• Sức khỏe và Đời sống

Triển khai có hiệu quả các nhóm phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch

15/07/2020 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 15/07/2020 | 08:00

STO - Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý về mạch máu phổ biến hiện nay. Theo đó, bệnh gây ra những biến chứng từ nhẹ tới nặng, làm mất thẩm mỹ vùng chi, đặc biệt biến chứng làm tắc mạch máu phổi, có thể gây suy hô hấp dẫn đến tử vong. Việc phát hiện sớm bệnh lý và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp là việc làm vô cùng cần thiết.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã triển khai có hiệu quả các nhóm phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa 1 Đặng Văn Sô Đa – Phó trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng).

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Đặng Văn Sô Đa kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch sau phẫu thuật.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì? Bệnh thường gặp ở những đối tượng nào?

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Đặng Văn Sô Đa: Tĩnh mạch có chức năng đưa máu từ vùng xa của cơ thể về tim, nghèo ôxy và giàu các chất độc. Khi bị suy giãn tĩnh mạch sẽ làm máu không đi về tim một chiều, máu ứ trệ ở vùng xa của cơ thể, ứ đọng các chất độc, làm biến đổi các tổ chức ở vùng chi do ứ đọng.

Đây là bệnh mang tính xã hội, liên quan đến chế độ dinh dưỡng và công việc, những người làm việc phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều, ít vận động, người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hoặc do quá trình thoái hóa ở người già; phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, có uống thuốc ngừa thai; tỷ lệ bệnh thường gặp ở nữ cao hơn nam giới.

Phóng viên: Những biến chứng về bệnh suy giãn tĩnh mạch như thế nào?

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Đặng Văn Sô Đa: Bệnh suy giãn tĩnh mạch gây ra những biến chứng từ nhẹ tới nặng, có thể có hiện tượng ứ trệ máu ở ngoại viên, lâu ngày tạo thành cục huyết khối tại chỗ, làm thay đổi màu sắc da ở vùng chi, làm mất thẩm mỹ vùng chi hoặc cục huyết khối có thể di chuyển về tim; đặc biệt biến chứng làm tắc mạch máu phổi có thể gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Phóng viên: Công tác điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ra sao?

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Đặng Văn Sô Đa: Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị bệnh lý này có 2 nhóm phương pháp: điều trị không can thiệp (sử dụng thuốc hỗ trợ sức bền thành mạch, băng ép tĩnh mạch, vớ y khoa). Điều trị có can thiệp bằng cách loại trừ tĩnh mạch bị suy giãn (nhiệt, sóng cao tầng, phẫu thuật với những vết mổ nhỏ rút bỏ tĩnh mạch…). Đối với những bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật sẽ được bác sĩ tư vấn, làm các xét nghiệm trước mổ nếu không có yếu tố nguy cơ thì tiến hành phẫu thuật.

Phóng viên: Vậy cần làm gì để phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, cũng như để nhận biết bệnh lý sớm thưa bác sĩ?

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Đặng Văn Sô Đa: Trong bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, thường ở giai đoạn sớm có triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác (xương khớp, thần kinh…). Nếu có những triệu chứng: nặng chân, đau chân hoặc phù hoặc cảm giác tê bì (như kiến bò) vùng bắp chân và những triệu chứng thường nặng lên sau 1 ngày làm việc hoặc đứng lâu nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa mạch máu để được khám, tư vấn và làm những xét nghiệm về hình ảnh học để được chẩn đoán xác định. Riêng bà con trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có thể đến Khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng) để được tư vấn và điều trị.

Chúng ta biết bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới không có nguyên nhân rõ ràng, chỉ xác định được một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ bệnh lý, nhất là những người béo phì, những người có công việc đứng lâu hoặc ngồi lâu, có thói quen đi giày cao gót hoặc là sử dụng quần áo quá bó, chật hoặc trong gia đình có người bị mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới thì sẽ có nguy cơ cao hơn hoặc do quá trình thoái hóa ở người già; những người lớn tuổi thì bệnh lý sẽ gặp nhiều hơn; phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, có uống thuốc ngừa thai; tỷ lệ bệnh gặp ở nữ cao hơn nam giới.

Do đó, để phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch phải kiểm soát được cân nặng; tập luyện thể dục thường xuyên; nếu phải làm những công việc đứng lâu, ngồi lâu hoặc đi lại trong phạm vi hẹp thì cố gắng tập vận động tại chỗ thì sẽ hạn chế được những nguy cơ. Ăn đủ các nhóm chất, cung cấp đủ vitamin cho cơ thể. Nếu mắc bệnh phải gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, tư vấn và điều trị.

Phóng viên: Chân thành cảm ơn bác sĩ!                                                             

KGT (Thực hiện)

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: