• Sức khỏe và Đời sống

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa

04/07/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 04/07/2019 | 06:00

STO - Hiện nay, đã vào mùa mưa, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều dễ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân. Để hiểu rõ hơn về các loại dịch bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và biện pháp phòng chống, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh tại tỉnh ta tương đối ổn định; không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh gây dịch nguy hiểm. Tính đến ngày 30-6-2019, toàn tỉnh có 657 bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết dengue, tăng 38% so với cùng kỳ; số ổ dịch là 268, tăng 87% so cùng kỳ. TX. Vĩnh Châu là địa phương có số ca bệnh dẫn đầu toàn tỉnh, với 147 ca mắc, tiếp theo là huyện Trần Đề 88 ca, Kế Sách 82 ca, Mỹ Xuyên 82 ca.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 25-6-2019, toàn tỉnh ghi nhận 333 ca mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 145% so cùng kỳ. Ca bệnh tập trung cao tại huyện Kế Sách (83 ca), Cù Lao Dung (47 ca), Trần Đề (32 ca). Bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi toàn tỉnh ghi nhận hơn 300 ca, tăng hơn 150% so cùng kỳ, tập trung cao tại huyện Long Phú, TP. Sóc Trăng, Mỹ Xuyên, Kế Sách. Bệnh dại đã có 2 trường hợp mắc tại huyện Cù Lao Dung.

Phóng viên: Trước tình hình đó, hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền: Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giám sát côn trùng thường xuyên hàng tháng sốt xuất huyết dengue, giám sát, xử lý sốt xuất huyết dengue, sởi, dại và các bệnh dịch khác. Phối hợp đào tạo 6 lớp về điều trị, điều dưỡng sốt xuất huyết, sởi và tay - chân - miệng. Triển khai dập dịch sốt xuất huyết dengue diện rộng 9 xã thuộc TX. Vĩnh Châu (6 xã), huyện Cù Lao Dung (1 xã), Long Phú (1 xã), Trần Đề (1 xã); triển khai xử lý chủ động 9 xã thuộc TX. Vĩnh Châu (4 xã), Kế Sách (2 xã), Long Phú (1 xã), Mỹ Tú (1 xã), Mỹ Xuyên (1 xã). Tổ chức diệt lăng quăng 2 đợt trước mùa mưa tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tháng 3 và tháng 4. Phát hiện xử lý hơn 200 ổ dịch sốt xuất huyết dengue và hơn 40 ổ dịch tay - chân - miệng; giám sát huyết thanh sốt xuất huyết dengue; giám sát phân lập vi rút sốt xuất huyết dengue.

Phóng viên: Vậy, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến ra sao?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền: Số ca mắc sốt xuất huyết dengue đã tăng mạnh từ đầu năm, tăng ngay cả những tháng không mưa. Theo số liệu điều tra côn trùng thường xuyên tại xã Lạc Hòa (TX. Vĩnh Châu) và xã Thạnh Tân (Thạnh Trị), chỉ số côn trùng là rất cao; ngoài ra, điều tra côn trùng chủ động, trong giám sát xử lý dịch cũng cho thấy chỉ số côn trùng nhiều nơi trong tỉnh là rất cao. Theo đó, nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết dengue sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và bùng phát trong thời gian tới, nhất là thời gian hiện nay mưa nhiều, tạo nhiều ổ nước đọng thuận lợi cho côn trùng phát triển nếu như không có giải pháp can thiệp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.

Bệnh tay - chân - miệng cũng có chiều hướng gia tăng từ đầu năm, nhất là những địa phương tập trung đông dân cư, điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh thì dịch bệnh tay - chân - miệng sẽ bùng phát. Cảnh báo nguy cơ dịch tay - chân - miệng năm 2019 sẽ tiếp tục bùng phát mạnh vào cuối tháng 8 trở đi, là thời điểm tựu trường của các em học sinh, tăng khả năng tiếp xúc làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Phóng viên: Từ những đánh giá, dự báo đó, ngành y tế dự phòng đưa ra biện pháp phòng, chống nào, thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền: Về bệnh sốt xuất huyết dengue, tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng hiệu quả dưới sự chủ trì của UBND huyện, thị xã, thành phố và sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể. Phát động hộ dân tự giám sát, xử lý hàng tuần, giúp kiểm soát côn trùng ở mức thấp. Giám sát chặt chẽ tình hình ca bệnh, côn trùng và vi rút, tổ chức can thiệp xử lý ổ dịch triệt để. Nhận định tình hình, đề xuất xử lý diện rộng chủ động sớm, không để dịch lan rộng, đi sau đuôi dịch. Bám sát các chỉ tiêu theo hướng dẫn của ngành y tế cấp trên.

Về bệnh tay - chân - miệng, giám sát chặt chẽ ca bệnh, xử lý từng ca tản phát và ổ dịch theo đúng quy trình. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh, thầy cô giáo và người nuôi, giữ trẻ thông qua các lớp tập huấn về các biện pháp phòng, chống tay - chân - miệng.

Riêng về các bệnh trong chương trình tiêm chủng, tổ chức tốt công tác tiêm phòng và vận động phụ huynh, đối tượng nguy cơ đi tiêm phòng đủ mũi vắc xin và đúng lịch. Ngoài ra, phối hợp tốt cùng ngành nông nghiệp chia sẻ thông tin về dịch bệnh từ động vật lây sang người và tổ chức truyền thông, xử lý dịch kịp thời, đúng quy trình khi xảy ra dịch bệnh.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông.

KGT (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: