• Xây dựng nông thôn mới

Sạt lở và những giải pháp ứng phó

26/08/2020 07:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 26/08/2020 | 07:00

STO - Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở tại các địa phương ven sông, ven biển diễn biến phức tạp. Bước vào mùa mưa, tình trạng sạt lở càng khó lường, khiến nhiều hộ sinh sống ven sông, ven biển thấp thỏm lo âu. Vấn đề này đang đặt ra thách thức trong việc triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.

Kỳ 1: Thấp thỏm sống trong vùng sạt lở

Mùa mưa bão kèm theo triều cường là thời điểm nhiều hộ dân sinh sống ven sông, ven biển nơm nớp lo âu bởi đó là một trong những yếu tố khiến các chân đê ven bờ sông, bờ biển đối diện với nguy cơ sạt lở. Đáng lo ngại là các điểm sạt lở ven sông gần đây dường như không có dấu hiệu báo trước, thường xảy ra vào ban đêm đã đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân, khiến nhiều hộ không khỏi bàng hoàng.

Vụ sạt lở tại xã Song Phụng (Long Phú) xảy ra đầu tháng 8-2020. Ảnh: HẢI HÀ

Cách đây hơn 2 tuần, vụ sạt lở tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (Long Phú) dài khoảng 40m, lấn sâu vào đất liền hơn 10m xảy ra vào đêm khuya khiến nhiều hộ sinh sống quanh khu vực bất ngờ vì trước khi sạt lở xảy ra, nền lộ đal ven sông tại đây không có dấu hiệu rạn nứt. Bà Huỳnh Thị Bích Trang, 1 trong 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp kể lại: “Vụ sạt lở xảy ra vào ban đêm khiến gia đình tôi và nhiều bà con xung quanh rất bất ngờ và lo lắng, ngày thường xe ôtô của gia đình tôi cũng ra vào thường xuyên trên đoạn đường này. Nhà cửa chúng tôi đều xây dựng kiên cố ở trên đất này, nếu sạt lở lấn sâu vô tới nhà chính thì coi như mất trắng căn nhà”.

Tại huyện Kế Sách, nhiều hộ dân sinh sống ven sông cũng “đứng ngồi không yên” khi thời gian qua chứng kiến nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra. Một trong những vụ việc khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng nề là vụ sạt lở xảy ra ở chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội. Từ năm 2019 đến đầu năm 2020, nơi đây đã xảy ra sạt lở 2 lần liên tiếp khiến hàng chục căn nhà của người dân bị sụp lún, trong số đó có nhiều căn nhà sàn bị nhấn chìm, ước tổng thiệt hại tài sản khoảng 1 tỉ đồng.

Những vụ sạt lở gần đây trên địa bàn tỉnh tuy không bị thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại nhiều về tài sản, ảnh hưởng về an toàn giao thông và cũng là mối nguy hiểm đối với tính mạng nhiều người sinh sống ven sông. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa ở ven sông Cái Côn, xã Xuân Hòa (Kế Sách) là một trong những hộ bị thiệt hại nhà ở khi sạt lở xảy ra chia sẻ: “Trước khi sạt lở xảy ra, tôi không hề thấy căn nhà sàn có dấu hiệu rạn nứt nào. Hừng sáng, lúc đang ngủ tôi nghe tiếng động liền thức dậy thì đồ đạc trong nhà đã rung rinh, nước tràn tới đầu gối. Cũng may có người thân đến kịp để đưa tôi ra ngoài, nếu trễ một chút nữa là tôi cũng bị cuốn trôi theo căn nhà luôn”.

Nhiều cây rừng phòng hộ ven biển ở TX. Vĩnh Châu bị sóng đánh ngã, cuốn trôi. Ảnh: HẢI HÀ

Tại khu vực ven biển của tỉnh, hiện nay điểm xung yếu nhất là đoạn từ giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu đến Cống số 4, thuộc địa bàn 2 xã Vĩnh Tân và Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu). Đây là khu vực chịu nhiều tác động của sóng biển, các dải rừng phòng hộ nơi đây đã bị thiệt hại rất nhiều. Khi sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê sẽ khiến đê có thể vỡ bất cứ lúc nào và sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều hộ sinh sống trong khu vực.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã có 2.156m bờ bao, bờ kênh, đường giao thông nông thôn và đê biển bị sạt lở. Riêng những tháng đầu năm 2020 đã có hơn 1.000m bờ sông, bờ bao bị sạt lở, làm 20 căn nhà trên địa bàn huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề bị sụp lún.

Một điểm sạt lở ở xã Phú Hữu (Long Phú). Ảnh: HẢI HÀ

Qua theo dõi những vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch xảy ra gần đây, ngành chuyên môn nhận định nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, dòng chảy ở một số tuyến sông, kênh rạch chảy xiết, có nơi xoáy vào chân đê; ở các con sông lớn có nhiều tàu lưu thông gây áp lực lên các bờ sông, nhất là các đoạn xung yếu không có bờ kè chắc chắn nên dễ xảy ra sạt lở. Một nguyên nhân khác cũng được đưa ra là, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đã làm mực nước trong các tuyến kênh, rạch bị hạ quá thấp gây đất mềm yếu; chênh lệch cao độ giữa đáy kênh và bờ kênh lớn gây ra tình trạng trượt, sụp lún và dẫn tới sạt lở. Ngoài ra, tình trạng cất nhà trái phép ven sông, rạch sẽ tạo áp lực lên phía bờ, lâu ngày áp lực này sẽ làm sụp bờ sông gây sạt lở.

Tình trạng sạt lở ven sông, nhất là ở các cụm dân cư chưa có dấu hiệu dừng lại. Các dải rừng phòng hộ ven biển cũng đang dần bị mất đi làm một số đoạn đê biển đối diện với nguy cơ bị vỡ. Thực tế này đã làm thiệt hại đến tài nguyên đất, tài nguyên rừng và ảnh hưởng đến việc sản xuất, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân.

HẢI HÀ

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: