• Biển đảo quê hương

Trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển

11/11/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/11/2020 | 13:30

STO - Nghị quyết số 33-NQ/TW (ngày 28-9-2018) của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia xác định “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; dựa vào dân, lấy dân làm gốc...”.

Hơn ai hết, đồng bào các dân tộc sinh sống, làm việc, sản xuất ở vùng biên đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; là lực lượng giúp đỡ bộ đội biên phòng (BĐBP) trong công tác nắm tình hình đường biên, mốc quốc giới, tình hình hoạt động của các loại đối tượng trên biên giới. Đồng bào các dân tộc là những người thường xuyên canh tác, sản xuất trên khu vực biên giới, do vậy, mọi diễn biến tình hình vi phạm chủ quyền lãnh thổ, hoạt động của các loại đối tượng đều không qua khỏi tai mắt của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào” thể hiện vai trò to lớn của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng, phát huy những giá trị cao đẹp tư tưởng của Bác, Đảng ta xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Tổ chức được xác định là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng... các đơn vị quản lý nhà nước ở cơ sở. Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức ở cơ sở rất quan trọng, là đơn vị trực tiếp triển khai các nhiệm vụ của địa phương ở cơ sở, trong đó có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Để phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cần có nhân tố con người để lãnh đạo, chỉ đạo. Do vậy, việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở là công tác quan trọng. Có hạt nhân lãnh đạo, tổ chức hoạt động mạnh thì các phong trào sẽ huy động đông đảo quần chúng tham gia như “Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh thôn bản”, “Phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới”... góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Thực tiễn cho thấy công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã đạt được những thành tựu to lớn. Biên giới được giữ vững, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới được đảm bảo, tạo môi trường và không gian hợp tác, phát triển với các nước láng giềng và bạn bè quốc tế. Những thành tựu đã đạt được có vai trò to lớn của BĐBP với tư cách là lực lượng chuyên trách công tác biên phòng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới đã có nhiều diễn biến ngày càng phức tạp. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động chống phá trên các lĩnh vực; địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn; vấn đề an ninh phi truyền thống, tình trạng di cư tự do, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tội phạm về ma túy, mua bán người, tội phạm xuyên quốc gia - xuyên biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát; việc đàm phán phân định biên giới biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh và công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Để xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới cần phải tiến hành tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khả năng cống hiến sức lực để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân...

Công dân phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định”. Điều 10 Luật Biên giới quốc gia cũng xác định “Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Điều 12 Luật Biên giới quốc gia ghi rõ “Nhà nước có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới; xây dựng công trình biên giới và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống”. Để xác định trách nhiệm của địa phương trong xây dựng và bảo vệ biên giới, Điều 31 Luật Biên giới quốc gia nhấn mạnh “Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân”.

Những thuận lợi và khó khăn, thách thức sẽ tác động trực tiếp đến tư tưởng, hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là đồng bào các dân tộc trên biên giới, vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, muốn quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trước hết phải dựa vào nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, cùng ăn, cùng ở với dân. Để phát huy vai trò quần chúng nhân dân bảo vệ chủ quyền biên giới, cần làm tốt công tác nghiên cứu, nắm tình hình, nắm rõ tâm tư và nguyện vọng của quần chúng, từ đó đề ra nội dung, yêu cầu phù hợp phát động các phong trào để huy động đông đảo quần chúng tham gia. Cần phải quán triệt rõ thẩm quyền, trách nhiệm và phân công, phân cấp thực hiện nội dung, công việc cụ thể để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Điều 13, Chương III của Thông tư số 162/2016/TT-BQP (ngày 21-10-2016) của Bộ Quốc phòng quy định thực hiện một số điều Nghị định số 71/2015/NĐ-CP (ngày 3-9-2015) của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – về trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển cũng nhấn mạnh: Thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; tổ chức thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển và xây dựng khu vực biên giới biển. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tiến hành khảo sát vị trí, tổ chức cắm các loại biển báo trong khu vực biên giới biển theo quy định tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP và Thông tư này đảm bảo thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng các công trình, dự án kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới biển nhằm xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng liên quan; đoàn thể, tổ chức xã hội xây dựng quy chế phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển và xây dựng khu vực biên giới biển. Đảm bảo ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 71/2015/NĐ-CP Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển và xây dựng khu vực biên giới biển.

SONG MINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: