• Sức khỏe và Đời sống

Triển khai đầy đủ, đồng bộ các quy trình phòng, chống dịch bệnh tại địa phương

05/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 05/08/2020 | 06:00

STO - Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tuy chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu, nhưng trước tình hình bệnh bạch hầu ở một số tỉnh Tây Nguyên đang diễn biến với nhiều dấu hiệu phức tạp, ngành chuyên môn tiếp tục triển khai đầy đủ và đồng bộ các quy trình phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Bệnh bạch hầu   

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Đặc tính của bệnh là vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi trùng gây nên. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheria chính là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Một khi đã bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở mũi, họng, lưỡi, đường thở (khí quản).

Đối tượng của bệnh và dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Combe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII); Td đầy đủ, đúng lịch.

Mầm bệnh bạch hầu tồn tại và lưu hành quanh năm, những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh nếu tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh không phân biệt lứa tuổi, tuy nhiên, bệnh đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ dưới 10 tuổi nếu không được tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh bạch hầu có nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 - 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt, kèm theo ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Vì triệu chứng khá phổ biến nên bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảm lạnh thông thường. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:

Bệnh bạch hầu chảy nước mũi trước: bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám, có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Bệnh bạch hầu họng và amidan: bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 - 3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amidan hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sung nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ, làm cổ bành ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng từ 6 - 10 ngày.

Bạch hầu thanh quản: đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện dấu hiệu sốt, khàn giọng, ho ông ổng. Khi đi bác sĩ khám có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Bạch hầu ở vị trí khác: thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.

Điều trị bệnh bạch hầu

Với tính chất nguy hiểm và phức tạp của bệnh, do vậy việc điều trị bệnh bạch hầu cần phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ các điều kiện chuyên môn như các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa… tuyệt đối không tự điều trị tại nhà hay tại cơ sở y tế chưa có đủ điều kiện chuyên môn cần thiết.

Công tác phòng bệnh được triển khai tích cực

Bác sĩ chuyên khoa cấp II Trần Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tuy chưa xuất hiện ca bệnh nhưng công tác phòng bệnh được triển khai tích cực. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đề ra một số giải pháp: tiếp tục triển khai đầy đủ và đồng bộ các quy trình phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về ý nghĩa, mục đích của các hoạt động dự phòng tại cộng đồng để mọi người hiểu và chấp nhận cùng ngành y tế tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tổ chức triển khai 3 đợt chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em, nhằm tăng cường khối miễn dịch cộng đồng phòng bệnh bại liệt, bạch hầu và uốn ván trên địa bàn tỉnh".

Bên cạnh đó, hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Combe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII); Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. 

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

  KGT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: