• Sức khỏe và Đời sống

Những thầy thuốc tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

27/02/2020 10:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 27/02/2020 | 10:00

STO - Điều họ để lại ấn tượng không phải là bề dày thành tích, không phải là các danh hiệu, càng không phải có nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm mà chính sự chân tình, mộc mạc, đặc biệt là nhiệt huyết, tấm lòng của một thầy thuốc tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nơi cơ sở đối với mọi người, trách nhiệm của một cán bộ y tế đối với xã hội, với công việc mình đảm nhiệm.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lý Thị Mỹ Châu - Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hưng (Long Phú): “Phải dành thời gian hợp lý cho nghề, công việc thì mới nâng cao tay nghề, giúp đỡ cho nhiều bà con”

Với trách nhiệm của mình, bác sĩ Châu tham mưu tốt cho Đảng ủy, UBND xã, ngành cấp trên về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hướng dẫn cán bộ, viên chức đơn vị trau dồi chuyên môn kỹ thuật, nâng cao tay nghề, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức phòng bệnh và chữa bệnh để tự biết chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, đặc biệt là trong các đợt chiến dịch (phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng…). Kết quả, huy động đông đảo cán bộ chủ chốt, thành viên Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, các ban ngành, đoàn thể, tổ y tế ấp, cộng tác viên tham gia truyền thông giáo dục sức khỏe, huy động cộng đồng thực hiện tốt chương trình y tế địa phương.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lý Thị Mỹ Châu. Ảnh: KGT

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống dịch luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó để dập tắt dịch, tổ chức giám sát dịch. Song song đó, duy trì hoạt động của cán bộ chuyên trách hướng dẫn dinh dưỡng cho bà mẹ biết cách chăm sóc, nuôi con theo khoa học, góp phần hạn chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng trên địa bàn; thực hiện đạt kết quả tốt công tác tiêm chủng mở rộng. Phối hợp với ngành hữu quan tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn trên đường phố ở các quán ăn uống giải khát, tạp hóa và kiểm tra định kỳ trong và sau các dịp lễ, tết. Thực hiện tốt chương trình sức khỏe học đường và phòng, chống mù lòa… Tăng cường công tác xã hội hóa và truyền thông giáo dục sức khỏe; khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền…

Để đáp ứng yêu cầu công việc, chị không ngừng học tập nâng cao tay nghề chuyên môn. Chị đã tốt nghiệp khóa học bác sĩ đa khoa năm 2012. Đến năm 2017, chị hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa 1 Y học gia đình. Đặc biệt chị đã cho ra đời nhiều đề tài như: “Một số giải pháp trong quản lý, tư vấn bệnh đái tháo đường và những nguy cơ của bệnh”; “Một số giải pháp trong quản lý, tư vấn bệnh tăng huyết áp và những nguy cơ của bệnh”… Xây dựng hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên, tổ y tế ấp thực hiện “Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở” theo hướng 10 chuẩn quốc gia về y tế xã. Trạm thực hiện đạt bộ tiêu chí quốc gia y tế xã.

Những đóng góp của chị cho ngành đã được ghi nhận bằng việc được trao tặng nhiều bằng khen UBND tỉnh, được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp y tế, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.

Điều dưỡng Dương Quốc Thái, cán bộ phụ trách chương trình chống dịch, Trạm Y tế Phường 3 (TP. Sóc Trăng): “Chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng cần phải có sự nhiệt huyết với nghề, tận tụy với công việc”

 “Người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh tại địa phương cần phải phấn đấu nỗ lực hết mình chống lại các loại dịch bệnh nhằm mang lại sức khỏe và tinh thần thoải mái cho người dân. Chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng cần phải có sự nhiệt huyết với nghề, tận tụy với công việc, thái độ lịch sự, ân cần, nhẹ nhàng, phải có nền tảng kiến thức tốt về phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp loại trừ dịch bệnh và tuyên truyền cho người dân hiểu để họ tự chuyển đổi nhận thức, hành vi tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng” - điều dưỡng Dương Quốc Thái bộc bạch.
Từ đó, anh cùng đồng nghiệp trong đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở lĩnh vực: an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống các loại dịch bệnh, chương trình tai nạn thương tích. Hàng năm tham gia chiến dịch sởi, Rubella cho trẻ từ 16 - 17 tuổi, tham gia công tác sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, tham gia chiến dịch diệt lăng quăng tại cộng đồng, khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn phường...

 

Điều dưỡng Dương Quốc Thái tham gia chiến dịch diệt lăng quăng tại cộng đồng. Ảnh: KGT

Cùng với ngành cấp trên, ban ngành, đoàn thể địa phương, anh tham gia phòng, chống bệnh sốt xuất huyết xử lý diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi 2 đợt trong năm, tham mưu với địa phương xử lý dịch và đã mang đến hiệu quả thiết thực với số ca mắc bệnh giảm xuống rõ rệt sau khi triển khai chiến dịch.

Hàng năm, ngay từ đầu năm, anh đã xây dựng kế hoạch tham mưu với cấp trên thành lập ban chỉ đạo phòng, chống các loại dịch bệnh; phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, vẽ biểu đồ tổng thể của phường, địa chỉ của từng khóm, nắm rõ địa bàn để xử lý dịch nhanh chóng. Thu thập thông tin, báo cáo cập nhật dịch bệnh hàng ngày để khoanh vùng xử lý không để dịch bệnh bùng phát. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cộng tác viên tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại địa phương trong các cuộc họp định kỳ của khóm để người dân hiểu rõ về bệnh để phòng tránh.

Anh thường xuyên tham gia các hoạt động khám bệnh, phát thuốc do ban ngành hữu quan tổ chức cho người nghèo trên địa bàn. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh.

Với đóng góp của mình, anh đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, ngành Y tế thành phố, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2017, anh được tuyên dương gương Thầy thuốc trẻ tiêu biểu tỉnh Sóc Trăng lần thứ I, năm 2017 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh và Sở Y tế phối hợp tổ chức.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Minh Vũ - Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên): “Điều kiện cơ sở vật chất cho thực hiện công tác chuyên môn thiếu thốn nhưng chưa bao giờ bản thân dao động trước khó khăn, thử thách. Đến bây giờ nhìn lại, thấy mình đã đi đúng hướng”

Phạm Minh Vũ đến với ngành y như chuyện vốn phải vậy, đó còn là mục tiêu phấn đấu suốt đời vì chính là ước mơ được hun đúc từ thuở nhỏ. “Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên) quê mình là vùng sâu, vùng xa, những lúc trong gia đình hay hàng xóm có người bị bệnh phải chở đi điều trị ở xa lắm, đi lại vất vả và mất thời gian vô cùng, nên những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi không kịp đến cơ sở y tế tuyến trên điều trị không phải hiếm. Chứng kiến những trường hợp đó đã nhen nhóm trong lòng ước muốn sẽ theo học ngành y để chữa bệnh cho bà con trong xóm, ấp, cũng để hạn chế những chuyện đáng tiếc xảy ra” - anh Vũ tâm sự.

Để thực hiện mơ ước, năm 1987 anh theo học tại Trường Trung học Y tế Hậu Giang, sau 3 năm miệt mài học tập, anh tốt nghiệp y sĩ ở lứa tuổi đôi mươi, về lại quê hương công tác tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Hòa Tú 2. Đến năm 1995 là Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tú 2, sau đó là Trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Đông, năm 2012 đến nay là Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tú 2.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Minh Vũ. Ảnh: KGT

Với anh dù là những ngày đầu tham gia công tác còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều thử thách hay là những khó khăn hiện tại trong công tác do nhiều nguyên nhân, chưa bao giờ trở thành vấn đề lớn. “Lúc trước, đường sá còn rất khó khăn, đi công tác xuống cơ sở có khi đi bằng xuồng, cũng có khi cuốc bộ. Điều kiện cơ sở vật chất cho thực hiện công tác chuyên môn thiếu thốn nhưng chưa bao giờ bản thân dao động trước khó khăn, thử thách. Đến bây giờ nhìn lại, thấy mình đã đi đúng hướng” - bác sĩ Vũ chia sẻ.

Năm 2001, anh tốt nghiệp khóa học bác sĩ đa khoa; năm 2012, anh hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa 1 Y học gia đình. Cũng trong thời gian này, anh nhận nhiệm vụ Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tú 2. Anh đã nghiên cứu cho ra đời nhiều đề tài như: “Cải cách hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động trạm y tế; ứng dụng mô hình nuôi cá bảy màu nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, sốt rét; nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế…”.

Anh tham mưu kịp thời cho ngành cấp trên, chính quyền địa phương tổ chức triển khai và đánh giá thực hiện kế hoạch công tác. Chủ động phối hợp, phân công nhân viên, các bộ phận chuyên môn của đơn vị trong các mặt công tác; tạo khí thế sôi nổi trong thi đua thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Xây dựng hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên, tổ y tế ấp để cùng chính quyền địa phương góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác hàng năm được giao, nhằm thực hiện “Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở” theo hướng 10 chuẩn quốc gia về y tế xã. Trạm thực hiện đạt bộ tiêu chí quốc gia y tế xã.

Hơn 20 năm công tác, anh đã được trao tặng nhiều bằng khen UBND tỉnh, được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp y tế, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.

KGT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: