy Thạnh Trị đã ban hành nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác XĐGN, nhất là trong vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị chăm lo phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào Khmer nhằm giúp đồng bào Khmer địa phương từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần. Để tạo điều kiện cho công tác XĐGN đạt hiệu quả, trước tiên là công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tính đến nay, huyện đã triển khai thực hiện được 487 công trình bao gồm: đường, cầu giao thông, trường học, trạm y tế, gắn với đào mới, nạo vét nhiều công trình thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn. Sau khi hoàn thành đưa các công trình vào phục vụ, đáp ứng yêu cầu đi lại, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh phát triển. Nhờ đó, hiện 100% diện tích đất canh tác của huyện Thạnh Trị sản xuất được lúa tăng vụ, có nơi còn phát triển cây màu các loại quanh năm, kết hợp sản xuất lúa vụ 3 ở những nơi có điều kiện, đạt năng suất từ 6 tấn đến 7 tấn lúa/ha. Qua đó, đã hình thành nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn, trang trại chăn nuôi và nhân giống gia súc các loại...

Trường Mầm non Hoa Hồng ở ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc. Ảnh: TS

Song song đó, các cấp, các ngành luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là dạy nghề cho đồng bào Khmer nghèo. Tính đến nay, trên địa bàn có hơn 6.400 người được học nghề và được giải quyết việc làm, thu nhập ổn định. Riêng hộ nghèo đồng bào Khmer có nhu cầu đi lao động nước ngoài cũng được cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi. Các chính sách an sinh xã hội khác cũng được các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Chi bộ ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc cho biết: "Là một trong những ấp vùng sâu của thị trấn Phú Lộc, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer chiếm khá cao. Nhờ đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi trong phát triển sản xuất, kinh doanh và các chính sách an sinh xã hội khác được triển khai thực hiện kịp thời, nên đã giúp bà con Khmer địa phương có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Điển hình, trước kia tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer của ấp chiếm gần 27%, nay giảm xuống còn 13%".

Tiêu biểu là hộ Danh Biên, ấp Xa Mau 2, từ hộ nghèo nay vươn lên thành hộ khá giàu. Anh Biên bộc bạch: "Trước kia, vợ chồng tôi nghèo lắm, phải đi làm mướn để kiếm tiền sinh sống… Từ năm 2010, được địa phương hỗ trợ vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng, gia đình thuê đất trồng màu các loại, chăn nuôi gia cầm, trồng lúa. Đến 2015, gia đình mua được 3 con bò cái, hiện chuẩn bị sinh sản thêm 3 con bò con". Từ đôi bàn tay trắng, nhờ vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật, hiện gia đình anh Biên tích lũy vốn sang nhượng gần 20 công đất, xây cất nhà tường khang trang, 2 con đều được cắp sách đến trường… 

Vận động nhân dân xây cầu ở ấp Xa Mau 1, thị trấn Phú Lộc. Ảnh: TS

Đồng chí Sơn Sương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo (XĐGN) huyện Thạnh Trị  cho biết: "Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, XĐGN, huyện còn quan tâm đến việc nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào Khmer. Hiện toàn huyện có 16 điểm trường dạy chữ Khmer, 1 trường dân tộc nội trú, thu hút mỗi năm học có 1.247 học sinh theo học, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt 100%. Triển khai thực hiện tốt Nghị định số 06/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non Khmer, đã hỗ trợ kinh phí cho gần 8.200 em học sinh dân tộc Khmer nghèo đang theo học ở các điểm trường và giáo viên, với tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác, giúp các em vượt khó, học tốt. Trong thời gian tới, huyện Thạnh Trị tiếp tục huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có đông đồng bào Khmer và hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững".

Thanh Sơn

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: