• Xây dựng nông thôn mới

Phát triển giao thông - mở rộng giao thương

01/03/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 01/03/2018 | 06:00

STO - Xác định phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để tạo tiền đề và là động lực cho các ngành sản xuất khác phát triển. Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã đầu tư phát triển nhiều công trình giao thông phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sóc Trăng là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, thương mại, dịch vụ… Để khai thác hết tiềm năng của các lĩnh vực này, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông đường bộ phải đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển hạ tầng giao thông không những tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn là điều kiện quan trọng để việc giao thương được mở rộng.

Hơn 10 năm trước, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, việc phát triển thương mại cũng còn gặp khó khăn do giao thông chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống giao thông đường huyện, nhất là đường ôtô đến trung tâm xã đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện, kết nối với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, thuận lợi cho việc đi lại của người dân và cơ hội giao thương được mở rộng.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2010 - 2015, Sở Giao thông Vận tải đã đầu tư nâng cấp sửa chữa 217 công trình, dài 2.576km và từ năm 2015 đến nay, đã đầu tư mới 522 công trình, trong đó có 516 công trình giao thông nông thôn dài 661km và 6 công trình xây dựng cơ bản dài 85,7km. Các công trình giao thông đã có sức lan tỏa, kết nối như đường tỉnh 940 và các cầu lớn trên tuyến này được xem là trục ngang quan trọng của tỉnh nối liền Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 1A và Quốc lộ Nam Sông Hậu. Qua đó đã phát huy hiệu quả của việc đầu tư hệ thống quốc lộ đi ngang qua địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư, đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đã góp phần tích cực vào việc phát triển vận chuyển hàng hóa, du lịch, dịch vụ của tỉnh nhà.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và thương mại dịch vụ phát triển.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 108/109 xã, phường, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm. Các công trình, dự án giao thông vận tải được đưa vào khai thác đã góp phần chuẩn bị điều kiện, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ.

Năm 2017, khu vực thương mại - dịch vụ chuyển biến tích cực, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, giá trị tăng thêm khu vực III là 9,5% so với năm 2016. Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, nếu như vào năm 2008, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 119 chợ thì đến đầu năm 2017 tăng lên 134 chợ, trong đó có thêm 1 chợ đầu mối thủy sản và 1 chợ đêm. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi được xây dựng theo phong cách hiện đại, vững chắc, tạo sự thu hút cho khách hàng, giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội chọn được những mặt hàng với giá cả cạnh tranh, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng rõ ràng, làm người tiêu dùng an tâm hơn. Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại dịch vụ của Sóc Trăng luôn có mức tăng trưởng. Nếu như năm 2007, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội chỉ đạt 9.090 tỉ đồng thì đến năm 2017, ước tăng lên đến 64.096 tỉ đồng.

Không chỉ vậy, tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề hiện đang được triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020. Khi đưa vào sử dụng, tuyến đê bao này được dự báo sẽ tăng khả năng vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nhất là tăng khả năng phát triển thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng trọng điểm tôm - lúa đang được chuẩn bị thi công, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn, tạo bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế, tạo sức hút đầu tư về thương mại, dịch vụ.

Theo thông tin từ ngành Giao thông Vận tải, thời gian tới, ngành sẽ huy động và tập trung mọi nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, các tuyến giao thông huyết mạch để tạo bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển thương mại - dịch vụ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, như: đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 60, nhất là đầu tư cầu Đại Ngãi nối liền tỉnh Sóc Trăng với một số tỉnh, thành khác, tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa; đồng thời triển khai duy tu, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh đảm bảo cấp kỹ thuật theo quy hoạch, hoàn thành việc đầu tư 100% đường ôtô đến trung tâm xã…

Phát triển hạ tầng giao thông không những tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn là điều kiện quan trọng để việc giao thương được mở rộng. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và những định hướng phát triển hạ tầng giao thông hợp lý trong thời gian tới của ngành giao thông sẽ đóng góp không nhỏ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: