• Sức khỏe và Đời sống

Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong trả lời kiến nghị của cử tri

11/09/2019 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/09/2019 | 13:30

STO - Tại Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa IX, cử tri trong tỉnh đã có nhiều kiến nghị trên các lĩnh vực đời sống xã hội gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong đã trả lời chất vấn và có văn bản trả lời cụ thể những kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu, Tổ Đại biểu HĐND tỉnh.

* Cử tri kiến nghị sớm xây mới Trạm Y tế xã Tuân Tức; mở cơ sở điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần nặng.

Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong: Việc xây dựng mới Trạm Y tế xã Tuân Tức đã được đưa vào danh mục đầu tư xây dựng mới thuộc Dự án “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, sử dụng vốn ODA vay ADB đã được Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Bộ Y tế tại Công văn số 508/UBND-XD, ngày 22-3-2019 được Bộ Y tế chấp thuận. Hiện nay, dự án trong giai đoạn phê duyệt, đàm phán với nhà tài trợ. Cho nên sau khi dự án triển khai, Sở Y tế tiến hành thực hiện các bước theo hướng dẫn của dự án. Dự kiến năm 2020, sẽ triển khai xây dựng mới Trạm Y tế xã Tuân Tức.

Về mở cơ sở điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần nặng: Hiện tại, tỉnh Sóc Trăng còn hạn chế nguồn kinh phí để xây dựng mới bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Mặc dù vậy, ngành Y tế tỉnh cũng đã đề xuất trong Quy hoạch phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Sóc Trăng đến 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 61/QĐ-UBND, ngày 28-3-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Mặt khác, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã thành lập khoa tâm thần có thể đủ cơ sở vật chất, quy mô giường bệnh để chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tại Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 tỉnh Sóc Trăng cũng có chương trình quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần, thực hiện cấp phát thuốc miễn phí tại cộng đồng. Nhìn chung, công tác quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần, ngành Y tế tỉnh quan tâm triển khai thực hiện từ tuyến tỉnh đến y tế cơ sở. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Sóc Trăng.

* Cử tri phản ánh Bệnh viện Đa khoa tỉnh xử lý những trường hợp bệnh nặng nhưng lại không cho chuyển viện lên tuyến trên để điều trị, khi gia đình tự chuyển lên tuyến trên thì bác sĩ cho rằng bệnh quá nặng, chuyển lên không kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong: Căn cứ theo quy định tại Điều 27, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 thì: “Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật”. Theo Quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT, ngày 14-4-2014 quy định: “Điều kiện chuyển tuyến: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau: Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị”.

Căn cứ quy định nêu trên thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng không thực hiện chuyển tuyến có thể do khi người bệnh vào viện, người bệnh mắc các bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, phù hợp với danh mục kỹ thuật của bệnh viện đã được Sở Y tế phê duyệt và tiên lượng chưa đến mức chuyển viện. Tuy nhiên, có những trường hợp do điều kiện trang thiết bị và năng lực chuyên môn hạn chế nên chưa thể chẩn đoán chính xác và chưa tiên lượng được diễn biến của bệnh; vì thế, chưa xác định được người bệnh mắc các bệnh quá khả năng chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện nên chưa cho chuyển tuyến hoặc người bệnh vào viện trong tình trạng rất nặng, để đảm bảo chuyển viện an toàn người bệnh cần được cấp cứu điều trị qua giai đoạn nguy kịch mới có thể chuyển viện.

* Cử tri kiến nghị xem xét tăng mức phụ cấp chức vụ trưởng, phó trạm y tế; xem xét tăng chế độ trực làm ngoài giờ, làm thêm giờ cho nhân viên y tế.

Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong: Mức phụ cấp chức vụ trưởng, phó trạm y tế thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; cụ thể theo Thông tư số 23/2005/TT-BYT, ngày 25-8-2005 của Bộ Y tế hướng dẫn xếp hạng các đơn vị y tế, quy định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị y tế theo hạng đơn vị y tế. Theo đó, mức phụ cấp trưởng trạm y tế 0,2; phó trưởng trạm y tế 0,15.

Về xem xét tăng chế độ trực làm ngoài giờ, làm thêm giờ cho nhân viên y tế, thì đối với thực hiện các chế độ này là thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Nhìn chung, việc áp dụng các phụ cấp, chế độ của nhân viên y tế được ngành Y tế tỉnh triển khai thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, hiện nay các phụ cấp, chế độ cho nhân viên y tế, nhất là tuyến xã còn thấp, hy vọng các phụ cấp, chế độ này sớm được thay đổi để đáp ứng phù hợp với nhiệm vụ của nhân viên y tế như hiện nay.

* Cử tri kiến nghị, hiện nay việc chuyển tuyến bệnh nhân theo quy trình từ cơ sở y tế tuyến xã, huyện, tỉnh theo Hướng dẫn liên ngành số 1302/HDLN-SYT-BHXH, ngày 1-11-2018 của Sở Y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) là chưa hợp lý đối với một số loại bệnh nguy cơ tử vong cao, như: Phụ sản, tai biến, đột qu...

Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong: Hướng dẫn liên ngành giữa Sở Y tế và BHXH thực hiện đúng theo Quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BYT, ngày 14-4-2014. Theo đó, chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự: Tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1” (tuyến 4: xã; tuyến 3: huyện, tuyến 2: tỉnh, tuyến 1: Trung ương). Đối với những bệnh cấp cứu, như: Phụ sản, tai biến, đột quỵ... thì không cần chuyển đúng tuyến, bệnh nhân có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào cũng được tiếp nhận điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Chí Bảo

Như vậy, Sở Y tế và BHXH đã hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc chuyển tuyến đúng quy định của Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT, giảm phiền hà và không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người bệnh, Hướng dẫn liên ngành số 1302/HDLN-SYT-BHXH, ngày 1-11-2018 của Sở Y tế và BHXH còn cho phép các cơ sở chuyển vượt tuyến, cụ thể như: Các trường hợp chuyển vượt tuyến được coi là đúng tuyến:

Tuyến xã được chuyển thẳng lên tuyến tỉnh và các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa: Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất hoặc đã được chẩn đoán xác định; bệnh nhân chạy thận nhân tạo; bệnh nhân phẫu thuật sọ não; bệnh nhân chấn thương sọ não; bệnh nhân có chỉ định: Thay khớp gối, thay khớp háng và các bệnh khác mà khi truy cập danh mục kỹ thuật của bệnh viện tuyến huyện sở tại không thực hiện được. Bệnh viện 30 tháng 4: Các bệnh nhân được chẩn đoán lao hoặc theo dõi lao. Bệnh viện chuyên khoa 27 tháng 2: Bệnh nhân được chẩn đoán hoặc theo dõi tâm thần.

Tuyến huyện được chuyển thẳng lên tuyến Trung ương: Bệnh nhân ung thư đang điều trị xạ trị tại tuyến Trung ương; phẫu thuật tim các loại; các bệnh khác mà khi truy cập danh mục kỹ thuật mà bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh không thực hiện được.

* Cử tri kiến nghị về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, sắp xếp biên chế đối với các trung tâm y tế cp huyện.

Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong: Về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, trong thời gian qua, cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã từng bước được đổi mới. Ngay từ năm 2006, một số đơn vị sự nghiệp y tế công, phần lớn là các bệnh viện đã thực hiện điểm cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 85/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng hợp báo cáo của các đơn vị, loại hình tự chủ của các đơn vị hiện nay cho thấy ngành Y tế tỉnh có 35/35 đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện tự chủ, đạt tỷ lệ 100%; trong đó, đơn vị trực thuộc 24 đơn vị, trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện (thuộc Chi cục Dân số KHHGĐ) 11 đơn vị.

Đối với trạm y tế: tỉnh có 109 xã và 3 trạm y tế quân dân y kết hợp, tổng số 112/112 trạm y tế thực hiện tự chủ về tài chính, đạt 100%.

Phân theo loại hình, gồm: Đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên có 12 đơn vị; đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên có 9 đơn vị; đơn vị do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo toàn bộ có 14 đơn vị và 112 trạm y tế trực thuộc tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên.

Trong thời gian tới dự kiến tiếp tục triển khai thực hiện: Đối với 24 đơn vị trực thuộc: Có 12 đơn vị thực hiện loại 2 (tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên) đạt 50% và trong thời gian tới tiếp tục duy trì thực hiện loại 2. Có 9 đơn vị thực hiện loại 3 (tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên) đạt 37,5 %, trong thời gian tới chi làm 2 nhóm: Nhóm các đơn vị thuộc hệ phòng bệnh và sự nghiệp khác có nguồn thu thấp vẫn tiếp tục thực hiện loại 3, bao gồm 3 đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Pháp y. Nhóm các đơn vị thuộc hệ điều trị và trung tâm y tế có giường bệnh có nguồn thu viện phí hiện nay tự chủ loại 3 nhưng trong thời gian tới đặt mục tiêu từ năm 2021 sẽ nâng lên thực hiện loại 2, bao gồm 6 đơn vị: Bệnh viện 30/4, trung tâm y tế huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung và TP. Sóc Trăng. Có 3 đơn vị thực hiện tự chủ loại 4: Các đơn vị không có nguồn thu hoặc có nguồn thu, chi dưới 10% thực hiện loại 4 (do NSNN đảm bảo toàn bộ). Trong thời gian tới vẫn tiếp tục được NSNN đảm bảo toàn bộ, bao gồm 3 đơn vị: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe và Trung tâm Kiểm nghiệm.

Đối với 11 trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện: Tất cả 11 đơn vị làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở địa bàn huyện, thị, thành phố không có nguồn thu và tiếp tục trong thời gian tới vẫn được NSNN đảm bảo toàn bộ (loại 4).

Đối với trạm y tế xã: Hiện nay đang kiến nghị tạm dừng thực hiện tự chủ chờ Nghị định số 85/CP của Chính phủ điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi và hướng dẫn cụ thể. Vì nguồn thu giữa các trạm y tế không giống nhau, có trạm y tế thu được cao, có trạm y tế nguồn thu thấp. Hơn nữa, chưa có hướng dẫn cơ chế điều tiết nguồn thu từ trạm y tế nên thực hiện cơ chế này không đảm bảo.

Về tình hình sắp xếp biên chế đối với các trung tâm y tế cấp huyện: Theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị và Đề án 01/ĐA-UBND, ngày 13-2-2017 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc kiện toàn trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thuộc Sở Y tế Sóc Trăng; Sở Y tế làm tham mưu UBND tỉnh ban hành 8 quyết định về tổ chức lại 8 trung tâm y tế tuyến huyện, đó là: Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Cù Lao Dung, Thạnh Trị, TX. Vĩnh Châu, TX. Ngã Năm.

Tại tỉnh Sóc Trăng triển khai việc thực hiện sáp nhập bệnh viện đa khoa tuyến huyện thành trung tâm y tế huyện năm 2016 đến đầu năm 2018 chính thức hoạt động theo mô hình trung tâm y tế.

Qua kết quả sắp xếp các trung tâm y tế giảm 8/19 đơn vị tuyến huyện (giảm 8 bệnh viện, chiếm tỷ lệ 42,1%); bổ nhiệm 8 giám đốc và 24 phó giám đốc (giảm 8 giám đốc, 3 phó giám đốc); thành lập 82 khoa, phòng và bổ nhiệm 184 viên chức thuộc trung tâm y tế, giảm 2 khoa, phòng; giảm 5 trưởng, phó khoa, phòng; giảm 8 chức danh kế toán trưởng; số lượng công chức, viên chức trước khi sáp nhập 1.682 người, sau khi sáp nhập còn 1.629 người, giảm 53 người, chiếm tỷ lệ 3%.

* Cử tri kiến nghị ngành Y tế cần có giải pháp phòng, chống dịch bệnh vào mùa mưa.

Giám đốc Sở Y tế Trương Hoài Phong: Hàng năm, ngành Y tế tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2019, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 406/QĐ-UBND, ngày 19-2-2019, trong đó, có đầy đủ các biện pháp, giải pháp thực hiện hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này đã được triển khai cho tất cả các đơn vị thuộc Sở Y tế.

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, bước vào tháng 7, nhiều đợt mưa, bão lớn xuất hiện. Đây là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Trong mùa mưa, các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa như: Sốt xuất huyết, sốt rét; các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, cúm, tay chân miệng, đau mắt đỏ, sởi, ho gà...

Để chủ động phòng tránh các dịch bệnh trong mùa mưa, trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, cung cấp kiến thức phòng bệnh trong cộng đồng; dự trù đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất trong phòng chống dịch bệnh.

Đối với các bệnh dịch có nguy cơ xảy ra: Bệnh tay chân miệng: Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên các trường mầm non, nhà trẻ về bệnh tay chân miệng. Hướng dẫn các biện pháp cách ly, phòng lây nhiễm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh tại lớp học. Tăng cường giám sát và xử lý từng ca bệnh, khi có ổ dịch xảy ra nhanh chóng tiến hành các biện pháp khống chế không để dịch lan rộng.

Bệnh sốt xuất huyết: Chủ động giám sát các chỉ số dự báo dịch (số ca bệnh, chỉ số côn trùng); thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 3, 4; làm tốt công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch đơn lẻ; phun hóa chất chủ động diệt muỗi trên quy mô ấp, xã, huyện tùy theo mức độ cảnh báo dịch, ở những khu vực có nguy cơ.

Các bệnh có vắc xin (sởi, ho gà, bạch hầu...): Tập trung làm tốt công tác quản lý và vận động đối tượng tiêm chủng; đảm bảo cung ứng đủ vắc xin cho hoạt động phòng bệnh; đảm bảo an toàn tiêm chủng.

* Cử tri kiến nghị về vấn đề cung cấp vắc xin tiêm chủng cho trẻ em.

Lãnh đạo Sở Y tế: Trong năm 2018, khu vực phía Nam thường xuyên thiếu vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) vào các tháng 8, 9, 10, 11, 12 (do nhà sản xuất đã ngừng sản xuất và cung ứng Quinvaxem trên toàn cầu), dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ dưới 1 tuổi không đạt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, việc thiếu vắc xin này còn dẫn đến tình trạng phụ huynh đưa con đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm vắc xin 6 trong 1, gây thiếu hụt vắc xin dịch vụ.

Năm 2019: Bắt đầu từ giữa tháng 12- 2018 đến hết tháng 5-2019, Trung tâm Y tế dự phòng được cấp vắc xin ComBE Five (vắc xin 5 trong 1 mới có cùng thành phần với Quinvaxem) nhưng số lượng chỉ đủ để tiêm cho đối tượng mới cần tiêm trong tháng (cụ thể là đối tượng sinh từ 1-10-2018 trở về sau), số vắc xin này không đủ cho hoạt động tiêm bù đối với đối tượng còn nợ mũi năm 2018.

Từ tháng 6-2019 ngành Y tế tỉnh bắt đầu nhận được vắc xin ComBE Five với số lượng đủ lớn cho hoạt động tiêm bù và duy trì hoạt động tiêm chủng thường xuyên hàng tháng.

Dự kiến quý IV-2019 sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td (uốn ván - bạch hầu) cho trẻ 7 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh, nguồn vắc xin sẽ do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cung cấp.

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đây đến cuối năm 2019 sẽ có đủ vắc xin cho công tác tiêm chủng mở rộng. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý đối tượng, tiếp tục triển khai hoạt động tiêm bù. Chủ động dự trù vắc xin, tăng cường giám sát và điều phối vắc xin tránh việc thừa hoặc thiếu vắc xin cục bộ trong địa bàn tỉnh.

Về tình hình tiêm chủng dịch vụ: Tình hình cung ứng vắc xin dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào nhà cung cấp, thường xuyên gặp phải vấn đề thiếu vắc xin phòng dại, vắc xin 6 trong 1. Nguyên nhân do công ty thiếu vắc xin để cung cấp. Đặc biệt là vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1) là vắc xin có nhu cầu sử dụng rất cao do vấn đề thiếu vắc xin 5 trong 1 trong TCMR (năm 2018).

Giải pháp sắp tới cần chủ động lập dự toán, ước tính nhu cầu sử dung vắc xin dịch vụ, hợp đồng với nhiều công ty cung ứng khác nhau để có kế hoạch sử dụng vắc xin khác thay thế, tránh phụ thuộc vào một mặt hàng.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: