• Xây dựng nông thôn mới

Xã An Ninh - nâng chất phong trào văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

17/06/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Bảy, 17/06/2017 | 06:00

STO - An Ninh (Châu Thành) là xã có trên 50% đồng bào Khmer sinh sống, với 9 ấp, đời sống của bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Ngay từ những ngày đầu triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chính quyền địa phương xác định đây là phong trào lớn, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thông qua phong trào, nhân dân toàn xã ra sức thi đua lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng chí Phan Thanh Tú - Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: “Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh ở địa phương nên chúng tôi tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia vào các tổ hợp tác nông nghiệp, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Đây là một trong những giải pháp tích cực giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, 5 nội dung cuộc vận động được triển khai đầy đủ, sâu rộng, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, nên cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, đời sống người dân nâng lên, bà con tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. 

Diện mạo vùng quê xã An Ninh ngày càng đổi mới.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ đầu năm đến nay, xã huy động xã hội hóa trên 800 triệu đồng để xây dựng cầu, đường nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội khác. Nhờ vậy, đường liên ấp được mở rộng, bêtông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho bà con. Trong xã không có nhà tạm, dột nát.

Chú Lâm Văn Bền - một gia đình văn hóa ở ấp Châu Thành chia sẻ: “So với trước đây, cuộc sống bà con ở đây tương đối phát triển, hộ nghèo giảm so với trước, nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn. Các con được học trong ngôi trường khang trang và bà con được khám bệnh ở gần nhà”.  

Song song đó, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức pháp luật gắn với phong trào người tốt, việc tốt, các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, kiểm tra các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hiện nay, 9 ấp của xã đã xây dựng được quy ước khu dân cư. Hàng năm, các khu dân cư đều tổ chức ngày hội đại đoàn kết dân tộc theo đúng quy định. Qua đó, biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu, để kịp thời động viên các gia đình, góp phần nâng cao chất lượng phong trào.

Đồng chí Sơn Tong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Ninh cho biết: “Chúng tôi xác định xây dựng gia đình văn hóa có vị trí hết sức quan trọng trong việc xây dựng ấp văn hóa. Chính vì vậy, phong trào đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện. Đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, có ý thức tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, chúng tôi hướng dẫn các ấp bình chọn và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa theo quy trình chặt chẽ hướng tới nâng chất các gia đình văn hóa trong cộng đồng dân cư”. 

Hiện nay, xã có trên 95% hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, 9/9 ấp đạt ấp văn hóa. Chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các cơ sở vật chất văn hóa gắn với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Từ đó, thu hút thêm nguồn kinh phí từ xã hội hóa để đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa.

Ngoài tham gia góp công, góp sức, tiền, người dân trong xã còn tự nguyện hiến đất để xây dựng và sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, các ấp đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xã đáp ứng nhu cầu hội họp người dân. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở An Ninh phát triển tương đối mạnh. Toàn xã có 7 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Hàng năm, xã đều tổ chức giải bóng đá, giao lưu văn nghệ nhân các dịp lễ lớn và tham dự giải thi đua ghe ngo do tỉnh tổ chức.

Thông qua cuộc vận động, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh nhằm giúp cho mỗi người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Từ những kết quả đạt được, cho thấy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo nên diện mạo mới cho địa phương. 

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: