• Biển đảo quê hương

Chuyên mục biển đảo quê hương

Biên giới biển – một số vấn đề cần biết

19/10/2020 06:00 GMT +7
  • Thứ Hai, 19/10/2020 | 06:00

STO - Biển có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của các nước có biển và của thế giới. Đây là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản), phi sinh vật (dầu khí, khoáng sản). Các tuyến đường vận tải trên biển hầu hết là những tuyến đường giao thông tự nhiên. Vận tải đường biển có thể phục vụ chuyên chở tất cả các loại hàng hóa trong buôn bán quốc tế, do đó vận tải đường biển đã thúc đẩy buôn bán quốc tế phát triển.

Các quốc gia có biển ngày càng ý thức được tầm quan trọng và vai trò to lớn của biển với sự phát triển của đất nước mình nên luôn tìm mọi biện pháp để mở rộng các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. Nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý bắt buộc nhằm điều chỉnh vấn đề an ninh biển, đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, sau hơn 4 năm chuẩn bị và 9 năm đàm phán, ngày 10-12-1982, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982), tên tiếng Anh là United Nations Convention on the Law of the Sea hay thường được gọi tắt là UNCLOS 1982, được 107 quốc gia - trong đó có Việt Nam - ký tại Montego Bay (Jamaica). Với sự ra đời và phát triển của Luật Biển quốc tế 1982, các quốc gia ven biển luôn tận dụng một cách tối đa các điều khoản của công ước để mở rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, với cách giải thích khác nhau nhằm đem lại lợi ích tối đa cho quốc gia mình.  

Nếu như đường biên giới quốc gia trên đất liền được đánh dấu bằng các cột mốc quốc giới cụ thể, thì đường biên giới quốc gia trên biển được công bố bằng các bản kê tọa độ địa lý của đường biên giới đó trong các hiệp ước phân định lãnh hải hay gián tiếp bằng các bản kê tọa độ địa lý các điểm của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và được thể hiện trên các hải đồ có tỷ lệ thích hợp. Biên giới trên biển được phân định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, của đảo và quần đảo được xác định phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và điều ước quốc tế ký kết giữa các quốc gia hữu quan. Hải đồ và các bản kê tọa độ địa lý các điểm này phải được công bố theo đúng thủ tục và gửi Liên Hợp quốc để lưu chiểu. Điều 2 Luật Biển quốc tế quy định: “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (merterritoriale)”. Tàu thuyền nước ngoài được phép “đi qua không gây hại” trong vùng lãnh hải. Tàu thuyền và máy bay được phép “đi quá cảnh” qua các dải hẹp, eo biển được sử dụng cho hàng hải quốc tế theo quy định của Luật Biển quốc tế năm 1982. 

Sau khi Công ước Luật Biển 1982 ra đời và có hiệu lực, các quốc gia ven biển nói chung, Việt Nam và Campuchia nói riêng đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của công ước. Quy chế pháp lý đối với lãnh hải đã trở thành biện pháp giải tỏa cho các yêu sách xung đột giữa các quốc gia với nhau. Lưu thông hàng hải qua vùng lãnh hải và các dải hẹp giờ đây dựa trên các nguyên tắc pháp lý. Việc xác định biên giới phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận, thương lượng trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, phải phù hợp với những nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế. Tại Việt Nam, theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định “Biên giới quốc gia được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định”. Việc phân định biên giới biển giữa các quốc gia là vô cùng phức tạp, nó đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ các nguyên tắc, tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế, hoàn cảnh hữu quan.

Phân định biên giới, đặc biệt phân định biên giới biển giữa các quốc gia là một vấn đề hết sức phức tạp. Do vậy, các quy phạm quốc tế về Luật Biển dành chủ yếu để phân định các vùng biển giữa các quốc gia, tạo ra công cụ hiệu quả để các quốc gia có thể thương lượng, thỏa thuận vùng biển chồng lấn có cơ sở.

Các căn cứ pháp lý bao gồm các điều ước quốc tế, song phương, đa phương. Cơ sở pháp lý đầu tiên phải kể đến để xác lập đường biên giới quốc gia trên biển là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (Luật Biển quốc tế 1982). Đây là một văn bản pháp lý quốc tế quan trọng quy định về các vùng biển mà các quốc gia ven biển có quyền được hưởng cũng như việc sử dụng và khai thác biển và đại dương. Bên cạnh là các điều ước song phương ký kết giữa các quốc gia về vấn đề phân định biên giới trên biển và phân định các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia hay quyền chủ quyền quốc gia. Ví dụ giữa Việt Nam và Campuchia có hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia năm 1982, giữa Việt Nam và Trung Quốc có ký hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc bộ có hiệu lực từ ngày 30-6-2004… Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế nói chung và Luật Biển quốc tế nói riêng như nguyên tắc công bằng, nguyên tắc thỏa thuận trong phân định biên giới trên biển, nguyên tắc đất thống trị biển, nguyên tắc xác lập chủ quyền bằng chiếm hữu, nguyên tắc Uti possidetis… Ngoài ra, các tập quán quốc tế, án lệ, học thuyết, quan điểm của các nhà luật học nổi tiếng thế giới… tuy không phải là nguồn luật chính thống và phổ biến nhưng cũng là cơ sở để các quốc gia dựa vào áp dụng, tham khảo khi tiến hành phân định biên giới biển. 

Với sự ra đời và phát triển của Luật Biển quốc tế 1982, các quốc gia ven biển luôn tận dụng một cách tối đa các điều khoản của Công ước để mở rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, với cách giải thích khác nhau nhằm đem lại lợi ích tối đa cho quốc gia mình. Nguyên tắc công bằng được sử dụng như là một trong những nguyên tắc cơ bản và nền tảng của pháp luật quốc tế nói chung và Luật Biển quốc tế nói riêng. Trong lĩnh vực Luật Biển, nguyên tắc này được hình thành và phát triển cùng với thực tiễn phân định thềm lục địa và các vùng biển giữa các quốc gia láng giềng cũng như tiến trình phát triển của Luật Biển quốc tế với những dấu mốc quan trọng về các hội nghị quốc tế về Luật Biển, cùng với sự ra đời của Công ước Geneva năm 1958... 

Phân định biển là một hoạt động mang tính quốc tế, nó không thể phụ thuộc vào ý chí của một quốc gia và chỉ duy nhất áp dụng pháp luật của một quốc gia để tiến hành. Đường biên giới trong vùng biển có sự chồng lấn phải là đường được các quốc gia liên quan bàn bạc và cùng thỏa thuận - hay cùng chấp nhận, nếu việc giải quyết là do Toà án quốc tế thực hiện. Đường biên giới trong vùng biển chồng lấn do một bên đơn phương quy định chỉ được coi là một yêu sách, không có giá trị pháp lý quốc tế. Vì vậy, để tránh những tranh chấp phát sinh, tránh được việc chồng lấn các vùng biển các quốc gia liên quan cần thông qua quá trình đàm phán, thương lượng để thỏa thuận, tìm ra các phương pháp, một chuẩn chung cho việc phân định. Luật Biển quốc tế 1982 thông qua các quy định của mình luôn đưa nguyên tắc thỏa thuận lên hàng đầu. 

Trong quá trình đàm phán, để đạt đến kết quả cuối cùng, để củng cố cho các lập luận của mình trong việc phân định, các bên tham gia có thể nêu ra các yếu tố, hoàn cảnh cụ thể của lãnh thổ. Tuy nhiên, việc đàm phán, thương lượng cần phải dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp lý, hợp tình và suy xét đến các hoàn cảnh thích đáng, có tính đến tầm quan trọng của các lợi ích có liên quan không chỉ đối với các bên tranh chấp mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Giải pháp do các quốc gia tự mình cùng nhau tìm ra thường có tính hợp lý, công bằng và bền vững hơn, dễ đi vào thực tiễn. 

SONG MINH

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: