• Xây dựng nông thôn mới

Sạt lở và những giải pháp ứng phó - Kỳ 2

28/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 28/08/2020 | 06:00

STO - Trong những năm gần đây, tình hình sạt lở tại các địa phương ven sông, ven biển diễn biến phức tạp. Bước vào mùa mưa, tình trạng sạt lở càng khó lường, khiến nhiều hộ sinh sống ven sông, ven biển thấp thỏm lo âu. Vấn đề này đang đặt ra thách thức trong việc triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.

Kỳ 2: giải pháp phòng, chống sạt lở

Những ảnh hưởng tiêu cực từ sạt lở không chỉ gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế mà còn gây mất an toàn đến hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, như các tuyến đường giao thông, công trình đê điều và nhiều loại công trình công cộng khác. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cấp bách trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở.

Công trình Khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp đang được thi công (ảnh chụp vào tháng 7-2020). Ảnh: HẢI HÀ

Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trong vùng bị sạt lở, thời gian qua đã có rất nhiều giải pháp được tỉnh triển khai để xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, từ việc di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn đến việc triển khai các biện pháp phi công trình và công trình. Trong số các công trình đang triển khai, có 2 công trình lớn đang được đẩy nhanh tiến độ là công trình Khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp tại xã Thới An Hội (Kế Sách) và Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu được thi công ở TX. Vĩnh Châu.

Ghi nhận tại chợ Cầu Lộ, công trình Khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp đoạn qua chợ Cầu Lộ đang được Ban Quản lý Dự án 2 thi công gói thầu số 1 và gói thầu số 2 với tổng chiều dài là 202m, tổng kinh phí 30 tỉ đồng. Hiện nay, công trình đã thi công xong phần đóng cọc ván bêtông. Theo chia sẻ của các hộ dân sinh sống tại khu vực chợ Cầu Lộ, nhiều hộ rất mong công trình sớm hoàn thành, khi có bờ kè kiên cố sẽ không còn thấp thỏm lo âu về nguy cơ sạt lở. Khi đó, tính mạng, tài sản và việc buôn bán của các hộ dân nơi đây cũng được đảm bảo hơn.

Một đoạn đê biển ở TX. Vĩnh Châu đã được cứng hóa. Ảnh: HẢI HÀ

Đối với Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu có tổng mức đầu tư trên 263 tỉ đồng cũng được lãnh đạo tỉnh đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành tiến độ. Hiện nay, ngay tại đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất giáp ranh với Bạc Liêu đang được các nhà thầu tích cực thi công. Ông Đào Xuân Tùng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Hồng Lâm - một trong những đơn vị thi công dự án nâng cấp đê biển Vĩnh Châu cho biết: “Tuyến đê chúng tôi đang thi công gồm có 2 phần gồm: phần đê và gia cố bờ kè. Đơn vị chúng tôi sẽ tập trung máy móc, nhân lực thi công để đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão, giúp bà con trong khu vực an tâm hơn”.

Theo ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, đê biển Vĩnh Châu có nhiều đoạn bị sạt lở, nhiều rừng phòng hộ bị sóng đánh trôi. Do đó, việc đảm bảo an toàn hệ thống đê là việc khẩn cấp. Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển được triển khai sẽ từng bước cứng hóa mặt đê, góp phần phòng, chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai. Dự án cũng hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển, tạo trục giao thông kết hợp cứu nạn khi có thiên tai, bão lớn. Quan trọng hơn là góp phần phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường ven biển.

Công trình xây dựng kè ly tâm của đê biển Vĩnh Châu. Ảnh: HẢI HÀ

Trong năm 2020, dự báo biến đổi khí hậu, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ diễn biến ngày càng cực đoan. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu đã đề nghị các cấp, các ngành cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống cống, các dự án, công trình cấp bách về phòng, chống thiên tai, nhất là các dự án cấp bách trên địa bàn tỉnh; đồng thời có kế hoạch duy tu, nâng cấp, sửa chữa kịp thời hệ thống đê, kè, cống… những điểm có nguy cơ sạt lở để phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai.

Trong điều kiện nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế thì giải pháp “mềm” cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, trong đó có việc trồng rừng để thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xâm thực bờ biển. Giải pháp này còn góp phần giải quyết sinh kế cho người dân sinh sống ven biển vì người dân vừa khai thác hải sản dưới tán rừng vừa tham gia vào công tác bảo vệ rừng với lực lượng kiểm lâm địa phương. Trong 5 năm qua, Sóc Trăng đã phát triển hơn 1.000ha rừng ven biển với các loại cây, như: đước, bần, mắm ở các địa phương ven sông, ven biển của các huyện Trần Đề, huyện Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu. Cùng với đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, trong đó có việc cắm biển cảnh báo sạt lở. Hiện nay đang có rất nhiều khu vực bị sạt lở nguy hiểm đã được UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.

Là địa phương ven biển, thời gian qua, Sóc Trăng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, với các giải pháp của ngành chức năng trong việc phòng, chống sạt lở thì cũng đòi hỏi người dân cần tích cực tham gia vào công tác này, đặc biệt là cần tránh xây cất nhà ở trái phép ven sông, ven biển để góp phần ngăn ngừa nguy cơ sạt lở xảy ra.

HẢI HÀ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: