• Sức khỏe và Đời sống

Phòng, chống sốt xuất huyết - cần quyết liệt hơn

07/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 07/09/2017 | 06:00

STO - Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao, bình quân khoảng 100 ca/tuần, toàn tỉnh có trên 1.000 bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn cũng có chiều hướng tăng hơn so với trước.

Theo đó, số trường hợp được chẩn đoán, theo dõi điều trị sốt xuất huyết tăng 28% so năm 2016. Bình quân số bệnh nhân khoảng 90 - 100 ca/tuần và gần 30 ổ dịch nhỏ. Hầu hết các huyện đều có đường mắc bệnh vượt đường trung bình 5 năm, trong đó, địa phương có nhiều bệnh nhân nhất là huyện Trần Đề, kế đến là TP. Sóc Trăng và huyện Long Phú.

Phun hóa chất diệt trung gian truyền bệnh.

Theo các nhà chuyên môn, trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết, việc cập nhật số liệu kịp thời và địa phương xử lý ngay, hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng kiểm soát lây lan dịch. Những ngày qua, ngành y tế dự phòng và chính quyền địa phương các cấp đã tích cực huy động cả cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh bằng các biện pháp dân gian diệt muỗi, diệt lăng quăng, kết hợp phun hóa chất diệt trừ mầm bệnh và ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát thành dịch lớn, trên diện rộng. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Tình hình sốt xuất huyết hiện nay phức tạp, để giám sát xử lý, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh luôn đề cao tuân thủ hiệu quả của các đợt chiến dịch phun hóa chất diệt trung gian truyền bệnh, diệt lăng quăng, giám sát xử lý chặt chẽ ổ dịch phát sinh tại địa phương sớm và triệt để; tiếp tục diệt lăng quăng, phun thuốc ở những địa phương chưa đạt yêu cầu”.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn không ít tồn tại trong xử lý dịch chủ động, khi có mật độ côn trùng tăng cao, do nhiều nguyên nhân như cán bộ giám sát côn trùng còn thiếu và yếu về khả năng phát hiện ổ lăng quăng. Phần lớn huyện đánh giá đều đạt sau khi diệt lăng quăng, nhưng kết quả giám sát cho thấy hiệu quả diệt lăng quăng chưa cao dù đã xử lý sau vòng 2. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp đối với công tác diệt lăng quăng, cũng như các ban ngành, đoàn thể chưa tham gia mạnh mẽ và còn giao phó cho ngành y tế. Chính vì vậy đã làm cho dịch bệnh lây lan và kéo dài.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, bệnh sốt xuất huyết thời gian tới sẽ khó kiểm soát do sốt xuất huyết dengue cao ngay từ đầu năm, tạo đà cho đường cong dịch cao hơn các năm trước; thêm vào đó là đang vào mùa mưa, mùa cao điểm sốt xuất huyết dengue và tuýp dengue-2 sau nhiều năm lưu hành thấp, có thể gia tăng quần thể cảm nhiễm, trong khi đó các tỉnh miền Trung và một số tỉnh khu vực phía Nam đang đà tăng tuýp dengue-2. Đặc biệt là chỉ số véc tơ cao và kiểm soát không triệt để cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng lan truyền sốt xuất huyết dengue. Do đó việc phòng, chống sốt xuất huyết trong những ngày tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp và cả cộng đồng cùng chung tay để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Đ.T.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: