Phòng cháy, chữa cháy - trách nhiệm của mỗi gia đình

03/10/2022 05:11 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Song Lê
  • Thứ Hai, 03/10/2022 | 05:11

STO - Ngày 27/9/1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy. Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh này và ngày 4/10 hàng năm được chọn là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (nay là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

Theo Đại tá Phạm Minh Khả - Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Sóc Trăng, “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy” là hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân có sự lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm thực hiện các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng. Đây là một biện pháp thường xuyên và lâu dài, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy.

Kiểm tra, nhắc nhở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: SONG LÊ

Đối với tỉnh Sóc Trăng, việc thực hiện công tác này thường xuyên và liên tục. Điển hình là từ đầu năm 2022, đơn vị đã hướng dẫn công an cấp xã tham mưu UBND cùng cấp thành lập 61 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” ở xã, phường, thị trấn và đang tiếp tục nhân rộng. Mỗi tổ liên gia từ 5 - 15 thành viên hoạt động trên phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ. Mỗi gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...), lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút ấn ở trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) để bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực tuyên truyền nhân dân cài đặt app “Báo cháy 114” (truy cập vào CH Play đối với điện thoại có hệ điều hành android và truy cập app store của hệ điều hành iOS để tải kích hoạt sử dụng) với 6 tính năng, giúp xác minh được ngay các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố là thật hay giả, vị trí chính xác địa điểm xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Đánh giá được cơ bản tình hình vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố từ đó đưa ra phương án để triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp. Giảm thiểu tối đa thiệt hại do các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố xảy ra. App “Báo cháy 114” bảo đảm quy trình số hóa một số hoạt động của các đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói chung, đơn giản hóa các quy trình nhận tin và xác minh tin báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Chú trọng công tác huấn luyện nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Ảnh: SONG LÊ

Đại tá Phạm Minh Khả cũng thông tin, ngay từ đầu năm 2022, thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa khô, bảo vệ an toàn lễ, Tết, các sự kiện lớn, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, làm tốt công tác phòng ngừa. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy ở thị xã Vĩnh Châu và thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng); trong đó có 1 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, 1 vụ cháy công ty quảng cáo, 1 vụ cháy công ty bao bì, thiệt hại tài sản khoảng 5,8 tỷ đồng, không có thiệt hại về người. Đồng thời, phối hợp với phòng nghiệp vụ, ngành chức năng thành lập 4 đoàn kiểm tra phòng cháy 68 cơ sở; ra quân tổng kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với 102 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, các loại hình tương tự trên địa bàn tỉnh và lập biên bản 24 cơ sở vi phạm. Tuyên truyền, hướng dẫn 61.432 hộ gia đình có kết hợp sản xuất, kinh doanh tại nơi ở ký cam kết đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và vận động 1.844 mở lối thoát hiểm thứ 2.

Với phương châm “Tích cực phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy có hiệu quả”, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã thực hiện chặt chẽ công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, duy trì tình trạng hoạt động của phương tiện chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy kịp thời, đạt hiệu quả.

Đại tá Phạm Minh Khả cũng khuyến cáo: “Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, mỗi hộ gia đình nên trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, hệ thống hoặc thiết bị báo cháy cục bộ, hệ thống chữa cháy bằng nước… phù hợp với quy mô tính chất, đặc điểm của nhà ở. Trường hợp nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì các khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của gia đình”.

SONG LÊ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: