• Chuyển đổi số

Khởi sắc bức tranh công nghiệp qua 30 năm tái lập tỉnh

29/04/2022 09:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 29/04/2022 | 09:30

STO - Từ một tỉnh thuần nông vào thời điểm tái lập tỉnh năm 1992 nhưng sau 30 năm, ngành Công nghiệp Sóc Trăng đã có những bước phát triển tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước.

Những con số ấn tượng

Nhìn lại những năm đầu mới tái lập tỉnh, ngành Công nghiệp Sóc Trăng hầu như không có gì, xuất phát điểm rất thấp; toàn tỉnh chỉ có một vài cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ. Nhưng với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm với mục tiêu làm giàu cho quê hương, trong 30 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm gần đây, ngành công nghiệp địa phương đã có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ.

Một điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp địa phương là việc đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp (KCCN) trên địa bàn được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thực hiện; việc thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp vào KCCN, nhất là trong 5 năm gần đây tăng nhanh, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương và giải quyết việc làm cho người lao động.

KCN An Nghiệp hiện đã được lấp đầy, trong đó có nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Ảnh: H.LAN

Theo ông Lý Tuấn Anh - Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, năm 2005, tỉnh quyết định đầu tư xây dựng KCN An Nghiệp (KCN đầu tiên của tỉnh) có diện tích 243ha bằng vốn ngân sách nhà nước, hoàn thành và chính thức hoạt động vào năm 2006. Thời kỳ đầu hoạt động, KCN chỉ thu hút được một số dự án đầu tư với giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của giai đoạn 2005 - 2015 chỉ đạt khoảng 6.500 tỉ đồng/năm (giá so sánh năm 2010). Nhưng từ năm 2016 đến nay, qua việc thu hút được nhiều dự án đầu tư vào KCN, dẫn đến kết quả giá trị sản xuất công nghiệp của KCN tăng vọt, đạt khoảng 10.000 - 12.000 tỉ đồng/năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 24%/năm, riêng năm 2021, đạt 13.710 tỉ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm tỷ trọng khoảng 41% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Cho đến nay, toàn bộ diện tích đất KCN đã lấp đầy với 69 dự án đầu tư (có 7 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư là 7.735 tỉ đồng (trong đó vốn FDI là 2.288 tỉ đồng). Nhìn chung, các doanh nghiệp tại KCN An Nghiệp hiện hoạt động khá hiệu quả, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 16.672,5 tỉ đồng, chiếm 56,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng xấp xỉ 100 lần so năm 2006 và đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách tỉnh.

Hoạt động sản xuất tại KCN phát triển không chỉ góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu nông, thủy sản trong tỉnh mà còn trực tiếp tạo việc làm ổn định cho trên 27.000 lao động và hàng ngàn lao động gián tiếp của địa phương với mức thu nhập bình quân của lao động KCN hiện nay vào khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Diễm ở huyện Long Phú đang làm việc tại Công ty TNHH HS Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng trong KCN An Nghiệp cho biết, chính nhờ tỉnh đầu tư phát triển KCN đã giúp chị có sự lựa chọn để tìm việc làm phù hợp tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Nếu không có KCN, buộc chị phải xa nhà đi làm việc tại các tỉnh, thành phố khác.

Thành công của KCN An Nghiệp nói riêng và phát triển của ngành công nghiệp tỉnh nói chung đã đóng góp vào thành tích chung của tỉnh qua 30 năm tái lập và phát triển. Quy mô kinh tế tỉnh tăng 38 lần so với năm 1992, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm khu vực I, tăng khu vực II, III (trong đó tỷ trọng khu vực II (công nghiệp - xây dựng) từ 9,68% năm 1992 tăng lên 15,11% năm 2021).

Hướng đến công nghiệp tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững

Mặc dù thời gian qua có nhiều phát triển, tuy nhiên, ngành Công nghiệp tỉnh còn tăng chậm, chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu kinh tế tỉnh, vì vậy để ngành Công nghiệp Sóc Trăng phát triển theo kịp tốc độ tăng trưởng chung của đất nước và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp, hiện đại hóa là một mục tiêu được xác định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về định hướng phát triển KCCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tạo nền tảng vững chắc để Sóc Trăng mạnh dạn đầu tư, phát triển lĩnh vực công nghiệp. 

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN, hiện tỉnh đang triển khai xây dựng KCN Trần Đề (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) với diện tích 160ha, tổng vốn đầu tư là 1.230,26 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh làm chủ đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2023. KCN Trần Đề sẽ ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nông thủy sản, thức ăn gia súc; may mặc; bao bì; công nghiệp đóng tàu; sửa chữa tàu biển… 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng tăng cường kêu gọi để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 3 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, gồm KCN Đại Ngãi (200ha), Sông Hậu (286ha) và Mỹ Thanh (217ha). Mặt khác, tỉnh đang tích hợp đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển 3 KCN mới là các KCN Trần Đề 2 (400ha), Đại Ngãi 2 (250ha), Khánh Hòa (350ha) và lập đề án nghiên cứu, thành lập khu kinh tế ven biển với quy mô dự kiến 30.000ha trong giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh. Những KCCN của tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển theo hướng hành lang kinh tế ven sông Hậu và ven biển, ở những địa điểm có lợi thế về giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội sẵn có. Trong định hướng phát triển, Sóc Trăng chủ yếu thu hút các ngành công nghiệp để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, công nghệ cao. Các KCN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là KCN đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó ưu tiên thu hút ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, những ngành thu hút nhiều lao động và thân thiện với môi trường. Riêng KCN ven biển (Trần Đề) sẽ thu hút thêm ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển.

Với lợi thế về hạ tầng giao thông (các tuyến đường cao tốc, đường biển, cảng biển đã, đang và sẽ đầu tư xây dựng…) cùng chính sách ưu đãi hấp dẫn, Sóc Trăng đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án hạ tầng KCCN, khu kinh tế trong tỉnh. Như vậy, mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 4 KCN mới và 5 cụm công nghiệp mới được đầu tư xây dựng cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật để đi vào hoạt động. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 9 KCN, 9 cụm công nghiệp hoạt động. Đến năm 2025, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh vào KCCN (đã đi vào hoạt động) có tỷ lệ lấp đầy đạt 70%; đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100%. Đến năm 2030, thu hút và tạo việc làm ổn định cho khoảng 250.000 - 280.000 lao động tại các KCCN trên địa bàn tỉnh… theo tinh thần Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tin chắc rằng sẽ thực hiện đạt, góp phần mở ra cơ hội và tạo bước ngoặt quan trọng cho công nghiệp địa phương tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững; làm động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, theo kịp đà phát triển chung của quốc gia và trong khu vực.

H.LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: